“Thực sự đôi lúc chúng tớ đã quên bố mẹ mà chỉ chăm chú dõi theo những cái like, thả tim trên facebook của người xa lạ. Hôm nay về nhà, nhất định chúng tớ sẽ sà vào lòng bố mẹ và nói rằng: Con yêu bố mẹ rất nhiều!”. Đó là tâm sự của các MCer sau khi tham gia chương trình kỹ năng sống có tên gọi “Gia đình yêu thương” trong tháng sinh hoạt hè.
Thấu hiểu bố mẹ
Để bắt đầu chương trình, Th.s Võ Hoàng Anh (Trưởng Ban Biên tập báo Thiếu niên Tiền phong) đã cùng các MCer đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Gia đình là gì?”. Có bạn bảo rằng đó là nơi có bố mẹ và những người thân ruột thịt gắn bó. Có bạn nói, gia đình là nơi mỗi người tìm về sau những vấp ngã của cuộc sống… Ai cũng có ý kiến riêng của mình nhưng chung quy lại, hầu hết MCer phần nào đã hiểu, gia đình là mái ấm hạnh phúc, là nơi có bố mẹ, những người thân yêu luôn dang rộng vòng tay đón chào chúng ta. Ở nơi ấy, bạn được yêu thương vô điều kiện.
Sau khi cắt nghĩa được chữ “gia đình”, các MCer tiếp tục theo dõi clip về hành trình sinh con của một người mẹ bị mắc bệnh ung thư. Đứng trước sự lựa chọn phải điều trị bệnh bằng xạ trị và có thể mất con hoặc không điều trị và có thể giữ lại con, người mẹ đã lựa chọn cách thứ hai. Để con yêu khỏe mạnh, người mẹ ấy đã chịu sự đau đớn giày vò của bệnh tật. Và cuối cùng, khi đứa con cất tiếng khóc chào đời, cũng là lúc người mẹ phải chia tay vào viện điều trị. Nước mắt người mẹ đã rơi, nhưng đó là nước mắt của hạnh phúc. Kết thúc video, đâu đó trong khán phòng đã vang lên tiếng thút thít. Tình yêu và sự hy sinh của người mẹ đã khiến không ít các MCer rơi lệ.
ThS. Hoàng Anh cho hay, thầy cũng là một người bố nên thầy rất thấu hiểu tình yêu của các bố mẹ dành cho con mình. Niềm hạnh phúc của bố mẹ không ở việc con phải trở thành thần đồng, con đỗ đạt vào các trường chuyên… mà đơn giản chỉ là nụ cười, sức khỏe của con, là được nấu cho con một bữa cơm mà con thích.
Minh Châu (8A) bày tỏ: “Những câu chuyện thầy kể thật xúc động, khiến tim tớ nghẹn lại khi nhớ tới bố mẹ. Tớ chưa thể lo toan nhiều việc thay bố mẹ, nhưng tớ đã thấu hiểu hơn tình cảm bố mẹ dành cho mình. Có thể đôi khi bố mẹ quát mắng mình nhưng tất cả những điều đó đều chỉ mong mình được an toàn, khỏe mạnh và có một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Học cách nói “cảm ơn” và “xin lỗi”
Tại buổi sinh hoạt, thầy Hoàng Anh không chỉ giúp MCer thấu hiểu nỗi lòng của bố mẹ, cảm nhận được phần nào sự vất vả của đấng sinh thành, mà còn học được cách nói “cảm ơn” và “xin lỗi” bố mẹ một cách chân thành.
Thầy hỏi, đã bao lâu rồi bạn chưa nói “cảm ơn”, “xin lỗi” bố mẹ hay là từ bé đến giờ chưa bao giờ nói với bố mẹ những điều ấy? Thầy tin chắc rằng, khi bạn có lỗi với bạn bè, bạn sẵn sàng vội vàng xin lỗi họ. Nhưng khi bạn gây ra lỗi với bố mẹ, bạn thật khó để nói hai từ ấy. Bởi các bạn ngại ngùng, các bạn luôn nghĩ rằng mình đúng, hoặc cho rằng bố mẹ sẽ quên hay không quan tâm. Thế nhưng, các bạn biết không, bố mẹ chúng ta có tấm lòng bao dung, sẵn sàng tha thứ hết mọi lỗi lầm của con nhưng không có nghĩa là họ không muốn được nghe con nói lời “xin lỗi”. Xin lỗi chân thành không chỉ thể hiện bạn tôn trọng họ mà còn chứng minh bạn đã trưởng thành không chỉ ở hình dáng bề ngoài mà còn trong suy nghĩ và cách ứng xử.
Còn “cảm ơn”, khi một người quen nào đó vừa thả cho một “icon” trái tim ở dòng trạng thái bạn đăng facebook, bạn đã cảm ơn họ rối rít. Ấy vậy mà, bố mẹ nhọc nhằn nấu cho bạn những món ăn yêu thích thì bạn chẳng thể thốt lên hai từ ấy. Nghe thật nghịch lý đúng không? Nhưng sự thực điều đó đang diễn ra rất nhiều trong cuộc sống hiện đại. Chính từ những điều nho nhỏ đó đang dần kéo giãn khoảng cách giữa bố mẹ và con cái, khiến không ít tình huống không mong đợi đã xảy ra. Thế nên, thầy Hoàng Anh đã chia sẻ 12 điều các MCer đừng bao giờ nên làm với bố mẹ, đó là:
1. Có thể tụ tập với bạn bè thâu đêm suốt sáng, nhưng không thể sắp xếp thời gian để ăn với bố mẹ một bữa cơm gia đình. 2. Có thể dành thời gian để nhắn tin, gọi điện, chờ đợi, chiều chuộng bạn gái cả ngày, nhưng cả tuần không gọi nổi một cuộc điện thoại cho bố mẹ. 3. Khóc lóc, buồn khổ, tuyệt vọng, tự hành hạ bản thân mình vì chia tay với người yêu, nhưng một câu “con yêu bố mẹ” thì không bao giờ nói được. 4. Giãi bày hết nỗi niềm, tâm tư, tình cảm của mình lên mạng xã hội, nhưng bao lâu rồi chưa ngồi xuống để nói chuyện, để hỏi xem bố mẹ muốn gì? 5. Lúc hết tiền thì nhớ ngay đến bố mẹ, nhưng lúc có tiền thì bố mẹ chỉ xếp sau những mối bận tâm khác, lúc tiêu tiền có chắc đã nghĩ đến công sức, mồ hôi, nước mắt bố mẹ làm ra hay không? 6. Những lúc có chút tâm trạng, người yêu dỗi, bạn bè không ở bên thì nghĩ mình là người cô đơn nhất thế giới. Nhưng bố mẹ quan tâm lại nghĩ là phiền hà và cau mày, khó chịu? 7. Biết mình đang trưởng thành, đang lớn lên nhưng không để ý đến bố mẹ cũng đang già đi theo năm, theo tháng. 8. Mang chuyện buồn bực ngoài đường về nhà để rồi lời qua tiếng lại với bố mẹ. 9. Có thể tặng những thứ đồ đắt tiền cho người yêu, nhưng lại không vui, cảm thấy bố mẹ lỗi thời khi phải hướng dẫn bố mẹ nhắn tin, gọi điện bằng chiếc điện thoại mới. 10. Nói yêu bố mẹ trên facebook, nhưng lại block ngay nếu bố hoặc mẹ muốn kết bạn với mình. 11. Cho rằng bố mẹ không bao giờ hiểu cho mình khi chưa một lần dám nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ. 12. Luôn vun vén cho những mối quan hệ khác, nhưng quên rằng chính những người thân thuộc với mình nhất cũng rất cần được quan tâm... |
Chương trình kết thúc rồi mà rất nhiều MCer còn nán lại tâm sự cùng thầy Hoàng Anh. Các MCer không chỉ cảm ơn thầy đã mang tới một buổi sinh hoạt ý nghĩa mà còn giúp các bạn tự tin trong việc nói “xin lỗi” và “cảm ơn” bố mẹ. Anh Thư, Khánh Linh (7B) chia sẻ: “Qua chương trình này, chúng tớ mới thấy mình còn rất vô tâm với chính gia đình mình. Nhất định, từ bây giờ chúng tớ sẽ thay đổi. Chúng tớ sẽ nói “con yêu bố mẹ”, con “xin lỗi và cảm ơn bố mẹ” nhiều hơn”.