Thạc sĩ Đinh Đoàn - chuyên gia tâm lý với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục, đào tạo và tư vấn tâm lý đã “mách nước” cách quản lý học sinh cho các thầy cô MC qua những câu chuyện thú vị, hài hước, bổ ích.
Chiều 27/10, Công ty Language Link Việt Nam phối hợp cùng trường Marie Curie tổ chức buổi hội thảo “Nghệ thuật quản lý học sinh và vượt qua rào cản văn hóa”. Theo Th.s Đinh Đoàn, nghệ thuật biểu diễn là điều quan trọng trong giảng dạy, người giáo viên không chỉ có kiến thức chuyên môn mà cần có văn hóa, thái độ ứng xử phù hợp với học sinh.
Những ví dụ gần gũi, sinh động, thực tế qua cách nói hài hước, dí dỏm, cũng như cách “vào vai” nhân vật trong câu chuyện của diễn giả vô cùng thu hút đã khiến thầy cô vừa thấy bổ ích, lại thú vị, hấp dẫn. Thầy Đinh Đoàn đúc rút 10 điều ứng xử quan trọng của giáo viên với học sinh:
1. Liên tục tạo việc cho học sinh. Người giáo viên tùy cơ ứng biến để tổ chức cho trẻ bận rộn và đừng bao giờ để trẻ ngồi yên. 2. Tạo thiện cảm cho học sinh ngay từ ban đầu. 3. Cùng học sinh xây dựng nội quy chung của lớp. Thầy cô sẽ lấy ý kiến từ học sinh, cùng thống nhất với cả lớp về những quy định ấy và tất nhiên nội quy sẽ đi cùng với hình thưc kỷ luật, xử phạt nếu vi phạm. 4. Giáo viên hãy là người đầu tiên làm mẫu, làm gương cho trẻ. Đừng chỉ nói, hãy hành động để trẻ noi theo. 5. Chú ý tới sức mạnh của lời nói. Không nên sử dụng những từ ngữ mang tính “chụp mũ” con người hay tiêu cực, thay vào đó là sử dụng những từ ngữ tích cực. Đặc biệt, khi phê bình trẻ, hãy diễn tả cảm xúc của bản thân và nói giảm nói tránh. Bởi đứa trẻ nào cũng có điểm mạnh, hãy luôn nhìn vào điểm mạnh đó. 6. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể có thể hiệu quả. Đôi khi không cần nói nhiều, lên gân cốt, chỉ cần im lặng, thỉnh thoảng hài hước một chút để làm dịu không khí căng thẳng. 7. Khen hay chê cũng phải gọi tên cụ thể, đừng nói chung chung. 8. Hãy trao quyền cho học sinh, đặc biệt với những học sinh mình muốn thay đổi hành vi. Giáo viên tích cực giao trọng trách cho học sinh đó để bạn đó phát huy những điểm mạnh, tính trách nhiệm. 9. Lợi dụng sức mạnh của đám đông để quản lý học sinh. 10. Phải biết hài hước và phớt lờ đúng thời điểm. |
Những điều mà chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nhắc đến cũng đã được các thầy cô MC “áp dụng” khéo léo, tinh tế trong công tác dạy học hàng ngày. Cô Hồng Ánh chia sẻ: “Buổi trò chuyện hay, ý nghĩa, thú vị khi diễn giả đã truyền cho mọi người kinh nghiệm trong quá trình quản lý lớp. Với phong cách hài hước, truyền đạt sinh động bằng ngôn ngữ cơ thể đã khiến mọi người thu hút. Ứng xử với học sinh là kỹ năng vô cùng cần thiết và những điều thầy chia sẻ rất gần gũi, đúng với thực tế. Đặc biệt, phương pháp trao quyền được áp dụng khá nhiều với những học sinh hay mắc lỗi. Sau những lần được giao “trọng trách” như vậy, bản thân các bạn ấy đã gương mẫu, tự điều chỉnh để tốt lên. Hay là đôi khi chỉ cần giáo viên im lặng, học sinh nhìn vào biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt mình để tự giác điều chỉnh, giữ trật tự trong lớp nếu đang làm ồn”.
Ngoài 10 điều ứng xử trong quản lý học sinh, chuyên gia Đinh Đoàn còn nêu các cách giúp những người trợ giảng tiếng Anh cho giáo viên nước ngoài có mối quan hệ tốt, vượt qua rào cản văn hóa để cùng nhau làm việc.
Đó có thể là đừng phán xét hay chia sẻ chuyện cá nhân và hãy luôn tạo khoảng cách an toàn, không gian riêng cho giáo viên nước ngoài. Hay thay việc “lấn” quá sâu vào cuộc sống riêng tư của họ, chỉ trích, soi mói, hãy học cách động viên và phối hợp cùng họ để hỗ trợ học sinh học hiệu quả và tiến bộ.
Cô Lan Anh (GV Tiếng Anh) ấn tượng với phương pháp trao quyền cho học sinh trong 10 điều ứng xử. Cô kể: “Mình đã áp dụng cách này với một bạn học sinh khá nghịch và thường xuyên mắc lỗi nho nhỏ. Khi mình trao trách nhiệm, bạn ấy được “lên chức” ở lớp, từ đó đã rất cố gắng làm tốt, năng nổ trong các hoạt động và thể hiện tinh thần tích cực. Tự bản thân bạn ấy giữ kỷ luật và ý thức hơn trong học tập. Về xây dựng mối quan hệ với giáo viên nước ngoài mình không gặp khó khăn nhiều. Mình làm đúng chuyên môn giảng dạy, quản lý lớp, hỗ trợ giảng dạy, giám sát trong giờ Tiếng Anh với người nước ngoài. Mình luôn chú ý tới những điều nho nhỏ như tôn trọng nguyên tắc của họ”.