Với quan điểm “nghề nghiệp gì không quan trọng, quan trọng là bạn thích công việc đó”, chị Đặng Hải Linh (CHS P, 96 - 00) đã tự nguyện viết đơn xin gia nhập lực lượng quốc phòng, trở thành một cảnh sát biển thực thụ với những câu chuyện thú vị.
Tình yêu với nghề
Chị Hải Linh chia sẻ, cảnh sát biển là lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý; giữ vai trò đảm bảo trật tự và an ninh biển, đảo. Với một đất nước có số km đường biển trải dài lãnh thổ như Việt Nam, việc giữ gìn hòa bình trên biển cho các ngư dân yên tâm ra khơi mưu sinh, cũng như bảo vệ môi trường sinh thái biển là nhiệm vụ trọng tâm của các cảnh sát biển.
Đến nay, chị đã có bốn năm thâm niên trong nghề. Chị vẫn nhớ như in dòng cuối cùng trong lá đơn xin gia nhập ngành ngày ấy: “Tôi nguyện sẵn sàng phục vụ lực lượng tại bất kỳ địa điểm nào do tổ chức phân công và sẽ nghiêm túc chấp hành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó”. Đặc biệt, thời gian tham gia khóa huấn luyện chiến thuật với những đợt hành quân đêm hay gần sáng; lần đầu tiên được chạm tay vào cây súng, tự tay nhấn cò nhắm thẳng bia; sự hồi hộp khi ghìm chặt cây súng mỗi lần viên đạn bắn ra ngoài hay cảm giác run run khi thực hành bộ môn gây nổ... thực sự là trải nghiệm không thể nào quên của một chiến sĩ trẻ như chị.
Lần đầu được khoác trang phục của cảnh sát biển; gài cánh sóng, biển tên lên ngực và cảm nhận rõ ý nghĩa của cầu vai quân hàm là niềm tự hào lớn đối với chị. Đến giờ, mỗi ngày mặc bộ trang phục này đi làm, chị vẫn cảm thấy rất vui và hãnh diện. Đặc biệt, sức nặng của bộ quân phục khiến chị thấy mình cẩn trọng hơn rất nhiều trong suy nghĩ, cũng như lời nói, hành động để xứng đáng là một sỹ quan cảnh sát biển.
Chị Hải Linh cho biết thêm, do đặc thù công việc nên điểm hạn chế lớn nhất của các sỹ quan nữ chính là vấn đề sức khỏe. Bởi mỗi lần bước chân lên tàu là một lần đối mặt với những hải trình lênh đênh trên biển, ngắn thì 7 - 10 ngày, dài thì 30 - 40 ngày. Hơn nữa, việc say tàu mệt hơn rất nhiều so với say xe, nếu sức khỏe không tốt thì rất khó hoàn thành được nhiệm vụ.
Ngoài ra, ở bất kỳ nghề nghiệp nào cũng vậy, muốn làm tốt thì bản thân phải thực sự kiên trì và không ngừng nỗ lực phấn đấu. Bởi giai đoạn đi làm khác xa đi học. Trong quá trình học, khi bạn mắc sai sót, hậu quả chỉ là nhận điểm kém và bạn vẫn có thể cố gắng khắc phục những lần sau. Nhưng trong công việc thực tế, sai sót của bạn có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng không chỉ đến cá nhân mà còn cả tập thể. Theo chị, nghề nghiệp gì không quan trọng, quan trọng là bạn yêu thích công việc đó. Do thực tế cuộc sống không giống như bài kiểm tra Toán có điểm rõ ràng cho từng câu hỏi, nhiều khi nỗ lực của bản thân trong công việc có thể không mang lại kết quả như mong muốn, thậm chí gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đó chính là lúc bản thân cần kiên trì và nỗ lực nhiều hơn. Vì vậy, lời khuyên của chị dành cho MCer là bên cạnh việc học thì cần học hỏi và trau dồi các kỹ năng sống như: kỹ năng giao tiếp, cách tư duy và giải quyết công việc linh hoạt, nhạy bén; tính kiên trì, nhẫn nhịn, đừng sợ sai, cũng đừng sợ bị mắng vì không ai trưởng thành mà không bước qua sai lầm cả.
Do cảnh sát biển là lực lượng hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực nên các MCer mong muốn theo đuổi công việc này có thể theo học bất kỳ ngành nào mà bản thân yêu thích như: tài chính, kỹ thuật, môi trường, hàng hải, công nghệ thông tin, kế hoạch đầu tư... Một khi giỏi chuyên môn, bạn sẽ nhận được món quà lớn hơn. Đó là niềm vui từ công việc và sự tôn trọng của mọi người.
Xúc cảm Marie Curie
Nhắc đến Marie Curie, chị Hải Linh nhớ nhất ngày tập trung thi tuyển vào trường. Chị vẫn nhớ câu nói của thầy Khang trước khi các thí sinh bước vào phòng thi: “Hẹn gặp nhé, giữa sân trường!”. Hình ảnh thầy Hiệu trưởng nhỏ bé, gần gũi chính là động lực để chị vượt qua kỳ thi và trở thành thành viên của ngôi nhà MC.
Chị Hải Linh tâm sự: “Từ ngày đó, MC đã có mô hình đặc biệt so với các trường cấp hai ở Hà Nội. Chẳng hạn như: tổ chức học bán trú; có nhà ăn, phòng ngủ, phòng tự học vào buổi chiều cho học sinh, thậm chí có cả nội trú và xe buýt đưa đón học sinh. Vào những năm 96, việc có phòng ngủ trưa tập thể với giường chiếu thơm tho, lại có cả bàn cho giờ tự học là niềm tự hào lớn của thế hệ học sinh MC lúc bấy giờ. Chính môi trường ấy đã tạo cơ hội cho bạn bè trở nên thân thiết hơn, hiểu nhau hơn; các thầy cô cũng có điều kiện để ý, kèm cặp thêm cho học trò và nắm rõ tâm tư, tình cảm của từng học sinh trong lớp”.
Bốn năm học MC thực sự là quãng đời học sinh đẹp nhất và vô tư nhất của chị Hải Linh. Chị vẫn nhớ lần được đi cắm trại ở Đại Lải năm lớp 7; nhớ cảm giác háo hức khi lần đầu tiên trong đời được ngủ đêm trong lều với các bạn và thầy cô; nhớ cảm giác hồi hộp, thích thú khi tham gia trò “Giải mật mã Morse”, tìm được điểm cất giấu kho báu mà các thầy cô dày công bố trí; nhớ cả cảm giác hào hứng khi các lớp thi bắt gà, nhảy bao bố hay hét lên sợ hãi khi bạn nào đó kể chuyện ma trong buổi tối mùa đông lạnh...
Có rất nhiều thầy cô MC mà đến bây giờ, chị vẫn rất trân quý. Cô Quỳnh Giang là giáo viên dạy Văn và chủ nhiệm đầu tiên của lớp P, 96 - 00. Cô hồi ấy rất trẻ và xinh; đến giờ gặp lại, chị vẫn thấy cô trẻ và xinh như vậy. Ngoài ra, chị còn ấn tượng với cô Phương Nga dạy Toán, cô Thu Bích dạy Văn, cô Phạm Thủy dạy Tiếng Anh... Các cô không chỉ là những người thầy tỉ mỉ trên bục giảng mà còn là những người chị, người bạn lớn để học trò có thể trò chuyện, chia sẻ. Đến giờ, mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, chị luôn muốn gọi điện thoại cho các cô để tâm sự và xin lời khuyên như lúc còn thơ bé.
Bốn năm học ở MC đã rèn cho chị sự tự tin, chăm chỉ để sau này có thể bước chân vào bất kỳ ngôi trường cấp ba nào. Chị xúc động kể lại: “Những hôm làm đề cương đến 2, 3h sáng hay cùng lúc học cả chương trình tiếng Anh cơ bản và giáo trình Streamline thời ấy đã trang bị cho lứa học sinh cấp hai MC các chị những kiến thức nền tảng để tự tin bắt nhịp và dẫn đầu ở bậc THPT”. Cảm giác mỗi lần được đọc tên lên nhận học bổng của trường hay niềm vui khi đạt danh hiệu G1T1... là động lực để chị và các bạn luôn cố gắng để mỗi lần họp lớp, có thể về khoe với các thầy cô rằng, chúng con đã làm tốt và tiếp nối truyền thống tự hào của học sinh MC.
Chị Hải Linh cho biết thêm, em trai ruột và các em họ của chị cũng là học sinh MC. Nhờ nền tảng kiến thức và khả năng ngoại ngữ tốt được tích lũy ở ngôi trường MC mà giờ đây, họ đều xin được học bổng du học tại Anh, Úc. Khi nhìn lại quãng thời gian theo học nơi này, ai cũng đều nhận thấy sự lựa chọn đó là hoàn toàn đúng đắn.