Hôm nay là thứ mấy, tháng mấy rồi? Đây là đâu? Vội vàng chẳng kịp nhìn vào đồng hồ đeo tay, quên cả khái niệm không gian và thời gian, tôi phóng con xe 50cc đi trên những con đường giờ cao điểm; mắt nhìn đèn, chân trái đạp số, chân phải đạp phanh... Tôi lao xe với hai mắt díp lại. Nhưng kìa, nhìn quen quá! Một nhóm áo xanh tím than, quần be đang lên xe. Kìa, logo trường MC!...
***
- Dậy, dậy! Muộn xe bây giờ!
Tôi vơ chiếc cặp rồi mặc quần áo nhanh gấp 4 lần tốc độ âm thanh. Xong tôi chạy lên tầng gọi bố chở ra bến xe, xuống dưới nhà xỏ giày. Ngồi lên xe máy bố mẹ chở bốn năm liền, tôi chẳng thấy lạ khi nghe lời cằn nhằn:
- Con dậy sớm tự đi bộ có phải tốt hơn không?
Thỉnh thoảng, tôi đi bộ rồi gặp Thái đi cùng nhưng hiếm lắm mới có dịp tôi dậy sớm như thế. Đến nơi thì mỗi lần một kiểu: nhóm bạn lớp 9 nói chuyện rôm rả, mấy em lớp 6 đang chăm chỉ ôn bài...
- Xe đến kìa!
Chúng tôi đi dần ra mép vỉa hè, chờ đợi chẳng khác nào chị em An, Liên trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Nếu đoàn tàu là niềm hi vọng, tia sáng rọi vào phố huyện nghèo thì xe buýt MC là điều quý giá của mỗi buổi sáng đi học.
Lớp 6, tôi từng đến bến muộn, chạy rất nhanh rồi ngã. Lúc đó, bác tài đã cho dừng xe lại để tôi lấy nước rửa qua vết thương. Một chị gái đi qua, thấy thế thì đưa cho tôi một bịch giấy to để cầm máu. Lên xe, tôi được một chị lớp 9 dành cho chỗ ngồi hàng đầu. Tôi cứ thế rơi nước mắt suốt cả chặng đường tới trường. Giờ mỗi lần nhìn vào vết sẹo, tôi vẫn không thể nào quên câu chuyện ở bến xe buýt hôm đó.
Tôi nhớ học kỳ hai năm lớp 6, bác lái xe rất thân thiện, hay trò chuyện với tụi tôi. Rồi một ngày bác ấy không lái nữa, chúng tôi cảm thấy thiếu vắng nhiều lắm! Những hy sinh sau vô lăng của các bác tài cho sự an toàn của chúng tôi là điều không ai có thể phủ nhận. Dù không nhớ mặt hay tên của từng bác nhưng tôi tin, các bác chính là những người làm nên Marie Curie.
Bốn năm đi xe buýt, tôi nhớ nhất vào mùa thi, những cái mồm đọc bài oang oang, những trang đề cương viết trên giấy kiểm tra của MC đẹp nhất Hà Nội phất phơ, những đôi mắt ngái ngủ phiêu du cùng con chữ. Toàn các sĩ tử đang “dùi mài kinh sử”. Quen quá, yêu quá! Không chỉ vậy, trong suốt những năm tháng đó, tôi còn chứng kiến vụ... giành chỗ ngồi đầy hài hước. Càng lớn, chúng tôi càng hiểu ra, việc nhường nhịn nhau cần thiết đến thế nào. Thấy các em “xáp lá cà” thì phải can, thấy các bé áo xanh lá thì sẵn sàng nhường ghế. Xe buýt dạy chúng tôi cách nhường nhịn, sẻ chia mà không cần một lời giáo huấn như thế.
Trên chuyến xe chiều, chúng tôi được nghe đủ loại chuyện. Chuyện phiếm là nhiều nhưng chẳng thiếu “chính sự”. Có thể là một em kể chuyện hôm nay làm bài kiểm tra tệ thế nào. Có thể là một cầu thủ phẫn nộ với thủ môn đội kia ra sao. Có thể là đêm hôm qua, thần tượng này, thần tượng kia có xứng đáng giải thưởng hay không. Ồn ào! Mà xa rồi lại nhớ rất nhiều!
Những chuyến xe ấy cũng đong đầy cảm xúc. MC hay chia khối thi nên tuần thi tập trung, ba ngày đến trường, ba ngày nghỉ. Những hôm thi, xe vắng lắm; nhớ em nhỏ lớp 7, chị Linh lớp 9 thi thoảng lại góp tiếng cười cho xe. Hay là chuyến xe sau mỗi đêm Noel, hội diễn văn nghệ, bác tài vui tính cho mở nhạc linh đình; tôi, Vi và Thái cứ nhìn nhau cười rồi bảo: “Đây là đêm vui nhất tao từng có ở MC, mày ạ!”.
Nhanh lắm, vậy là đã đến chuyến xe cuối của thời học sinh MC. Tôi ngoái cổ ra cửa kính để chào mấy em lớp dưới quen biết, để an ủi đứa bạn đang khóc cho chuyến đi cuối, để nhìn vào đôi tay giữ chặt cuốn kỷ yếu màu xanh da trời như sợ ai cướp mất, để thu vào tầm mắt chốn thân quen mấy năm trời. Nhớ ngày đầu tiên lên xe làm quen với Hoàng, bước vào cổng trường cấp hai nhiều điều mới mẻ. Nhớ ngày đầu tiên xe dừng trước cổng Trường Sa, không khỏi choáng ngợp trước mái nhà Mỹ Đình. Tôi bật khóc khi thấy bốn năm trôi qua nhanh quá! Nhớ các anh, chị, em, bạn bè cùng về nhà ở Hà Đông.
Kít... kít... xe dừng. Tôi xuống xe cuối cùng. Là cựu học sinh sẽ thấy nhớ thầy Khang, thầy Lục, cô Liễu; nhớ canteen, góc sân, cổng Trường Sa... nhưng mấy ai nhớ những chuyến xe đầy niềm vui và cả những bài học mà ta đã trải qua?
***
Kịp giờ lên lớp, áo trắng bị dính ít bùn bắn lên, tôi gục xuống bàn, mệt mỏi. Đôi khi, tôi chỉ ước chiếc xe to lớn ấy, những con người ấy, những câu chuyện ấy ở gần tôi ngay lúc này và ước được nghe tiếng nói quen thuộc: “Kìa, mày ơi, xe đến rồi!”.
ĐỨC QUANG
(CHS P, 12 - 16)
(Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cuộc thi “My school”)