Năm học 2018 - 2019, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang đã “hiện thực hóa” ý tưởng ấp ủ nhiều năm, đó là thành lập phòng Tham vấn tâm lý học đường tại MC. Thầy mong muốn, các chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm sẽ giúp MCer tháo gỡ những vấn đề tâm lý gặp phải trong cuộc sống.
Từ tháng 12/2018, phòng Tham vấn tâm lý học đường sẽ hoạt động tại MC. Dự án này sẽ được thí điểm trong 6 tháng, hy vọng từ những thành công nhỏ đó sẽ tạo ra những hoạt động bền vững, hiệu quả lâu dài. Ý tưởng xuất phát từ quan điểm giáo dục học sinh của thầy Khang. Thầy cho rằng, giáo dục có nhiều cách, không nhất thiết phải dùng biện pháp trừng trị, kỷ luật. Nếu dùng cách như những sự vụ gần đây: bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng hay yêu cầu cả lớp tát một bạn trong lớp, đuổi học 1 năm vì vi phạm kỷ luật… thì giá trị nội hàm giáo dục bằng 0. Vì thế mà 26 năm qua, MC không hề có Hội đồng kỷ luật nhằm răn đe, giáo dục học sinh.
“Thầy cô cùng phối hợp, tương tác với các bậc cha mẹ để giúp học sinh sửa lỗi. Như vậy, bố mẹ và nhà trường cùng “chiến tuyến”. Tôi hy vọng, các chuyên gia tâm lý đến từ Trung tâm phụ nữ và phát triển sẽ dùng phương pháp tâm lý để “cảm hóa” học sinh. Không chỉ giúp học sinh, các chuyên gia sẽ hỗ trợ các thầy cô “nghiên cứu” tâm lý học trò rồi cùng tháo gỡ. Thay bằng việc kỷ luật, chúng ta có thể lắng nghe, chia sẻ, thuyết phục và đồng cảm để giúp các em trở thành người tử tế, biết học hành và chung sống tốt với bạn bè”, thầy Khang nói thêm.
Cô Hương Giang (Giám đốc Trung tâm phụ nữ và phát triển, Hội LHPN VN) rất vui mừng khi ấp ủ xây dựng phòng Tham vấn tâm lý học đường đúng nghĩa đã được thực hiện tại MC. Trung tâm phụ nữ và phát triển thành lập từ năm 2002, đã hỗ trợ hơn 10 nghìn trường hợp, trong đó có gần 1.200 trường hợp bị bạo hành (gần 30% là trẻ em).
“7 chuyên gia giàu kinh nghiệm của trung tâm sẽ đồng hành với học sinh bằng hình thức lắng nghe, đối thoại. Đó cũng là cầu nối để các thầy cô phối hợp với các bậc CMHS cùng vào cuộc giúp các em tháo gỡ những vấn đề tâm lý. Chúng tôi hứa sẽ làm tất cả bằng trái tim và tâm huyết để dành cho các em cuộc sống tốt nhất. Chúng tôi hy vọng, từ việc thí điểm thành công phòng Tham vấn tâm lý học đường ở MC, mô hình này sẽ phát triển ở nhiều trường trên khắp cả nước, góp phần giúp những cá nhân cụ thể vượt lên được chính mình với sự đồng hành, tác động nhiều chiều của chúng tôi. Qua đây, tôi vô cùng cảm ơn nhà trường đã cho trung tâm cơ hội thực hiện ước mơ này”, cô Hương Giang bày tỏ.
Cô Tuyết Mai (GV Tiểu học) vui mừng khi MC có phòng Tham vấn tâm lý học đường từ tháng 12 này. Cô chia sẻ: “Với các con lớp 1, các cô vừa dạy vừa dỗ. Rất nhiều tình huống “dở khóc dở cười” khiến các cô đau đầu khi giải quyết, có lúc phản ứng không kịp, gây áp lực, căng thẳng. Mong rằng, các chuyên gia tâm lý sẽ đồng hành cùng các cô, học sinh để giúp các con tốt lên”.
Cô Thanh Thúy (GV GDCD) cho rằng việc thành lập phòng Tham vấn tâm lý học đường ở trường là điều cần thiết. “Lứa học sinh cấp 2 đang trong thời kỳ dậy thì với những biến đổi tâm lý khá mạnh mẽ. Các con muốn khẳng định cái tôi của mình nên đôi khi có những câu nói và hành động bộc phát, chưa đúng mực. Điều này khiến các thầy cô khá vất vả trong việc uốn nắn, dạy dỗ. Rất mừng vì từ nay có thêm “cánh tay đắc lực” để hỗ trợ chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp các con vượt qua những biến đổi hay cú sốc tâm lý, từ đó trưởng thành hơn!”, cô Thanh Thúy nhấn mạnh.
Nếu MCer muốn chia sẻ những niềm vui hay khó khăn, rắc rối trong quan hệ bạn bè, gia đình, việc học tập… hoặc đơn giản muốn trò chuyện với ai đó, hãy ghé qua phòng Tham vấn tâm lý học đường (Phòng 701 Hiệu bộ).