Ngày 12/4, GS. Lê Phương Nga - chuyên gia trong giới nghiên cứu, viết SGK, tài liệu Tiếng Việt đã có buổi chia sẻ vô cùng bổ ích với giáo viên Tiểu học MC về việc dạy kiến thức Tiếng Việt theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh.
Với bề dày kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm nhiều năm trong việc dạy, nghiên cứu Tiếng Việt và tâm huyết đổi mới phương pháp dạy, GS. Lê Phương Nga đã tạo nên buổi tập huấn vô cùng hấp dẫn, thu hút. Suốt hai tiếng đồng hồ chia sẻ, cô đã đưa đến cho các giáo viên Tiểu học những ví dụ, câu chuyện thực tế và những kinh nghiệm/bài học rút ra trong việc dạy học theo năng lực. Theo cô, dạy học nói nôm na là “dễ hóa”, “thú vị hóa” để mang tới học trò niềm hứng thú, giúp các con hiểu bản chất, từ đó có thể phát triển năng lực của bản thân. Ngay từ lớp 1, thay vì dạy trước kiến thức, các cô hãy dạy trẻ học cách làm việc, ngồi học đúng tư thế và khơi dậy niềm yêu thích học cho các con.
Cô cũng khuyến cáo giáo viên Tiểu học khi giảng bài không nên làm như cái máy, phụ thuộc quá nhiều vào SGK, không phải đứng ở trên phát lệnh, chân lý hay đứng bên ngoài để phán xét mà hãy là người trong cuộc, tương tác và kết nối với trò.
“Đừng đổ lỗi cho trò! Trong tiết Tiếng Việt, khi bạn tổ chức trò chơi đóng vai cho học sinh, hãy tham gia một vai trong đó! Bạn có thể là người quay phim, người phỏng vấn… để trò tự tin, phát huy năng lực của mình. Chúng ta hãy nhìn từ góc độ đứa trẻ, nhìn nhận khả năng của con là gì và đưa ra cách dạy phù hợp. Dạy theo năng lực có nghĩa là đưa ra mục tiêu cụ thể và tìm ra cách thức để đạt được nó. Khi giao bài tập, hãy cho học trò hiểu được yêu cầu của đề bài bằng cách phân tích rõ ràng! Nói, khen và động viên trẻ phải cụ thể. Ví dụ, một bạn đọc rất nhỏ, thay vì yêu cầu con đọc to lên hoặc nhờ bạn khác giúp, giáo viên có thể nói cả lớp giữ trật tự tuyệt đối để nghe bạn đọc. Khi trẻ làm chưa đúng, trước khi chữa bài, hãy khen phần đúng và sự cố gắng của trẻ”, GS. Lê Phương Nga nhấn mạnh.
Những ví dụ sinh động, gần gũi, quen thuộc, tưởng chừng đơn giản nhưng với cách nói dí dỏm, hài hước, GS. Lê Phương Nga đã “mổ xẻ” ra rất nhiều vấn đề mà đa phần thầy cô gặp phải; từ chuyện xác định các thành phần trong câu, phân biệt từ láy/từ ghép đến sử dụng từ ngữ sao cho phù hợp với văn cảnh, đối tượng…
Cô Diễm Hiền (GVCN 3G) bày tỏ: “Buổi chia sẻ của cô Phương Nga giúp các giáo viên thiết kế các hoạt động dạy học sao cho phù hợp ngữ cảnh, năng lực của học sinh. Cô đưa ra những tình huống cụ thể, gần gũi với thực tế giảng dạy hàng ngày để các cô giáo thảo luận, chia sẻ hướng giải quyết, từ đó phân tích hướng nào là phù hợp nhất. Cách chia sẻ của cô nhẹ nhàng, hài hước nên hai tiếng đồng hồ trôi qua không khô khan, nặng lý thuyết. Qua buổi tập huấn, mình cảm thấy tự tin hơn khi mỗi ngày đứng lớp, loại bỏ bớt những thao tác rườm rà, máy móc của cách dạy học cũ và xây dựng được hệ thống hỏi - đáp, những “mẹo nhỏ” để lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên đóng vai trò dẫn dắt tiết học. Nhờ đó mà phát huy được năng lực của mỗi cá nhân và có hình thức đánh giá khen, chê nhẹ nhàng để học sinh hứng thú hơn trong học tập”.
Cô Thanh Hương (GVCN 5P1) cũng nhận thấy, buổi tập huấn này rất bổ ích, chia sẻ nhiều kinh nghiệm thiết thực giúp cả giáo viên và học sinh nâng cao chất lượng dạy - học. “Giáo viên và học sinh được tương tác với nhau nhiều hơn, đúng chủ trương lấy người học làm trung tâm theo định hướng phát triển năng lực. Mỗi năng lực gắn với một hoạt động và được bộc lộ thông qua hoạt động. Trong dạy học Tiếng Việt, năng lực được hiểu là năng lực giải quyết nhiệm vụ giao tiếp. Năng lực giao tiếp vừa là đặc thù của môn Tiếng Việt vừa là một trong những năng lực chung mà trường học hướng tới ở người học”, cô Thanh Hương giải thích.
Cuối buổi tập huấn, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang gửi lời cảm ơn chân thành đến GS. Lê Phương Nga đã dành thời gian chia sẻ và giúp các giáo viên Tiểu học tháo gỡ những khó khăn trong việc dạy Tiếng Việt theo định hướng phát triển năng lực. Nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng tiếng Việt, thầy nói: “Đích đến của chúng ta là dạy trẻ sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt) để “giao dịch”, bao gồm nói và viết. Để làm được như vậy, các thầy cô phải có kiến thức từ thời đi học, thông qua các khóa bồi dưỡng, tập huấn, đọc sách chuyên môn, cuộc sống… Ngoài ra, các thầy cô còn cần trau dồi các kỹ năng, cách thức để đạt được điều đó”.