Nếu bị bắt cóc, bạn sẽ làm gì? Những ai có thể chạm vào vùng riêng tư của bạn? Đâu là những hành vi xâm hại?... Tất cả những thắc mắc đó của MCer đã được giải đáp trong tiết ngoại khóa về kỹ năng phòng chống bị bắt cóc và xâm hại tình dục.
Phòng chống bắt cóc
Để MCer có cái nhìn khách quan và thực tế hơn về nạn bắt cóc, các thầy giáo đến từ Trung tâm Phòng chống Tai nạn thương tích Trẻ em (thuộc Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam) đã bắt đầu bài giảng bằng những bài báo và câu chuyện cụ thể xảy ra ở đời thường. Đó là những vụ án nổi tiếng đã được cơ quan chức năng giải quyết nhưng hậu quả để lại vô cùng đáng tiếc. Đặc biệt, trẻ em và phụ nữ luôn là những đối tượng bị bắt cóc nhiều nhất.
Do vậy, các MCer cần lưu ý những điều sau để có thể bảo vệ chính mình. Đầu tiên, các bạn luôn nhớ giữ khoảng cách 2m và hạn chế thời gian nói chuyện với người lạ không quá 1 phút. Tiếp theo, tuyệt đối không được để người lạ vào nhà khi ở một mình dù đó là bạn thân của bố mẹ hay thợ sửa chữa các đồ đạc trong gia đình. Nếu người đó vẫn chưa chịu đi và có ý định mở cửa xông vào nhà, các bạn nên gọi điện ngay cho bố mẹ hoặc nhờ hàng xóm trợ giúp. Thứ ba là tránh sử dụng thang máy khi có người lạ. Nếu người lạ vào thang máy khi các bạn đi một mình, tốt nhất là nên giả vờ bỏ quên đồ và bước ra ngoài. Nếu người lạ có hành vi lôi kéo hoặc bịt miệng, đây chính là báo động đỏ và các bạn được phép cắn, cào cấu vào tay người đó cho đến khi có người tới giúp đỡ. Thứ tư là tránh gặp gỡ trực tiếp với người lạ sau quá trình quen biết qua mạng Internet. Việc trò chuyện như vậy với người lạ có thể khiến các bạn rơi vào nguy hiểm. Nhớ là không được đưa thông tin gia đình, cá nhân như: địa chỉ nhà, số điện thoại, tên tuổi cho bất kỳ ai.
Khánh Ngọc (6A) với dáng người mảnh khảnh nên liên tục được thầy cô chọn làm đối tượng "bị bắt cóc" để dạy thực hành. Cô bạn vui vẻ kể: “Giờ tớ đã biết cách phòng vệ và chạy thoát khi có đối tượng nhăm nhe bắt cóc. Chỉ một vài thao tác cơ bản nhưng các thầy đã cung cấp cho chúng tớ những kiến thức thật bổ ích và lý thú”.
Nhận diện việc bị xâm hại tình dục
Sau khi tìm hiểu kỹ về kỹ năng phòng chống bị bắt cóc, các MCer được học về kỹ năng phòng chống bị xâm hại tình dục. Các bạn vừa được cung cấp kiến thức để nhận diện các vùng kín, vừa học cách nhận diện hành vi xâm hại qua các câu chuyện thực tiễn. Các bạn biết rằng trên cơ thể có các vùng nhạy cảm như: bộ phận sinh dục, mông, ngực và lưng. Với những vùng riêng tư này, chỉ có chính bạn, cha mẹ và bác sĩ mới được chạm vào. Riêng với cha mẹ và bác sĩ, khi các bạn đủ lớn thì họ cần được bạn đồng ý rồi mới được đụng chạm vào. Giống như việc tự bảo vệ cơ thể của mình, các bạn không được chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, nhất là người khác giới. Đặc biệt, không nên tò mò về cơ thể người khác để tránh bị lợi dụng, dụ dỗ hay vô tình kích thích thú tính của những kẻ xấu.
Anh Thư (9A) cho biết: “Năm ngoái, tớ đã được học về kỹ năng phòng chống bị xâm hại. Tuy nhiên, mỗi lần học là tớ lại được trau dồi thêm những kiến thức hữu ích. Hơn nữa, các thầy cô giảng dạy rất hài hước, thú vị. Những câu chuyện do thầy cô kể cũng rất chân thực và hấp dẫn nên giúp tớ ghi nhớ lâu hơn”.
Thầy Chu Mạnh Quân (Giảng viên của Trung tâm Phòng chống Tai nạn thương tích trẻ em) chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi trở lại trường Marie Curie để giảng dạy ở CLB sinh hoạt hè. Tôi thấy các MCer rất nhiệt tình, hăng hái tham gia rèn luyện các kỹ năng do các thầy cô đưa ra. Đặc biệt, các bạn học sinh lớp 6, 7 còn xin thầy cho thực hành nhiều lần các động tác, kỹ năng phòng chống bị bắt cóc để bảo vệ bản thân. Chúng tôi hy vọng sau những buổi sinh hoạt này, các MCer sẽ trau dồi thêm những kỹ năng bổ ích trong cuộc sống”.