Tết cổ truyền Việt Nam có nhiều phong tục, nét đẹp khiến các thầy cô và MCer nước ngoài cảm thấy vô cùng thích thú. Hãy cùng nghe họ “bật mí” nào!
Hai năm ăn Tết Việt
Thầy CHRIS JONES
Làm việc ở Marie Curie giúp tôi am hiểu hơn về văn hóa, nét đẹp truyền thống của Việt Nam. Tôi đã có cơ hội đón Tết cổ truyền ở Hà Nội và Nha Trang cùng bạn bè. Những lần đó đều để lại cho tôi kỷ niệm đẹp.
Tết ở Việt Nam khác hoàn toàn nước tôi. Đặc biệt, các món truyền thống của Việt Nam khá lạ lẫm với tôi. Mặc dù không thường ăn các món châu Á nhưng tôi thấy bánh chưng, bánh dày, bánh tét rất ngon ngay từ lần đầu nếm thử.
Tết Việt có nhiều điều rất đặc biệt. Đó là vào những ngày gần Tết, mọi người đi mua hoa đào, hoa mai hoặc cây cam, quýt về trang trí nhà cửa để đón năm mới. Tôi thấy các con đường đều rực rỡ màu sắc, nhìn rất đẹp mắt. Thú vị nhất là khi mọi người trao cho nhau bao lì xì màu đỏ vào đầu năm mới, trong đó đựng những tờ tiền may mắn. Nhìn trẻ con cười hạnh phúc khi cầm bao lì xì trên tay, tôi thấy không khí Tết đầm ấm hơn.
Tôi đã đặt chân đến nhiều nước nhưng văn hóa ngày Tết của Việt Nam khiến tôi ấn tượng nhất. Chính vì thế, năm nay, tôi quyết định tiếp tục ở lại đây để trải nghiệm hương vị Tết với điểm đến là TP. Hồ Chí Minh.
Ấm áp Tết Việt
Thầy CHRIS ROBBINSON
Tôi có cơ hội đón năm mới ở Việt Nam vào năm ngoái. Tôi nhớ nhất khoảnh khắc đứng xem pháo hoa ở cầu Nhật Tân. Màn pháo hoa kéo dài 15 phút trong sự reo hò, háo hức của hàng nghìn người. Tôi đã chụp rất nhiều bức ảnh lưu lại vẻ đẹp hoành tráng ấy.
Tết Việt đem lại cho tôi cảm giác ấm áp, gần gũi. Ở Mỹ, năm mới là dịp để đi chơi thì ở Việt Nam, mọi người trở về nhà, cùng quây quần ăn Tết. Tôi thấy tính truyền thống gia đình của người Việt rất cao. Chính vì thích điều đó nên năm nay, tôi không về nước mà sẽ đi khắp Việt Nam để trải nghiệm văn hóa đón Tết ở các vùng miền.
“Fan cuồng” của bánh chưng
Cô ALICE HIGGINS
Ở Việt Nam, không khí Tết tràn ngập khắp nơi khiến tôi rất thích thú. Thời tiết se lạnh, có ngày xuất hiện mưa phùn. Trên phố, dọc vỉa hè đầy ắp sắc đỏ, vàng của hoa đào, hoa mai. Ai cũng tấp nập chuẩn bị đón Tết. Thú vị nhất là giao thông Hà Nội gần Tết. Đường phố vắng vẻ hơn, khác hẳn với ngày thường.
Khi mới đến Việt Nam, tôi được giới thiệu món bánh chưng rất ngon. Tôi đã mê món này ngay từ lần đầu tiên được ăn. Bánh có thịt, gia vị đậm đà, khác hẳn với kiểu bánh ngọt tôi nghĩ đến. Khi biết người Việt ăn bánh chưng vào dịp Tết, tôi càng mong nhanh tới Tết hơn.
Tôi rất ấn tượng với phong tục đón ngày đầu năm ở đây. Họ chuẩn bị phong bì nhỏ màu đỏ, bên trong có các tờ tiền mới rồi mừng tuổi cho trẻ em. Tôi thấy phong tục này rất ý nghĩa.
Mê món ăn Việt
KIM BEOM JIN
(8E3)
Mình đã ăn Tết ở Việt Nam 5, 6 lần. Lần đầu đón năm mới ở đây, mình cảm thấy đôi chút lạ lẫm vì người Hàn Quốc không gói bánh chưng hay mua cây đào, cây quất vào dịp Tết. Bất ngờ nhất là khi mình được chứng kiến màn bắn pháo hoa vào Giao thừa.
Mình thích nhất mâm cỗ được chuẩn bị công phu trong ngày Tết ở Việt Nam, có rất nhiều món hấp dẫn. Những chiếc bánh chưng thơm ngon, xanh ngắt; dưa hành chua ngọt; nem rán hay thịt gà đều khiến mình rất thích.
Năm ngoái, ở MC, mình được tham gia lễ hội bánh chưng. Nhờ thế mà mình biết gói bánh chưng rồi đấy. Buổi tối hôm ấy còn được ở lại trường với thầy cô và các bạn nữa, vui lắm!
Háo hức gói bánh chưng
KASEM HUTAPORNPRASERT
(6P1)
Mình mang hai dòng máu Việt - Thái. Bố mình là người Thái, còn mẹ là người Việt. Mình đã ở Việt Nam được 5 năm.
Ngày cuối năm, mình luôn giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm với các món cổ truyền Việt Nam để cúng gia tiên.
Tết Việt, mình thấy vui nhất là khi được nhận lì xì vào ngày đầu tiên của năm mới, được đi thăm ông bà, họ hàng và xem các trò chơi dân gian. Mình rất thích ăn bánh chưng, vị rất lạ và ngon. Lễ hội bánh chưng năm nay ở MC, mình nhất định sẽ tham gia gói bánh để mang về khoe bố mẹ.
Tết của Thái Lan thì khác một chút. Họ tổ chức vào ngày 13 - 15/4 với tên gọi “Songkran” - lễ hội té nước. Người dân sẽ mang xô, bóng và súng phun nước để té vào nhau... Họ quan niệm rằng, người nào càng được té nhiều nước thì càng gặp may mắn. Trước ngày Tết, người Thái lên chùa rất nhiều. Họ cũng dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị mâm cỗ với những món truyền thống. Mình thấy Tết Việt Nam và Tết Thái Lan đều rất vui, đồng thời mang đậm truyền thống gia đình.
Khám phá Tết Việt - Hàn
SE HYEON
(10E2)
Năm đầu tiên ăn Tết Việt Nam, mình thấy rất lạ lẫm. Tết đến, nhà nhà nô nức kéo nhau đi mua sắm. Các khu chợ, siêu thị vào những ngày giáp Tết rất đông đúc. Tuy nhiên, vào ngày Tết, các cửa hàng lại đóng cửa, đường sá cũng rất vắng vẻ. Trong khi ở Hàn Quốc, vào dịp Tết, các siêu thị lớn vẫn mở cửa bình thường nên người dân không cần mua đồ ăn tích trữ.
Lần thứ hai đón Tết ở Việt Nam, mình đã được tham gia lễ hội bánh chưng của Marie Curie. Không chỉ có cơ hội tìm hiểu các món ăn truyền thống của Việt Nam, mình còn được tự tay gói chiếc bánh chưng xinh xinh. Trải nghiệm ấy rất đáng nhớ.
Phong tục Tết ở Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau. Thứ nhất là thói quen “mừng tuổi”. Ở Hàn Quốc, vào sáng mồng 1 Tết, sau khi quỳ lạy báo hiếu ông bà, cha mẹ, con cháu sẽ được nhận tiền mừng tuổi. Thứ hai, trẻ con hai nước thường mặc trang phục truyền thống vào ngày Tết. Hàn Quốc là Hanbok, còn Việt Nam là áo dài đồng xu. Ngoài ra, người Hàn Quốc và Việt Nam đều hướng về quê hương mỗi dịp Tết. Ở Hàn Quốc, con cái thường tề tựu đông đủ tại nhà bố mẹ, cùng nhau làm mâm cơm cúng tổ tiên và chơi các trò truyền thống. Hàn Quốc cũng có món ăn truyền thống ngày Tết, đó là canh bánh gạo.
* Bài viết trích từ Nội san MCer Link số 21, phát hành 02/2016.