Cứ đến tháng 7 hàng năm, MCer lại háo hức tham gia hoạt động hè tại trường. Theo các bạn, mùa hè ở MC thực sự sôi động, hấp dẫn và bổ ích. Bởi các bạn được thỏa sức sáng tạo, học kỹ năng sống, tập luyện thể thao và có thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ của tuổi học trò.
Sáng tạo trong các hoạt động
Với mục đích mùa hè là dịp trải nghiệm, không đặt nặng điểm số, thành tích nên vào tháng 7 hàng năm, nhà trường triển khai nhiều CLB ngoại khóa như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể thao, Kỹ năng sống, STEM…
Thay vì ngồi vẽ trong lớp, các bạn được giáo viên Mỹ thuật cho ra ngoài quan sát thực tế và phác họa lại. Nhờ đó, các đường nét trong tác phẩm của MCer trở nên sinh động, có hồn hơn. Các bạn cũng cảm thấy yêu trường hơn khi khám phá thêm nhiều ngóc ngách, không gian “cute” mà thường ngày ít có dịp quan sát kỹ.
Đặc biệt, MCer vô cùng thích thú khi được tham gia CLB STEM. Tại đây, các bạn được thỏa sức sáng chế, lắp ráp các mô hình robot; hòa mình vào các trò chơi thú vị vào cuối buổi học và thuyết trình trước lớp về sản phẩm bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt. Như vậy là trong suốt quá trình học, các bạn sẽ phải bắt tay vào làm, chứ không chỉ ngồi nghe lý thuyết. Nhờ đó, các bạn hình thành được sự tự tin, tính kiên nhẫn và những kỹ năng mềm bổ ích như: làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian, thuyết trình...
Ngay sau lễ tổng kết năm học trước, Minh Anh (4I) liền nhờ mẹ đăng ký hoạt động hè tại trường. Cô bạn rất thích tiết học STEM nên không bỏ lỡ bất kỳ buổi trải nghiệm sáng chế nào. “Tớ đã tự tay làm ra nhiều robot từ những miếng lắp ghép bé xíu. Việc này nhìn đơn giản vậy thôi nhưng đòi hỏi bạn phải sáng tạo nhiều lắm đấy!”, Minh Anh bật mí.
Xuân Duy (9P3) rất vui khi tiết học STEM nào cũng tràn đầy tiếng cười. Cậu bạn cho biết: “Chúng mình được thoải mái lắp ráp các mô hình theo ý thích, nhờ đó mà trí sáng tạo được kích thích rất nhiều. Hơn nữa, vào hôm tổng kết hè năm ngoái, chúng mình còn được chơi team-building và “quẩy” tưng bừng, nhờ vậy mà tăng thêm khí thế để bước vào năm học mới”. Tại ngày hội này, các thầy cô và MCer thực sự được “xả hơi” và hòa vào những trò chơi tập thể sôi động như: nhảy theo điệu nhạc, di chuyển bằng bao bố, đi bánh xe khổng lồ, vượt chướng ngại vật xếp logo MC... Điều thú vị hơn cả là MCer được thể hiện khả năng chế tạo tên lửa nước và trang trí theo phong cách riêng đầy sáng tạo.
Trau dồi kỹ năng sống
Với nhiều năm kinh nghiệm chủ nhiệm lớp 1, cô Tuyết Mai (GVCN 1M1) cho rằng, việc MCer khối 1 tham gia hoạt động hè vào tháng 7 rất hữu ích. Bởi đó là khoảng thời gian giúp các bạn nhỏ làm quen với môi trường Tiểu học và được rèn luyện nhiều kỹ năng mềm như: ngồi học đúng tư thế, cầm bút đúng cách, chào hỏi... Đồng thời, các bạn được học cách bảo vệ bản thân thông qua việc thực hành xử lý các tình huống do các cô đưa ra hoặc tham gia các tiết ngoại khóa do chuyên gia tâm lý đứng lớp. Để giúp MCer nhí làm quen với nề nếp lớp và có trách nhiệm với công việc chung, các cô thường phân công mỗi bạn làm lớp trưởng một tuần. Các cô cũng dành thời gian giới thiệu cho các bạn về trường MC; tìm hiểu không gian, các phòng ban trong trường; từ đó giúp MCer thêm yêu mái trường mình sẽ gắn bó. Bên cạnh đó, các bạn còn được nhà trường tổ chức cho đi dã ngoại, xem xiếc, tham quan thành phố KizCiti và trải nghiệm các công việc thú vị như: cảnh sát, bác sỹ, phát thanh viên, kỹ sư… “Sau ba tuần hoạt động hè, các con đã thay đổi rõ rệt. Các con không còn khóc nhè, mè nheo mà tự giác trong việc học, ăn, ngủ và chơi. Nhờ thế mà khi vào năm học mới, các con bắt nhịp rất nhanh và hiệu quả”, cô Tuyết Mai chia sẻ.
Cô Nghiêm Hồng (GVCN 3P2) cho biết, trong tháng hoạt động hè, cô thường triển khai các tiết học về cách ứng xử, bảo vệ bản thân cho học sinh. Các bạn được nghe kể chuyện về những nhân vật có nghị lực, ý chí vươn lên trong cuộc sống để biết trân trọng hơn những gì đang có; được tìm hiểu các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam và thế giới để tăng thêm vốn hiểu biết xã hội và được xem các video tình huống về cách ứng xử, giao tiếp khi nhà có khách hay khi đi dự tiệc. Không chỉ vậy, ngoài việc tìm hiểu kỹ hơn về các bộ phận trên cơ thể và các cách phòng tránh bị xâm hại..., các MCer nhí còn được hướng dẫn cách xử lý những tình huống gặp phải trong thực tế.
Đan Vy (5M3) rất thích buổi chuyên đề kỹ năng sống mang tên “Gia đình yêu thương”. Cô bạn kể: “Hôm đó nghe giảng viên trò chuyện, tớ đã khóc. Tớ nhận ra bố mẹ yêu thương tớ nhiều đến thế nào và hiểu rằng, mình cần nói lời cảm ơn với bố mẹ, cũng như cư xử đúng mực hơn nữa. Chỉ có như thế, tớ mới thực sự trở thành người hạnh phúc và tử tế”.
Song song những bài học về giá trị gia đình, các MCer còn tham gia các buổi trải nghiệm về kỹ năng phòng chống bị bắt cóc, xâm hại và phòng chống cháy nổ, thoát hiểm. Các chuyên gia đến từ Trung tâm phòng chống tai nạn và thương tích trẻ em đã giúp MCer nhận diện sáu hành vi xâm hại, thực hành kỹ năng xử lý nhanh khi bị kẻ xấu khống chế như: hét thật to: “Cứu tôi với!”; sử dụng tay, chân tác động vào những điểm yếu của đối phương để thoát thân an toàn... “Buổi học giúp chúng tớ biết cách phòng tránh bị xâm hại, nhờ vậy mà mỗi người cảm thấy tự tin và bình tĩnh hơn khi gặp tình huống thực tế. Hơn nữa, các thầy cô rất nhiệt tình, hài hước nên buổi trải nghiệm để lại cho chúng tớ ấn tượng sâu sắc”, Hoàng Thịnh (6G1) kể.
Không chỉ vậy, các bạn còn được hóa thân thành “lính cứu hỏa” dập tắt lửa dưới sự hướng dẫn của các giảng viên đến từ Cục cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Nhiều MCer chia sẻ: “Đến giờ, chúng mình vẫn nhớ như in ba nguyên tắc để cứu bản thân khi gặp đám cháy. Đó là bằng mọi giá phải bảo vệ cơ quan hô hấp bằng cách lấy khăn ướt bịt miệng để không bị khói xộc vào mũi, di chuyển ở tầm thấp và men theo tường để ra ngoài. Khi đã cứu được bản thân, gọi ngay tới số điện thoại 114 và hô to để báo động cho những người khác. Chúng mình còn được các thầy hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa. Đây là lần đầu tiên chúng mình được trực tiếp cầm bình cứu hỏa để dập lửa thật. Nhờ vậy, chúng mình biết được, phải bình tĩnh và thao tác nhanh, dứt khoát khi chữa cháy”.
Nâng cao sức khỏe
Hiểu được tầm quan trọng của việc rèn luyện thể thao nên ngoài các môn bóng đá, bóng ném, bóng rổ, nhà trường tăng cường các lớp bơi, nhảy cho học sinh. Nếu MCer Tiểu học tung tăng bơi lội trong bể bơi của trường thì MCer THCS được vẫy vùng tại khu Liên hiệp thể thao dưới nước Quốc gia.
Ngọc Minh (4I) đã có “thâm niên” ba năm hoạt động hè ở MC. Năm nào cũng vậy, cô bạn rất mong được đến trường sau những ngày nghỉ hè để tham gia lớp bơi. “Đến trường, mình được thỏa thích bơi và chơi các môn thể thao. Cứ kết thúc tháng ngoại khóa hè là mình lại thấy khỏe hơn; chiều cao cũng tăng lên rất nhiều”, Ngọc Minh nói.
Theo cô Nguyễn Dung (Trưởng bộ môn Thể dục), MCer được phân loại và học bơi từ cơ bản đến nâng cao. Mục tiêu là sau một tháng hè, các bạn sẽ biết bơi và hoàn thành việc thi lấy chứng chỉ. Mỗi ngày có sáu tiết bơi, phân đều cho các lớp. Mỗi tiết có hai thầy cô trực tiếp giảng dạy và các giám thị phụ trách cứu hộ.
Tình bạn “đơm hoa”
Các lớp học trong tháng hoạt động hè thường được thành lập từ nhiều lớp khác nhau trong năm học cũ. Điều này giúp cho MCer có thêm những người bạn mới. Xuân Duy kể: “Mới đầu vào lớp, chúng mình có chút ngỡ ngàng nhưng chỉ sau vài buổi học cùng nhau là như “cá gặp nước”, không chỉ học hợp cạ mà chơi cũng rất hợp gu. Nhờ vậy mà vào năm học mới, mạng lưới bạn bè của mình với các lớp khác được mở rộng”.
Cô Phương Trang (mẹ của Bảo Ngọc, 3P2 và Ngọc Linh, 5M1) tâm sự: “Năm nào, các con cũng chủ động nhắc bố mẹ đăng ký tham gia hoạt động hè. Gia đình thấy chương trình hè ở trường rất bổ ích. Các con vừa được học, được chơi; lại vừa được rèn luyện sức khỏe. Vì thế, chúng tôi rất yên tâm gửi gắm con ở trường”.
Cô Thanh Nga (mẹ của Khánh Linh, 8M2) cho rằng, các hoạt động hè của MC được làm rất tốt, chương trình đa dạng và thực tế. Nhà trường đã tăng cường việc vận động thể chất cho học sinh thông qua các môn thể thao; đẩy mạnh các kỹ năng cơ bản như: tự vệ, giáo dục giới tính, phòng cháy chữa cháy... Cô hy vọng mùa hè này, nhà trường tổ chức thêm các chương trình mang tính phản biện, đàm phán... nhằm giúp học trò trau dồi kỹ năng tự chủ, độc lập, tự tin, lãnh đạo; đồng thời nâng cao trách nhiệm của học sinh với cộng đồng qua các chương trình từ thiện, giảm thiểu dùng đồ nhựa...