Thông qua nhiều hình thức như gửi tin nhắn, thư ngỏ, đăng tải lên mạng, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động cung cấp thông tin về nguồn gốc thực phẩm trong bếp ăn nhà trường để cha mẹ học sinh yên tâm.
Công bố rõ nguồn nhập thực phẩm
Để công khai toàn bộ nguồn gốc thực phẩm, quy trình kiểm định và cách chế biến thực phẩm tại bếp ăn nhà trường, ngày 20/3, thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội) đã có thư ngỏ gửi tới toàn bộ cha mẹ học sinh (CMHS) để họ thêm yên tâm về độ an toàn và chất lượng bữa ăn.
Cô Nguyễn Thị Xuân Lan (Hiệu trưởng Tiểu học 1, trường Marie Curie, quận Nam Từ Liêm) cho biết, nhà bếp của trường phục vụ khoảng 3.000 suất ăn cho toàn bộ học sinh của hai khối Tiểu học, THCS và các cán bộ, công nhân viên mỗi ngày.
Bếp ăn bán trú tại trường Marie Curie phục vụ khoảng 3.000 suất ăn/ngày.
“Trước thông tin một số loại bệnh có liên quan đến thịt lợn, một số CMHS tỏ ra lo lắng và căn cứ hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm cùng những thông tin khoa học, chính thống về dịch tả lợn châu Phi, nhà trường đã giải thích để CMHS không "quay lưng" với thịt lợn”, cô Xuân Lan cho biết.
Theo cô, không chỉ có thịt lợn mà tất cả loại thịt, cá hay rau củ quả... phục vụ cho bếp ăn đều được trường nhập từ các đơn vị uy tín với tiêu chí an toàn đặt lên cao nhất. Đặc biệt, trường phối hợp với cán bộ của Trạm Y tế phường Mỹ Đình 1 hàng ngày kiểm định kỹ lưỡng các thực phẩm nhập vào.
“Vì các món ăn phục vụ cho trẻ nhỏ nên chúng tôi đặc biệt lưu ý cách chế biến kỹ càng, an toàn. Tất cả món ăn đều phải được nấu chín, chứ không nấu tái. Từ trước đến nay, trường chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào việc CMHS phản ánh con mình gặp các sự cố về sức khỏe khi ăn bán trú. Trong thời điểm phát sinh dịch bệnh khiến CMHS lo lắng, chúng tôi càng quan tâm hơn việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào và chất lượng bữa ăn cho học sinh” , cô Xuân Lan khẳng định.
Nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, trường liên cấp Tây Hà Nội cũng đã gửi thông báo đến các CMHS lưu tâm và thực hiện triệt để việc nấu chín thịt lợn trước khi ăn. Thực đơn bữa ăn hàng ngày của học sinh cũng được trường gửi đến email của CMHS để họ tiện theo dõi về chất lượng bữa ăn.
Tăng cường kiểm tra đơn vị cung cấp suất ăn
Cô Hoàng Thị Lan Hương (Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Nam - Cuba, quận Ba Đình) cho biết, do yên tâm với bữa ăn bán trú của con mình, các CMHS không có ý kiến phản hồi. Tuy nhiên, từ ngày 12/3, trường đã chủ động nhắn tin tới CMHS về việc tăng cường kiểm tra chất lượng các bữa ăn. “Trường công khai cơ sở cung cấp thực phẩm, yêu cầu đơn vị này có bản cam kết về chất lượng thực phẩm và gắn lên bảng thông báo các lớp học. CMHS khi đón con sẽ tiện theo dõi hoặc các con sẽ truyền đạt lại cho bố mẹ thêm yên tâm”, cô Lan Hương thông tin.
Ngoài ra, do năm học này, trường đang được xây dựng mới cơ sở vật chất nên đơn vị cung cấp bữa ăn sẽ chế biến trực tiếp tại công ty cung cấp suất ăn, sau đó vận chuyển đến các điểm có học sinh của trường Việt Nam - Cuba đang học tạm. Theo cô Lan Hương, Ban giám hiệu nhà trường cùng đại diện CMHS vẫn thường xuyên đến công ty kiểm tra từ sớm, xem xét cụ thể nguồn thực phẩm nhập vào.
Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) cũng đang trong quá trình xây dựng nên không bố trí được bếp ăn. Cô Lê Minh Sơn (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, đơn vị cung cấp suất ăn mà nhà trường ký kết có hợp đồng cam kết cung cấp thực phẩm sạch nên các CMHS yên tâm để con ăn bán trú tại trường.
Cũng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho bếp ăn ở các trường Mầm non tư thục như: VietKids, Trí tuệ Việt (quận Long Biên), Hoa Thủy Tiên (quận Thanh Xuân)... đều có thông báo rộng rãi đến CMHS, khẳng định việc bảo đảm chất lượng các bữa ăn; đồng thời khuyến cáo họ về việc sử dụng thịt lợn có nguồn gốc và cách chế biến để bảo đảm sức khỏe cho gia đình.
Theo Hà Nội mới
(http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/929851/nhieu-truong-hoc-ha-noi-cong-khai-nguon-goc-thuc-pham-de-phu-huynh-yen-tam?fbclid=IwAR3j4tyB2iFLdJbO_YcY97yRVuO9BpZIgAOuVZ1Am_sFDjRI4sSfVD9BxkU)