Ngày 12/1, hội nghị “Xây dựng văn hóa trường học, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” được tổ chức tại trường Marie Curie với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và hơn 60 Chủ tịch, Hiệu trưởng các trường THPT ngoài công lập (NCL).
“Bàn tròn” Chủ tịch, Hiệu trưởng các trường THPT NCL với chủ đề “Xây dựng văn hóa trường học, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” diễn ra trong không khí thân mật, gần gũi tại trường Marie Curie. Lãnh đạo các trường đã chia sẻ thẳng thắn những kinh nghiệm đào tạo, giảng dạy và đưa ra những giải pháp khắc phục khó khăn trong công tác xây dựng văn hóa trường học.
Phát biểu tại hội nghị, thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie) cho rằng: “Trường học vốn dĩ đã là một cơ quan văn hóa. Việc xây dựng văn hóa không dành riêng cho các trường ngoài công lập hay công lập mà là vấn đề chung của toàn xã hội. Với môi trường giáo dục, văn hóa còn mang nội hàm văn hóa ứng xử giữa người quản lý với cán bộ công nhân viên, giữa giáo viên với giáo viên, giữa giáo viên với học sinh và cha mẹ học sinh”. Theo thầy Khang, trường Marie Curie trong suốt 27 năm xây dựng và phát triển đều cố gắng phấn đấu để đạt được hai chữ “hài lòng”. Không chỉ người quản lý hài lòng mà toàn bộ cán bộ, công nhân viên nhà trường đều cảm thấy hài lòng. Đặc biệt, trường luôn nỗ lực để gần 8.000 cha mẹ học sinh hài lòng và gần 4.000 học sinh luôn thích tới trường.
Tại hội nghị, các vấn đề văn hóa nổi cộm của giáo dục và xã hội như: 231 cái tát xảy ra tại một trường Tiểu học ở Quảng Bình hay áp lực của giáo viên… cũng được lãnh đạo các trường tích cực thảo luận. Các thầy cô khẳng định: “Xây dựng văn hóa là sứ mệnh của nhà trường. Mỗi trường cần xây dựng một nền văn hóa riêng biệt để khẳng định mình. Trong đó, việc xây dựng hệ thống các phòng Tham vấn tâm lý trong trường học là rất cấp thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay. Để san sẻ bớt áp lực của giáo viên, các nhà trường nên xem xét việc thành lập các phòng tâm lý. Tuy nhiên để vận hành hiệu quả, cần có nhân sự chuyên gia, chuyên trách và chuyên nghiệp”.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng trường Đinh Tiên Hoàng) chia sẻ mô hình cây nhân cách đang được áp dụng tại trường. Theo đó, học sinh sẽ được rèn cách tự học, sự tự chủ, lòng tự trọng, tự tin và biết tự chịu trách nhiệm.
Thầy Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng trường Nguyễn Bỉnh Khiêm) khẳng định, ngoài các phòng tham vấn tâm lý chuyên trách, đội ngũ cán bộ công nhân viên, đặc biệt là giáo viên cần được huấn luyện và đào tạo về khoa học tâm lý. Ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước khi đứng trên bục giảng, các thầy cô mới sẽ trải qua những khóa học về văn hóa ứng xử trong trường, về các giá trị sống và về các kỹ năng sống. Các thầy cô không phấn đấu thành các chuyên gia tâm lý nhưng họ cần hiểu để trở thành một nhà giáo dục tốt.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Kiều Văn Minh (Trưởng phòng Giáo dục phổ thông) đánh giá, đây là hội nghị rất quan trọng, giúp các trường NCL chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm và truyền lửa cùng nhau phát triển; đồng thời là cơ hội để lãnh đạo Sở lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các đơn vị. Mỗi người một ý kiến với những dẫn chứng thiết thực nhưng quy tụ lại đều nhằm phát triển văn hóa nhà trường.