Ngày 10/8, 5 MCer đã tham dự lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh bảo vệ tê giác Rhino Art Việt Nam 2014 do Sở GD-ĐT Hà Nội và WildAct tổ chức. Đặc biệt, Nguyễn Hà Nhung (8E2) và Nguyễn Quỳnh Trâm (9I) trở thành 2 trong 6 đại diện của của Việt Nam, giành vé tham gia Hội nghị thượng đỉnh tê giác dành cho thanh thiếu niên thế giới (World Youth Rhino Summit) tại Nam Phi vào ngày Tê giác thế giới (22/9).
Năm nay, trường Marie Curie bội thu giải thưởng từ cuộc thi Rhino Art Việt Nam 2014:
* 3 giải Nhất: Nguyễn Hà Nhung (8E2), Nguyễn Quỳnh Trâm (9I), Phạm Ngọc Anh (9I);
* 3 giải Khuyến khích: Phan Thị Anh Thư (8M), Lê Hoài Nhân (8E1), Đoàn Ngọc Tố Trân (9I).
Cuộc thi Rhino Art Việt Nam được tổ chức bởi Sở GD-ĐT Hà Nội, WildAct Việt Nam, Humane Society International và Kingsley Holgate Foundation nhằm giúp trẻ em có cơ hội chia sẻ những suy nghĩ của mình về nạn săn bắn tê giác. Cuộc thi được thiết kế nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động bảo tồn và giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác.
Rhino Art Việt Nam được phát động từ tháng 5/2014 với sự tham gia của hơn 4.500 học sinh. Dự án đã đến 18 trường THCS và THPT ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để tuyên truyền về loài tê giác, cũng như các hoạt động bảo vệ tê giác. Ban tổ chức đã gửi tới học sinh những mẫu giấy có khuôn hình tê giác để các em thỏa sức sáng tạo, tạo nên những tác phẩm tuyệt đẹp đi kèm với thông điệp bảo vệ tê giác ý nghĩa. Hơn 2.000 tác phẩm dự thi đã được gửi về từ học sinh của 20 trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành khác.
Tê giác hiện nay đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì việc săn bắn nhằm cung cấp sừng tê giác trái phép trên thị trường. Cho tới giờ, chỉ còn khoảng 28.000 con tê giác thuộc 5 loài khác nhau sống trong tự nhiên. Vào năm 2013, có hơn 1.000 con tê giác đã bị săn bắn trái phép ở Nam Phi. Với tỉ lệ săn bắn như vậy, các nhà khoa học ước tính, tê giác sẽ chính thức tuyệt chủng vào năm 2020. Việt Nam hiện là một trong những thị trường chính buôn bán sừng tê giác vì nhiều người tin rằng, chúng có thể cải thiện sức khỏe, chữa được một số bệnh đặc biệt, thậm chí cả ung thư. Tuy nhiên trên thực tế, khoa học đã chứng minh rằng, sừng tê giác không có tác dụng dùng làm thuốc chữa bệnh.
Bà Teresa Telecky - Giám đốc bộ phận loài hoang dã, tổ chức Humane Society International cho biết: “Thông điệp thể hiện trên các tác phẩm nghệ thuật của các em học sinh chắc chắn sẽ mang lại vô vàn niềm hi vọng cho toàn thể người dân thế giới, những người đang ngày đêm lo lắng về số phận của loài tê giác trong tương lai”.
NGỌC HÀ
(Tổng hợp)