Tìm hiểu tính kỷ luật trong quân đội, học các tác phong của người chiến sỹ, biết cách tháo lắp súng, băng bó vết thương... là những điều khiến MCer hào hứng với tiết học Giáo dục Quốc phòng. Hơn nữa, giờ học thú vị này còn là dịp để các bạn xả “xì trét” và có thêm nhiều kỷ niệm khó quên.
Giờ học khác biệt
Từ năm học 2015 - 2016, bộ môn Giáo dục Quốc phòng (GDQP) của khối THPT được đưa vào học chính khóa. 1 tiết/tuần/lớp giúp MCer có thêm cơ hội rèn luyện thể chất.
Những hôm nắng nóng, MCer vẫn tập trung ở sân trường, nghiêm túc tập luyện theo sự hướng dẫn của thầy Đỗ Văn An (GV GDQP). Buổi học điều lệnh, bạn nào cũng ướt đẫm mồ hôi, mặt đỏ ửng, miệng thở phì phò nhưng vẫn nghiêm chỉnh thực hiện đúng và đều tăm tắp. “Đây là môn mới, thực hành nhiều ngoài trời, lại giúp tăng cường sức khỏe nên các bạn rất hứng thú học”, thầy An lý giải.
Môn học này bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết là những kiến thức lịch sử về truyền thống đánh giặc, luật nghĩa vụ quân sự, các loại binh khí. Phần thực hành học về đội hình đội ngũ, các tư thế trên chiến trường (lăn, lê, bò, trườn) và tháo lắp súng.
“Mình truyền đạt cho các em những kiến thức đơn giản, gần gũi, chứ không xa rời thực tế. Khi giảng về truyền thống đánh giặc của cha ông, mình kể về các tấm gương anh hùng, trận đánh nổi tiếng như: Bạch Đằng, Điện Biên Phủ... để giúp các em vừa am hiểu lịch sử vừa nâng cao ý thức bảo vệ lãnh thổ đất nước. Các em còn đặt nhiều câu hỏi về việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thế nào, 3 tháng đầu rèn luyện trong quân đội ra sao... Đặc biệt, học sinh nam rất hứng thú với phần binh khí và thực hành tháo lắp súng”, thầy An kể.
Lần đầu tiên được cầm súng tiểu liên AK47, súng trường..., các MCer tỏ ra rất hào hứng. Các bạn nam còn mở cuộc thi tháo lắp súng trong thời gian ngắn nhất. Để khuyến khích tinh thần cả lớp, thầy An đưa ra quy định, ai tháo lắp súng trong vòng 30 giây sẽ được 10 điểm. Không ít MCer đã đạt điểm số này khi vượt qua “lời thách đố” đó.
“Bộ môn này được thực hành nhiều nên giúp các em nâng cao sức khỏe, rèn luyện tính kiên trì và kỷ luật. Đây cũng là bước đệm để các em thực hiện nghĩa vụ quân sự sau này”, thầy An chia sẻ.
Thầy giáo “hot boy”
Thầy Đỗ Văn An sinh năm 1991, tốt nghiệp khoa Giáo dục Quốc phòng, ĐH Sư phạm Hà Nội. Đầu tháng 7/2015, thầy về trường giảng dạy môn Giáo dục Quốc phòng khối THPT. Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, thầy An thật thà chia sẻ: “Mình lo lắng đôi chút vì mới ra trường, lại chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Nhưng được nhà trường tạo điều kiện tốt nhất, học sinh MC lại thông minh, năng động nên mình bắt kịp rất nhanh”.
Khoác bộ trang phục khá đặt biệt, màu xanh áo lính đến trường, thầy An được học trò Tiểu học gọi là “chú bộ đội”. “Nhiều lần đi qua sân trường, các bạn nhỏ reo lên: “A, chú bộ đội kìa!”. Mình thích tên gọi đó, rất đáng yêu và ngộ nghĩnh”, thầy An cười tươi, nói.
Mỗi lần được học trò gọi là “thầy giáo hotboy”, thầy An chỉ mỉm cười đáp lại. Thầy trẻ, tâm lý, lại trò chuyện cởi mở nên được nhiều MCer quý mến. Thầy luôn cố gắng thay đổi phương pháp giảng dạy, điều chỉnh nội dung sao cho học trò dễ tiếp thu nhất.
Nhận xét về thầy An, Nhật Ninh (11G1) nói: “Thầy rất đẹp trai, cao to. Thầy rất gần gũi, hay kể cho chúng mình nghe về những trải nghiệm cuộc sống. Những câu chuyện đó giúp chúng mình hiểu thêm về công việc thầm lặng, vất vả, nguy hiểm của các chiến sỹ”.
Ngọc Linh (11G3) cho rằng: “Thầy nổi tiếng trên báo nên các thành viên lớp mình đều tò mò chờ đến buổi học đầu tiên. Nhìn thấy thầy, vài bạn ồ lên, còn thầy chỉ cười ngượng ngùng. Sự nhẹ nhàng, vui tính và thói quen hay mỉm cười với học sinh của thầy đã ghi điểm cộng lớn trong mắt chúng mình”.
MCer lên tiếng
Mình từng tham gia Học kỳ quân đội, được thực hành tác phong quân ngũ, tháo lắp súng, điều lệnh... nên không quá bỡ ngỡ khi học môn Giáo dục Quốc phòng. Việc tháo lắp súng không khó, lần đầu mình mất 40 giây, còn gần đây nhất là 25 giây.
Bộ môn này rất hữu ích cho học sinh, không chỉ nâng cao sức khỏe, tính kỷ luật mà còn phục vụ việc thực hiện nghĩa vụ quân sự sau này. Qua những tiết học lý thuyết và thực hành, mình hiểu thêm về quân đội Việt Nam, biết cách băng bó vết thương... Mình cảm thấy rất thoải mái khi tham gia giờ học. Đặc biệt, tiết học còn làm cả lớp trở nên gắn kết hơn. Nhớ nhất lần tụi con trai cá cược xem ai tháo lắp súng nhanh nhất thì được chiêu đãi trà chanh.
NHẬT NINH
(11G1)
Là con gái nhưng mình không thấy chán hay mệt khi học môn này. Lần đầu tiên được tiếp xúc với các trang thiết bị trong quân đội, mình có cảm giác rất thú vị. Giờ lý thuyết, thầy sử dụng slide hình ảnh để giảng dạy, khiến chúng mình dễ hiểu và hứng thú với bài học. Qua môn học này, mình biết rõ hơn về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, cũng như tính kỷ luật nghiêm ngặt trong quân đội.
NHẬT VY
(11G1)
Lần đầu tiên tháo lắp súng, mình bị kẹt tay. Những lần sau thì khá trơn tru và không mất quá nhiều thời gian. Khi được thực hành, mình thấy rất hào hứng, thoải mái. Môn học này giúp thái độ học tập và rèn luyện của lớp mình trở nên tốt hơn hẳn. Nếu trước kia, 11G2 thường xuyên “đội sổ” khối THPT về điểm thi đua nhưng gần đây, kết quả được cải thiện rõ rệt khi đứng top 10/26.
TRUNG KIÊN
(11G2)
Thích súng ống, binh khí nên khi được học môn này, mình mê tít. Nào là được học về các loại súng rồi cách sử dụng, tháo lắp... Nếu lớp 10 tập đội hình, đội ngũ thì lớp 11 được học về súng. Mình thấy giờ học GDQP rất bổ ích vì vừa được tăng cường sức khỏe, lại biết thêm nhiều điều thú vị về quốc phòng an ninh.
NGỌC LINH
(11G3)
* Bài viết trích từ Nội san MCer Link số 20, phát hành 12/2015.