Biết tôi chuẩn bị đi công tác dài ngày tại Quần đảo Trường Sa, thầy Nguyễn Xuân Khang nhắn tin: “Trường Marie Curie mới xây dựng hai cổng rất đẹp và độc đáo. Thầy đặt tên CỔNG TRƯỜNG SA và CỔNG HOÀNG SA – Đưa “cổng ngõ” của Tổ quốc về gần với thầy trò MC. Thương thầy trò ở Trường Sa nhiều lắm! Xa xôi cách trở không dễ đến được…”.
Lá thư gửi đến thầy trò Marie Curie từ Quần đảo Trường Sa.
Món quà tinh thần tặng lính đảo
Trong chuyến đi đầy ý nghĩa vào tháng 4 vừa qua, hành trang tôi mang theo có cuốn Nội san MCer Link và tấm ảnh của ngôi trường mới ở KĐT Mỹ Đình – Mễ Trì. Khởi hành từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), sau 2 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển, tàu HQ 996 đã đưa tôi đến Song Tử Tây, đảo cao nhất trong Quần đảo Trường Sa.
Bấy lâu nay, tôi đã được nghe, được đọc nhiều tài liệu về Trường Sa. Nhưng phải đặt chân đến đây, tôi mới cảm nhận được những khó khăn, vất vả của quân dân trên đảo. Giữa tháng 4 mà trời hanh khô, nắng như đổ lửa, bỏng rát da thịt. Dẫu đã có giếng khoan nhưng nguồn nước sạch sử dụng vẫn phải trông chờ vào những cơn mưa. Lương thực, thực phẩm, đặc biệt là rau xanh rất quý hiếm… Thế nhưng những người lính vẫn luôn giữ vững niềm tin, cầm chắc cây súng canh giữ biển trời Tổ quốc. Thấy cô chú, anh chị từ đất liền xa xôi tới thăm, họ không khỏi mừng rỡ, xúc động.
Nội san MCer Link có mặt tại đảo Song Tử Tây.
Những người lính đảo còn rất trẻ, mới chỉ mười tám, đôi mươi. Họ cũng vừa rời ghế nhà trường, rời quê hương để ra đảo xa làm nhiệm vụ thiêng liêng. Cầm cuốn MCer Link trên tay, họ nhẹ nhàng lật giở từng trang báo. Có chàng trai nhoẻn cười: “Đọc báo, em thấy nhớ những ngày đi học quá! Hồi đó, em nghịch lắm, “dãi nắng dầm mưa” suốt. Giờ nghĩ lại thấy thương thầy cô vất vả vì mình!”. Chàng lính trẻ Nguyễn Đức Thịnh nhắn nhủ: “Đọc báo là biết các em học sinh được bố mẹ, thầy cô chăm sóc, dạy dỗ chu đáo rồi. Cố gắng học tốt, các em nhé!”.
Nội san MCer Link đến với các chiến sỹ đảo Nam Yết.
Nhìn những người lính say sưa đọc rồi chuyền nhau tờ báo mới, tôi ước mình có thể mang nhiều “món quà tinh thần” hơn nữa đến Trường Sa để tặng các bạn. Buổi trưa, tôi tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi để trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Chính trị viên đảo Song Tử Tây. Anh cầm bút viết lời cảm ơn thầy trò trường Marie Curie đã gửi quà tới đảo xa. Anh còn cẩn thận chọn những quả bàng vuông khô nhất, to nhất, đẹp nhất dành tặng nhà trường: “Bàng vuông là đặc sản của Trường Sa. Trường mới đã có CỔNG TRƯỜNG SA, biết đâu sắp tới lại có thêm những hàng cây bàng vuông nữa!?”. Lúc chia tay, anh dặn dò: “Khi về đất liền, tỉ lệ nảy mầm từ quả khô hiếm lắm. Nhưng điều kỳ diệu vẫn thường xảy ra”. Tôi gật đầu, lòng tràn đầy hi vọng…
“Cõng chữ” ra đảo xa
Hai năm qua, từ chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, hàng triệu tấm lòng Việt đã chung tay đóng góp để xây dựng hai trường tiểu học khang trang ở đảo Trường Sa lớn và đảo Sinh Tồn. Như lời phát biểu của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tại Lễ khánh thành tiểu học xã Sinh Tồn, những ngôi trường này được xây dựng bằng nguyên liệu đặc biệt. Đó chính là tình yêu nước, lòng thương yêu dành cho thầy trò nơi đầu sóng ngọn gió.
Thầy trò trường TH xã Sinh Tồn "nhâm nhi" Nội san MCer Link.
Vì thế hệ tương lai của đất nước, các thầy cô đã không quản đường xá, tình nguyện ra Trường Sa dạy học. Giữa đảo xa nắng gió, ngày ngày vẫn vang lên tiếng em thơ bi bô học bài, lời giảng ấm áp của thầy cô. Thầy Lê Anh Đức (đảo Sinh Tồn) tâm sự: “Được đứng trên bục giảng ở Trường Sa, dạy học trò biết về chủ quyền biển đảo, về quê hương đất nước, mình thấy nghề giáo thiêng liêng hơn…”. Thế nên dẫu còn nhiều vất vả, khó khăn, ngày nắng nóng hay giông bão, thầy cô vẫn tận tụy lên lớp, tận tâm với nghề.
Những món quà thân thương gửi đến thầy trò trường TH thị trấn Trường Sa.
Nhiều lúc, thầy cô nơi đây phải dạy ghép lớp từ mầm non đến tiểu học… trong cùng một căn phòng. Vừa phải làm thầy, vừa phải dỗ dành các em như những người cha, người mẹ nhưng thầy Võ Ngọc Hạ (đảo Sinh Tồn) vẫn luôn nở nụ cười trên môi: “Chúng mình thương các em lắm, coi như con, như em của mình vậy. Mỗi khi có cơ hội về đất liền, thầy cô lại tranh thủ tìm tài liệu, bổ sung kiến thức để ra đảo truyền lại cho các em”. Cậu học trò Nguyễn Trần Anh Luân (lớp 3) chia sẻ: “Chúng con yêu thầy Đức, thầy Hạ lắm! Mai này lớn lên, chúng con vừa làm bộ đội, vừa làm thầy giáo dạy chữ cho các em nhỏ”. Qua tâm sự của thầy cô và các em học sinh, tôi biết ngoài nghề giáo viên, thầy Đức và thầy Hạ còn có một nghề phụ nữa - đánh bắt hải sản. Cứ đến cuối tuần, hai thầy lại lênh đênh trên biển để bắt thêm con cá, con mực… nhằm cải thiện bữa ăn. Việc được hát, được đọc thơ đầy hào sảng giữa tiếng sóng biển vỗ rì rào đã giúp các thầy thêm yêu cuộc sống ở đảo, nguôi ngoai nỗi nhớ nhà và cả nỗi nhớ… “người thương”.
Nhà báo Võ Hoàng Anh với học sinh Trường Sa.
Rời đảo Sinh Tồn, tôi đến đảo Trường Sa lớn. Tới thăm lớp học của thầy Phạm Trung Việt, món quà tôi mang theo là hộp kẹo, bóng bay, sách báo, cuốn MCer Link cùng bức ảnh chụp trường mới. Học trò xem xong liền xuýt xoa: “Trường đẹp quá! Báo cũng đẹp, nhiều màu sắc nữa!”. Thầy Việt thì mỉm cười: “Giáo viên tụi em mong ước nơi đảo xa sẽ có những ngôi trường khang trang, hiện đại, đầy đủ cơ sở vật chất như thế này được xây dựng. Cảm ơn thầy cô và các em học sinh Marie Curie đã quan tâm, dành tình cảm cho thầy trò ở Trường Sa!”. Đợi giờ nghỉ giải lao, tôi rủ các em ra sân chơi. Nếu học trò Marie Curie có niềm vui nhảy flashmob, tập võ, đá bóng… thì học sinh nơi đây cũng không kém cạnh khi ngân vang giọng hát, đọc thơ, chơi trò chơi.
Tạm biệt Trường Sa để về với đất liền, tôi thấy mình trưởng thành hơn, thêm yêu người lính đảo, thầy cô và các em học sinh… đen giòn vì nắng gió.
Một chút “Marie Curie” đã đến và ở lại đảo xa, giữa biển khơi mênh mông sóng vỗ…
VÕ HOÀNG ANH
(Báo Thiếu niên Tiền phong)
Bài viết trên có mặt trong Nội san MCer Link số 11, phát hành tháng 05/2014.