Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đang cận kề. Để giúp “cư dân” 12 (2015 - 2016) đạt kết quả tốt trong kỳ thi tới, thầy cô đã đúc kết nhiều bí kíp thiết thực và bổ ích.
Kiến thức môn Toán đã được thầy cô giảng dạy rất chi tiết trên lớp. Vì vậy, cô chỉ muốn chia sẻ với các em một số lưu ý khi làm bài để tránh lãng phí thời gian và đạt hiệu quả tốt nhất.
Đầu tiên, các em nên đọc lướt qua toàn bộ đề trong khoảng ba phút để cảm nhận và chuẩn bị tâm lý “chiến đấu”. Sau đó, quay lại đọc chậm hơn và hình dung trong đầu lộ trình làm bài, câu dễ trước, câu khó sau. Bởi câu quen thuộc thì dễ dàng giải quyết, còn câu khó khiến các em dễ bế tắc, gây ảnh hưởng tâm lý khi làm các câu sau.
Khi làm dạng bài quen thuộc hoặc dễ, các em cần tính toán cẩn thận để tránh mất điểm một cách đáng tiếc. Vì giành được một điểm ở bài nâng cao khó hơn rất nhiều. Các em nên dành 5 - 10 phút kiểm tra đáp án trước khi đầu tư thời gian còn lại cho những câu đòi hỏi kỹ năng, suy luận và tích hợp nhiều kiến thức.
Cuối cùng là làm bài theo đúng trình tự vạch ra trong đầu. Thậm chí, các em có thể bỏ lại những câu khó của thang điểm 9 - 10 để tập trung cho thang điểm 6 - 8 và nhớ là làm đến đâu thì chắc tới đó.
Cô VIỆT HOA
(GV Toán)
Môn Lý có rất nhiều công thức và thi theo hình thức trắc nghiệm. Nhiều em cho rằng, chỉ cần thuộc công thức, trang bị một chiếc máy tính là đủ. Khi vào phòng thi, chỉ cần bấm bấm là ra kết quả. Tuy nhiên, thực tế không dễ như vậy.
Làm bài thi không đơn thuần chỉ là lắp ghép máy móc công thức. Lời khuyên của thầy là các em hãy đặt bút viết thật nhiều. Chỉ khi ấy, các em mới thấy được cái khó và điểm mấu chốt của bài tập, từ đó nhớ công thức lâu hơn và vận dụng hiệu quả công thức để tìm ra đáp án một cách nhanh nhất.
Cấu trúc đề thi môn Lý hầu như không thay đổi trong vài năm gần đây. Vậy nên, các em cần ôn luyện thật kỹ những dạng bài cố định. Để đạt điểm khá, các em cần nắm chắc về sóng ánh sáng, lượng tử ánh sáng, hạt nhân và sóng điện từ. Bài tập của những phần này thường ở mức cơ bản, dễ ghi điểm. Phần kiến thức thuộc các chương khác thường là câu hỏi nâng cao, dùng để phân loại học sinh.
Thầy CHÍNH NGHĨA
(GV Lý)
Khác với những năm trước, cấu trúc đề thi Tiếng Anh 2016 có 64 câu trắc nghiệm, 5 câu viết lại câu và 1 câu viết luận. Theo cô, cấu trúc này giúp đánh giá, phân loại thí sinh tốt hơn. Mới đầu, nhiều em tỏ ra lo ngại dạng đề thi này. Tuy nhiên, cô tin rằng, sau quá trình ôn luyện nghiêm túc, các em sẽ thấy không khó.
Đặc biệt phần viết luận, các em hãy nắm chắc những thành phần cần có. Trên lớp, giáo viên đã cung cấp đầy đủ cấu trúc câu để hoàn thành các phần nhỏ trong bài. Các em nên lưu ý câu chủ đề bởi đây là phần ghi điểm. Không phải cứ viết dài, văn vẻ là được điểm cao. Quan trọng là tập trung vào trọng tâm, đưa ra bố cục rõ ràng, phát triển ý từ câu chủ đề. Mỗi bài luận nên có 2 - 3 ý. Phần kết bài cũng tương tự như vậy. Hơn nữa, các chủ đề của bài viết thường gắn liền với đời sống học đường. MCer 12 đã quen thuộc với nhiều hoạt động, sự kiện xã hội nên dễ nắm bắt được chủ đề.
Với 64 câu trắc nghiệm, độ khó đã giảm so với đề thi tuyển sinh ĐH - CĐ trước đây. Nếu các em chú ý ôn tập trên lớp thì không khó để đạt điểm khá. Phần trắc nghiệm gồm các câu liên quan tới kỹ năng cơ bản, ngữ pháp và phát âm. Chúng đều có quy tắc, cấu trúc cố định; để đạt điểm tuyệt đối, phụ thuộc 100% vào sự chăm chỉ.
Phần đọc hiểu sẽ không khó nếu các em có vốn từ vựng và kỹ năng làm bài. Các em cần đọc qua toàn bài rồi mới xem câu hỏi, tìm từ “key word” và đối chiếu lại bài đọc. Tiếp đến, xem nội dung câu hỏi nằm trọng tâm ở đoạn nào để lựa chọn đáp án.
Cuối cùng, các em nên làm quen với áp lực thời gian, tự luyện đề trong khoảng 50 - 60 phút rồi so sánh kết quả dù thời gian thi thực tế là 90 phút.
Cô DƯƠNG DỊU
(GV Tiếng Anh)
Cấu trúc đề thi môn Địa không thay đổi trong những năm gần đây, thường gồm 4 phần. Câu 1 (2 điểm) là địa lý tự nhiên, địa lý dân cư. Câu 2 (2 điểm) đòi hỏi kỹ năng đọc Atlas. Câu 3 (3 điểm) là bài tập xử lý số liệu, vẽ biểu đồ. Phần còn lại là địa lý ngành kinh tế, vùng kinh tế.
Dựa vào cách phân bổ kiến thức và kỹ năng trong cấu trúc đề, các em có thể thấy rõ, phần dễ ghi điểm nhất là xử lý số liệu và vẽ biểu đồ rồi đến đọc Atlas địa lý Việt Nam. Đối với vẽ biểu đồ, các em cần nắm chắc các loại biểu đồ cơ bản, gồm: biểu đồ cột đơn, cột trồng và cột ghép, biểu đồ đường kết hợp. Ngoài ra, có một số loại khác như: biểu đồ tròn, biểu đồ miền và biểu đồ đường tốc độ tăng trưởng.
Với câu hỏi về đọc Atlas, các em cần tìm kỹ chủ đề. Ví dụ, đọc về một vùng kinh tế, cụ thể là Duyên hải Nam Trung Bộ thì phải tìm đúng trang về vùng đó. Tiếp theo là đọc thông tin vùng này, chẳng hạn như các cảng biển. Các em cần tìm đúng ký hiệu chung ở trang 3 Atlas, sau đó đối chiếu với bản đồ ngành của vùng để đưa ra câu trả lời.
Về phần lý thuyết, dễ ghi điểm nhất là địa lý dân cư. Chỉ có 3 bài rất ngắn gọn nên các em cần lưu ý để tránh bị mất điểm.
Nhiều em dễ rơi vào tình trạng làm bài lan man, lạc đề nên điểm số không cao. Các em chú ý đọc kỹ đề, gạch chân những ý chính cần giải quyết.
Cô BẠCH TUYẾT
(GV Địa)
Nội dung môn Sử trong kỳ thi THPT Quốc gia thường tập trung vào kiến thức lớp 12. Để đạt điểm cao, các em cần nắm toàn bộ mạch lịch sử. Từ câu hỏi cụ thể đến tổng quát, phải xâu chuỗi được vấn đề. Nếu là câu hỏi cụ thể thì đơn giản. Nhưng với câu hỏi tổng quát, học trò cần tư duy để phân tích các mốc sự kiện.
Trên lớp, thầy cô đã đưa ra nhiều kiến thức chi tiết về các thông sử để giúp học sinh hệ thống hóa. Với mỗi giai đoạn, các em cần ghi ra các diễn biến sự kiện để nắm bắt một cách logic. Như vậy, khi nhắc tới bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, các em sẽ có vốn hiểu biết cơ bản để làm bài. Ví dụ, giai đoạn 30 - 45 có những sự kiện quan trọng: thứ nhất là thành lập Đảng, thứ hai là phong trào dân tộc dân chủ sau những ngày đầu thành lập Đảng, từ đó phát triển cao hơn là thắng lợi Cách mạng tháng Tám.
Tuyệt đối không học vẹt, học thuộc lòng môn Lịch sử. Bởi các mốc sự kiện rất nhiều. Nếu học thuộc từ câu 1 đến câu 100 thì về sau, các em dễ bị quên và nhầm lẫn kiến thức. Các em đăng ký thi môn Sử cần ôn tập nghiêm túc thì mới đạt được kết quả cao.
Cô THU HUYỀN
(GV Sử)