Nhằm cung cấp kiến thức và cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho các MCer, thầy cô đã tổ chức tiết học “Phòng bệnh sốt xuất huyết”.
Trước khi vào bài học, cô Thanh Hương (GVCN 5G) đưa ra lời cảnh báo cho các MCer 5G về tình hình bùng phát đại dịch sốt xuất huyết và sự nguy hiểm của căn bệnh này. Chính vì thế, cô đã tổ chức buổi học ngoại khóa này để tuyên truyền cho các bạn nhỏ cách phòng chống tốt nhất, bảo vệ chính bản thân mình.
Các bạn nhỏ hào hứng tham gia thảo luận theo nhóm, giơ tay trả lời câu hỏi kiến thức về triệu chứng bệnh. Đặc biệt, trò chơi “Tiếp sức”, các nhóm sẽ cùng suy nghĩ và nhanh chân viết lên bảng những biện pháp phòng tránh bệnh sốt xuất huyết như: thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phun thuốc muỗi, móc màn khi ngủ, mua vợt bắt muỗi…
“Muỗi vằn đốt cả ban ngày lẫn ban đêm, chính vì thế chúng mình phải móc màn cẩn thận và dùng thuốc xịt muỗi thường xuyên. Vì phòng bệnh hơn chữa bệnh nên sau giờ học này, mình sẽ tuyên truyền cho ông bà, bố mẹ để không mắc bệnh”, Minh Anh (5G) chia sẻ.
Trúc Linh (5G) cho rằng: “Tiết học rất bổ ích. Cô giáo dạy rất dễ hiểu, giúp chúng mình tập trung và nhớ lâu hơn. Mình đã biết thêm nhiều kiến thức về bệnh này như: triệu chứng, cách chăm sóc khi mắc bệnh. Nếu phát hiện bệnh, không tự ý điều trị tại nhà, mà phải đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế”.
“Cư dân” 6P3 cũng hào hứng với tiết học “Cách phòng chống sốt xuất huyết” trong giờ Sinh học. Trước khi bắt đầu bài học, thầy Nhật Trung (GV Sinh học) đặt câu hỏi để “kiểm tra” kiến thức của các bạn về bệnh sốt xuất huyết.
Khi thầy nhắc đến những biểu hiện và sự nguy hiểm của bệnh, nhiều bạn ồ lên lo sợ. Chính vì thế, thầy Nhật Trung nhắc nhở các bạn cần nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ bản thân bằng các biện pháp “không hề khó”. Đặc biệt, thầy nêu cách chăm sóc người bệnh khi bị sốt xuất huyết: không tắm, chỉ lau người; uống nhiều nước; ăn nhiều thức ăn lỏng, dễ tiêu, nhiều vitamin C….
Việt Anh (6P3) cho rằng: “Bản thân phải tự phòng tránh vì căn bệnh này rất nguy hiểm. Người bị sốt xuất huyết rất mệt mỏi, đau nhức toàn thân, không thể ăn uống, hoạt động như bình thường. Nhà mình thường xuyên dọn dẹp, phun thuốc muỗi. Tối nào, mình cũng chủ động móc màn để tránh muỗi đốt”.
Vì đã từng được phổ biến trong những tiết Sinh học trước đó nên các bạn 7I2 rất sôi nổi khi thảo luận để tìm hiểu sâu hơn về bệnh sốt xuất huyết và các cách phòng tránh.
Trước bất kỳ câu hỏi nào về bệnh như: Dấu hiệu bệnh là gì? Làm thế nào để diệt muỗi? Chăm sóc người bệnh như thế nào?..., các bạn đều hào hứng xung phong trả lời.
Nguyên Hạnh, Khánh Linh (7I2) vui vẻ tâm sự: “Mặc dù đã nghe nhiều trên tivi và báo đài, cũng như được học qua trong môn Sinh học, nhưng hôm nay chúng mình được xem trực quan và nghe cô kể chuyện thực tế thì cảm thấy bệnh sốt xuất huyết thực sự rất “gần”. Nhất là những dấu hiệu về người nghi có bệnh cũng như các nguy cơ dẫn đến tử vong. Từ giờ chúng mình sẽ không chủ quan nữa và sẽ áp dụng những phương pháp phòng tránh vào thực tế”.
Theo cô Thanh Tuyền (GV Sinh học), những tiết học này sẽ giúp các em thực sự nắm rõ thông tin về dịch bệnh và chuẩn bị tâm lý. Nếu không may bị bệnh thì cũng sẵn sàng ứng phó và có những cách phòng tránh, điều trị bệnh tốt nhất.
Diệp Anh (9G3) chia sẻ: “Qua buổi học hôm nay, mình được biết thêm về diễn biến tình hình dịch bệnh ở nước ta và trong thành phố Hà Nội. Ngày càng nhiều ổ dịch gia tăng nên nhất định về nhà, mình sẽ chủ động hơn trong việc phòng tránh. Bản thân sẽ giữ gìn vệ sinh nơi ở thật sạch sẽ và gọn gàng. Mình cũng cảm thấy yên tâm khi nhà trường đã tích cực phòng trừ muỗi”.
Cô Mai Thanh (GVCN 9G3) cho biết thêm: “Qua buổi học này, ngoài việc trang bị thêm cho học sinh kiến thức về bệnh sốt xuất huyết, nhà trường cũng muốn thông báo đến với các em hiện ở trường chưa có trường hợp nào mắc bệnh. Vì từ khi Bộ Y tế thông báo dịch, nhà trường đã chủ động phun thuốc diệt quanh trường, cũng như sử dụng dung dịch sả để vệ sinh hành lang, lớp học hàng ngày. Từ đó, giúp các em không còn hoang mang trước diễn biến dịch bệnh phức tạp”.