Những chuyến xe buýt yêu thương hàng ngày lặng lẽ qua nhiều con phố, chở hơn 2.000 MCer đến trường. Mỗi chuyến xe lưu giữ muôn vàn điều thú vị cùng biết bao kỷ niệm vui buồn của nhiều thế hệ học sinh Marie Curie.
76 tuyến xe, 602 điểm đón
Xe buýt Marie Curie bắt đầu xuất hiện năm 1992, từ khi trường thành lập. 23 năm qua, những chuyến xe đã đưa đón nhiều thế hệ học sinh MC và là nơi đong đầy vô vàn kỷ niệm đáng nhớ thời học trò.
Hiện trường có 76 tuyến xe (18 xe Tiểu học, 41 xe THCS, 17 xe THPT) với 602 điểm, đưa đón 2.250 học sinh. Theo quy định của trường, cứ 2 - 3 học sinh sẽ hình thành một điểm đón. “Nhiều xe phải lách vào ngõ nhỏ để đón học sinh. Sau đó, bác tài xế cài số lùi, khéo léo điều khiển vô - lăng để xe từ từ tiến ra. Trên thực tế, có thêm nhiều điểm đón phát sinh do bác tài linh động, không muốn học sinh phải đi bộ xa” - bác Công Hữu (Tổ trưởng tổ Quản trị) mở đầu câu chuyện.
Chú Lê Văn Cảnh (Phụ trách xe buýt) cho biết, tuyến có chặng đường dài nhất là xe số 71 và 58 với 26km, thời gian di chuyển lên tới 1 giờ 4 phút. Hai xe này đưa đón học sinh ở khu đô thị (KĐT) Việt Hưng, Long Biên. Xe số 46 đạt kỷ lục điểm đón có nhiều học sinh Tiểu học nhất (32 em ở KĐT Văn Quán, Hà Đông).
Để đón - trả đúng giờ và đúng địa điểm, các cô chú tổ Xe buýt phải tuân thủ giờ giấc nghiêm ngặt, đặt an toàn lên trên hết. Người quản lý phải theo dõi chặt chẽ giờ ra - vào của xe, đo độ dài từng tuyến phố để căn thời gian di chuyển; các bác tài xế phải vững tay lái.
Người được nhiều học trò MC gọi với đại từ nhân xưng “bố” chính là các bác tài xế. Bác Dư Hà (55 tuổi, lái xe số 31) hiện đã nghỉ hưu nhưng biệt danh “bố Hà” vẫn được nhiều MCer nhắc đến. Bác Khắc Quế (55 tuổi, lái xe số 34) gắn bó với xe buýt MC hơn 10 năm cũng nhận được nhiều tình cảm yêu mến của học trò.
45 ngày “đo đường” hơn 500 điểm
Thật không dễ để đưa đón học sinh đúng giờ khi giao thông Hà Nội như mạng nhện, dày đặc xe cộ! Để làm được điều này, các cô chú quản lý tổ Xe buýt phải “căng não” tính toán khoảng cách các điểm đón và thời gian di chuyển của từng xe. Ngoài ra, để xử lý 1.001 sự cố bất ngờ trên đường, họ phải xây dựng nhiều phương án dự phòng như: cử xe hỗ trợ, gọi taxi, dùng xe cá nhân đưa đón... “Xe không may bị xịt lốp, chết máy giữa đường thì việc đầu tiên cần làm là gọi ứng cứu. Lập tức, một chiếc xe khác sẽ được điều động đến đón các cháu cho kịp giờ học” - chú Văn Cảnh cho biết.
Ở tuổi ngũ tuần nhưng bác Công Hữu vẫn ghi nhớ chi tiết đặc điểm từng tuyến xe. 6h30 hàng ngày, dù mưa hay nắng, bác luôn có mặt ở cổng trường, tay cầm sổ nhật ký xe buýt để ghi chép tỉ mỉ giờ đến của từng chiếc xe. 15h45, khi học sinh chuẩn bị tan học, bác lại cùng tổ xe hướng dẫn điểm đỗ/đón, tránh gây ách tắc đường. “Trường mình đậu xe rất nề nếp. Các bác lái xe Tiểu học đỗ sát cổng Trường Sa, đỡ từng cháu lên - xuống xe để đảm bảo an toàn” - bác Công Hữu nói thêm.
Làm sao căn chỉnh giờ giấc chính xác của các tuyến xe với hàng trăm điểm đón? Bác Công Hữu giải thích: “Mất 45 ngày đi thực tế để đo khoảng cách của hơn 500 điểm; căn thời gian, tính toán đường đi ngắn và thuận tiện nhất...”. Tranh thủ sau khi đón - trả học sinh, bác Công Hữu cùng chú Văn Cảnh vác “ngựa sắt” rong ruổi khắp các ngõ ngách, tuyến phố để... “đo đường”. Tối mịt mới về đến nhà, bác Công Hữu lại tỉ mẩn lập danh sách, xây dựng lộ trình cho từng tuyến xe. Thời điểm đó, bác sụt mất... 3kg.
23 năm cống hiến cho trường ở vị trí quản lý nhà ăn, sửa chữa cơ sở vật chất, đến tháng 7/2014, bác Công Hữu nhận nhiệm vụ mới - quản lý xe buýt. Năm học trước chỉ có ít ngày để chuẩn bị, trong khi số xe tăng gấp đôi từ 24 lên 50 rồi phát sinh điểm đón riêng; lái xe thì mới, các “tiếp viên đường bộ” cũng chưa quen việc. Nhưng bác vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà thầy Hiệu trưởng giao.
“Có nhiều bỡ ngỡ lắm chứ! Lúc ấy, mình chưa quen sử dụng máy vi tính nên loay hoay viết tay mãi. Gắn bó với trường, yêu học trò nên mình cố gắng làm cho bằng được” - bác Công Hữu nhớ lại. Nhìn học trò đi học đúng giờ, lên - xuống xe chào hỏi lễ phép, bác luôn nở nụ cười tươi khi được nhận “món quà” lớn này. Bác cho biết thêm, để quản lý tốt hơn, năm nay có thêm thẻ đi xe buýt và sổ nhật ký ghi tên học sinh, lớp, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của bố mẹ trên mỗi tuyến xe.
Xe buýt trong mắt thầy trò MC
Xe buýt Marie Curie không chỉ là phương tiện tới trường mà còn là ngôi nhà nhỏ trú mưa tránh nắng, mát mẻ ngày hè, ấm áp mùa đông của MCer. Mỗi chiếc xe luôn đầy ắp tiếng cười, những câu chuyện đáng nhớ thời đi học của nhiều thế hệ học sinh MC.
15 năm nay, cô Vũ Thị Hồng (GV Toán) luôn đến trường bằng xe buýt MC cùng học trò. “Tôi thích đi xe buýt trường vì rất an toàn và đúng giờ. Những năm gần đây, chất lượng xe không ngừng được nâng cao. Xe rộng rãi và thoải mái hơn rất nhiều. Đặc biệt, bác tài rất tốt bụng. Hôm nào trời mưa, bác luôn đứng đợi trước ở điểm đón vì sợ học sinh không có chỗ trú, bị ướt. Đi xe buýt cũng là cơ hội để cô trò tâm sự, trò chuyện gần gũi, thân tình hơn” - cô Vũ Thị Hồng cho biết.
Đối với cư dân MC, xe buýt là một trong những điều khiến các bạn cảm thấy tự hào. Minh Hằng (11G3) kể với ánh mắt hài lòng: “Tớ chọn xe buýt trường vì mưa gió đỡ vất vả hơn và không bao giờ đến trường muộn. Hơn nữa, đi xe buýt giúp tớ làm quen nhiều anh chị, bạn bè hơn”.
Nhắc đến bác Khắc Quế, Lưu Linh (9I1) nói: “Bác ấy vui tính, tâm lý và tốt bụng lắm!”. Gắn bó với xe số 31 gần 4 năm, cô bạn rưng rưng nhớ lại những ngày đầu đi xe: “Hồi đó, vì chưa quen ai nên mình ngồi im, không dám mở lời trò chuyện. Chị gái mình từng học ở đây nên bác tài nhận ra mình ngay khi vừa lên xe. Bác giúp mình trở nên cởi mở hơn và làm quen với nhiều bạn mới. Bác còn rất tâm lý nữa. Nhiều hôm mình buồn, bác ân cần hỏi han, động viên và pha trò cho mình cười nữa”.
“Khi xa MC, bác sẽ luôn là một trong những người mà mình yêu quý. Chắc chắn, mình sẽ nhờ bác viết lưu bút để giữ lại những kỷ niệm đáng nhớ. Bác đừng quên chúng cháu nhé, xe mình là số 1!” - cô bạn nhắn nhủ.
Cuộc trò chuyện với bác Nguyễn Khắc Quế, lái xe kỳ cựu của MC: Chào bác, bác lái xe ở Marie Curie bao nhiêu năm rồi ạ? Khoảng hơn chục năm rồi. Bác cảm thấy công việc này thế nào? Cường độ công việc không quá lớn, lại hàng ngày được tiếp xúc với các cháu nên tôi thấy vui lắm! Học sinh MC ngoan và vui tính, khiến tôi trẻ ra nhiều. Một ngày làm việc của bác diễn ra thế nào ạ? Nhà tôi ở Quốc Tử Giám. 6h30, tôi lái xe đến Ngô Quyền và 6 điểm đón khác. 7h15, xe có mặt ở cổng Trường Sa. 16h, tôi lại đón các cháu từ trường về nhà. Khoảng 17h15 thì trả hết học sinh. Bác có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ với học sinh MC? Các cháu luôn quý mến tôi. Nhiều kỷ niệm lắm nên tôi không nhớ hết. Có bao giờ xe của bác gặp sự cố không ạ? Con người có lúc ốm, lúc đau, huống chi cái xe. Nó cũng "nhức đầu, sổ mũi" vài lần nhưng tôi đều xử lý được hết. Bác mong muốn điều gì khi làm công việc này? An toàn, đúng giờ cho các cháu là điều tôi luôn đặt lên trên hết. |
Lần đầu tiên được đi xe buýt đến trường, tôi không giấu được sự háo hức, hồi hộp và tò mò. Trên chiếc xe ấy, có nhiều điều khiến chúng tôi ấn tượng. Bác lái xe như người bố, cần mẫn đưa bao học trò đến trường. Bất kể mưa hay nắng, bác vẫn ngày ngày đưa đón các MCer đúng giờ. Trên chiếc xe ấy, tôi có thêm những người anh, chị, em và bạn bè cùng trường với vô vàn kỷ niệm khó quên. Dù không quen nhau trước đó nhưng nhờ có xe buýt, mọi người gắn kết hơn, sẵn sàng chia sẻ chuyện vui buồn ở trường, lớp. Xe buýt trở thành ngôi nhà nhỏ đầy yêu thương bởi chúng tôi có thể thoải mái vui đùa, trò chuyện, mời nhau ăn quà vặt, người nào buồn mà được động viên thì sẽ mỉm cười ngay... Cứ thế, bao chuyến xe qua đi là bao thế hệ MCer ngày càng thêm gắn bó. Xe buýt trường là hình ảnh rất đỗi thân thương với mỗi học sinh Marie Curie. Từng thế hệ học trò trưởng thành qua những chuyến xe như vậy. Xe buýt ngày một nhiều và đẹp hơn nhưng chắc chắn, chúng sẽ tiếp tục đong đầy nhiều kỷ niệm đẹp thời học trò. CHI MAI |
Trở thành MCer đẹp khi đi xe buýt - Không nói chuyện to, gây ồn ào trên xe bởi bác tài cần tập trung để lái xe an toàn và nhiều bạn cũng cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. |
KIM NGÂN
* Bài viết trích từ Nội san MCer Link số 20, phát hành 12/2015.