Ba ngày và cả cuộc đời

Tôi biết thầy Nguyễn Xuân Khang từ năm 18 tuổi và đinh ninh coi thầy là thầy của mình dù không được thầy dạy giờ nào.

Đó là mùa hè năm 1974, tôi ra Hà Nội dự cưới anh cả - giáo viên Địa lý, trường Đại học Tổng hợp. Tôi được giao nhiệm vụ dọn dẹp căn hộ 18m2 chật hẹp cho đêm tân hôn. Trong núi áo quần, giày dép, sách vở, bỗng nhiên tôi phát hiện ra cuốn “Bài tập Vật lý ôn luyện thi tuyển sinh đại học và cao đẳng” của thầy Khang. Tôi đọc chừng vài trang thấy hay quá, cứ thế ngồi bệt nền nhà, xem say sưa cho đến trưa, quên mất việc dọn dẹp căn hộ của anh trai khi chỉ còn 6 giờ nữa là đám cưới.

Cuốn sách báo cho tôi còn chục ngày nữa là thi đại học. Thú thực trước đó, tôi quên mất có một kỳ thi nữa sau kỳ thi tốt nghiệp, đó là thi đại học. Thời đó mà ngày nay cũng vậy, đa phần dân quê miền Trung chúng tôi chỉ quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp. Tốt nghiệp rồi lo đi làm thuê, làm công nhân, đi bộ đội để bớt một miệng ăn cho gia đình. Cổng trường đại học như cổng thiên đường của ai đó, chứ không phải của mình. Thế nên việc sắp tới thi đại học, tôi không nhớ, được bố cho ra Hà Nội là tót đi liền. Đại học đại hiếc, tôi không quan tâm. Giả có quan tâm thì cũng chẳng biết phải làm gì. Có mấy cuốn sách giáo khoa thì đã đọc nát rồi. Sách luyện thi đại học, phải ra Hà Nội, tôi mới nghe tới, chứ ở quê tuyệt không ai có. Sau tốt nghiệp, tôi cố mượn về mấy đề thi khối A năm trước làm thử, thấy khó quá, bỏ luôn. Thâm tâm chờ ngày tuyển quân vào tháng 9 hằng năm nên tôi không mơ tưởng gì đến “cổng thiên đường”.

Cuốn sách của thầy Khang dày chừng gần 300 trang được viết rất dễ hiểu và lôi cuốn, đọc tới đâu là “sáng” tới đó. Cứ xem xong một bài giải của thầy, tôi lại thầm reo lên: “Ô! Thế này thì mình cũng làm được!”. Vậy là tôi quyết thi đỗ đại học, tức tốc kiếm đủ bộ ba cuốn ôn thi khối A để ôm về quê. Trong ba ngày, tôi “nuốt” trọn cuốn sách của thầy Khang. Còn ba ngày nữa, tôi đọc nhảy cóc hai cuốn Toán, Hoá cho kịp ngày thi. Vừa đọc vừa nghĩ giá có những cuốn sách này và những người thầy như thầy Khang ngay từ đầu, mình thừa sức thi quốc tế, đại học trong nước là cái đinh, he he.

Quả nhiên, tôi đậu khoa Vô tuyến điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, còn thừa tới bốn điểm rưỡi lận. Hồi đó, thấy bạn bè thi vào đó thì cũng a dua theo, chứ có biết gì đâu. Ra tới nơi mới biết, Bách khoa Hà Nội là trường oách nhất Bộ Đại học, khoa Vô tuyến điện oách nhất trường Bách khoa, người đẹp Hà Thành mê tít thò lò. Sướng lịm người. Ơn thầy Khang không biết để đâu cho hết.

*  *  *

Hơn ba chục năm sau, tôi mới được gặp thầy. Tôi đến trường Marie Curie ở số 3 Trần Quốc Toản để hỏi thủ tục cho con gái út thi vào THPT, bỗng gặp nhà báo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Anh khoe vợ dạy trường này rồi kéo tôi lên gác, nói: “Cho ông gặp một nhân vật rất hay. Ông có thể viết cả một bộ tiểu thuyết”. Thì ra là thầy Nguyễn Xuân Khang. Đời có những ngẫu nhiên thú vị thế đấy.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập - tác giả bài viết

Thú vị nhất là thầy quá giống sếp của tôi, ông Nguyễn Thắng Vu - Giám đốc NXB Kim Đồng. Thầy cũng gầy nhỏ, đôi mắt sáng với cái nhìn ấm áp như ông Vu. Cũng nói năng nhỏ nhẹ, rủ rỉ rù rì đủ chuyện trên trời dưới biển với trí nhớ tuyệt hảo như ông Vu. Phong cách làm việc cũng vậy. Cũng cẩn trọng, chi tiết và chính xác với tầm nhìn xa vừa lãng mạn vừa thực tiễn khó ai bì. Đặc biệt, cái tình của hai người trong đối nhân xử thế giống nhau tới độ không bút nào tả xiết.

NXB Kim Đồng gọi ông Vu là “ông bọ” thì trường Marie Curie gọi thầy Khang là “ông nội”. Thuở hàn vi, “ông bọ” mặc tới 5 cổ áo vào mùa đông, ấy là những áo rách chèn vào cho ấm. “Ông nội” cũng chỉ có mỗi bộ áo quần đi dạy, nói dối với học trò rằng thầy có 5 bộ giống hệt nhau. Thời khởi nghiệp, “ông bọ” tìm đến anh em nhân viên cũ vay từng trăm ngàn để in sách, còn “ông nội” gõ cửa bạn bè, học trò cũ vay từng chỉ vàng để trả lương cho cán bộ, giáo viên.

Thế rồi, cả “ông bọ” lẫn “ông nội” đều phát về đường hậu vận. Từ năm 1996, NXB Kim Đồng vượt lên dẫn đầu ngành Xuất bản cả chất lượng lẫn sự giàu có. Trường Marie Curie lận đận vô cùng về “chỗ cắm dùi”, chạy ngược xuôi hết Khương Đình ra phố Huế rồi Mỹ Đình, lắm khi tuyệt vọng tưởng “tan cửa, nát nhà” đến nơi nhưng cũng đã phất lên từ năm 1996, phất nhanh tới nỗi hầu hết trường tư thục nằm mơ cũng không có.

Văn phòng hiệu trưởng của “ông nội” và phòng giám đốc của “ông bọ” cũng giống y chang. Không cờ quạt, bằng khen, giấy khen. Hoàn toàn không thấy những hình ảnh chụp chung với ông nọ, bà kia. Trên tường chỉ thấy treo ảnh “ông nội” với học trò nhỏ, “ông bọ” với sách vở thiếu nhi. Sao mà giống thế không biết, cứ như anh em sinh đôi!

Nguyễn Thắng Vu xuất thân là thầy giáo Đại học Sư phạm Vinh. Vì quá hiểu thầy Vu nên tôi hiểu ngay triết lý giáo dục mà thầy Khang đang nêu cao và cố công xây dựng. Hiểu và ngầm phục hai ông giáo già nhỏ con mà to gan, dám sống một lối riêng giữa thời đồng phục.

Sau này tới cơ ngơi trường Marie Curie ở Mỹ Đình “đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!” với khu Giảng đường 8 tầng, khu Hiệu bộ 12 tầng rộng mênh mông, cao vời vợi, tuyệt không thấy bất kỳ khẩu hiệu nào trong số hàng ngàn câu khẩu hiệu vẫn treo la liệt trong các trường học. Vắng bóng luôn cả câu “Tiên học lễ, hậu học văn” được coi là khẩu hiệu học đường của mọi thời. Cả lời nhắc “đi nhẹ, nói khẽ” như một lẽ đương nhiên ở chốn học đường cũng vắng bóng. Tôi lặng người trước không gian kỳ diệu này. Đây mới thực sự là không gian tự do của học trò, cho các em hoàn toàn thoải mái học và chơi, không hề ám ảnh mình phải sống dưới cái nhìn nghiêm trang của người lớn. Tuyệt vô cùng, Tổ quốc ta ơi!

*  *  *

Tôi yêu thầy Khang từ đó, đi đâu cũng khoe mình là học trò của thầy. Không chỉ khoe là học trò của thầy giỏi, cái chính là khoe được là học trò của người thầy tử tế. Kiếm được thầy giỏi đã khó, kiếm được thầy tử tế còn khó vạn lần.

“Nhân chi sơ tính bản thiện”, có những người được trời sinh ra để làm việc thiện, trong đó có thầy Khang. Mọi việc tử tế thầy làm ở đời cứ nhẹ không, như việc thường tình hằng ngày, khỏi cần ai biết, kể cả người được thầy giúp đỡ.

Các nhà văn, nhà thơ tham gia diễn đàn "Chuyện văn thơ" tại trường Marie Curie

Một ngày tháng 5/2008, nghe tin nhà báo chống tham nhũng nổi tiếng Nguyễn Việt Chiến bị bắt, từ số 3 Trần Quốc Toản, thầy Khang chạy sang số 5 Phan Chu Trinh, cố gặp cho được Nguyễn Việt Chiến để nói một câu: “Chiến cứ yên tâm, vợ con em có trường lo!”. Thầy nói câu ấy không chỉ vì trách nhiệm của một hiệu trưởng mà với thầy, đó là lẽ đương nhiên. Thầy muốn để Nguyễn Việt Chiến vững tâm đi đến tận cùng chân lý, chỉ vì một lẽ ấy thôi. Tiếc là khi thầy đến, xe bịt bùng chở Nguyễn Việt Chiến đi rồi.

Thầy Khang chờ mãi 5 tháng sau, ngày 15/10/2008 - toà xử, không được mời dự, thầy vẫn đến sân toà từ 5h sáng phục đợi anh Chiến. 8h15, xe chở “bị can” tới. Khi thấy anh vừa bước xuống xe, thầy cố lao đến, nói to: “Chiến! Em cứ yên tâm, vợ con em có trường lo!”. Giữa xốn xang lo lắng và hồi hộp, rực lên trong ngực nhà báo chống tham nhũng một ngọn lửa, anh Chiến mỉm cười với thầy và ngẩng cao đầu đi thẳng vào phòng xử án.

Nguyễn Việt Chiến kiên cường như thế nào trong trại giam và trước phiên toà thì mọi người đã biết, tôi không muốn nói thêm, chỉ biết khi đó, tôi đã bật khóc. Tôi cũng đã bật khóc khi biết một vài bạn văn của tôi thường hàn huyên với Nguyễn Việt Chiến đã né gặp anh ngày anh mới ra tù, trong khi một thầy giáo già bất chấp bao nhiêu gánh nặng, trách nhiệm vẫn đến tận cửa nhà tù đón anh. Tôi không phải kẻ mau nước mắt. Từ khi lớn khôn, tôi chỉ khóc một lần vào thời khắc đặt quan tài cha xuống huyệt, thế mà ngày đón Nguyễn Việt Chiến, ngồi bên thầy Khang, tôi đã khóc thật nhiều.

Cũng như vậy vào ngày khánh thành nhà cho cô Lại Thị Huế - vợ của liệt sĩ Trường Sa Phạm Quang Trung ở Thanh Hóa, ngôi nhà do trường Marie Curie xây tặng ba mẹ con cô giáo trường THCS Hà Tiến, Hà Trung. Đó là một ngày vui. Cô Huế không phải giáo viên trường Marie Curie, không phải con cháu thầy Khang, thậm chí không biết thầy Khang là ai, bỗng dưng có một ngôi nhà khang trang. Đến nỗi, cô Huế cứ ngơ ra, không biết gọi thầy là cha hay là thầy, như con lạc cha lâu năm giờ mới gặp, không nói nên lời.

Thầy Khang cũng không nói gì, lẳng lặng vào, ra ngắm nghía ngôi nhà, gương mặt rưng rưng hệt người cha mừng đứa con nghèo có nhà mới. Ít ai biết, thầy có một niềm vui khác, niềm vui khó nói nên lời. Số là hai cổng trường Marie Curie ở Mỹ Đình có tên Hoàng Sa và Trường Sa. Ngôi nhà của người vợ liệt sĩ Trường Sa được dựng lên còn hơn vạn lời giải thích vì sao cổng trường Marie Curie dám có những cái tên mà một thời bị huý kị, thời mà lịch sử chiến tranh biên giới và biển Đông bị loại ra khỏi sách giáo khoa.

Thầy Khang thắp hương lên bàn thờ liệt sĩ Phạm Quang Trung, rưng rưng đọc câu thơ: “Thắp nén nhang thơm mát dạ người/ Hãy về vui chút, anh Trung ơi!”. Khi đó, đứng sau lưng thầy, một lần nữa, tôi đã bật khóc.

Thế đó. Cuốn sách của thầy, tôi có thể học trong ba ngày nhưng phẩm cách của một người thầy, suốt cả cuộc đời, tôi không học hết.

Nhà văn NGUYỄN QUANG LẬP

29

Tháng 11/2024

Thực đơn tháng 12/2024

Thực đơn tháng 12/2024

Thực đơn tháng 12/2024

Thứ sáu, 29 Tháng 11 2024 15:24 Viết bởi TRUONG MARIE
Thực đơn tháng 12/2024 của khối MG - TH - THCS.
Xem thêm

28

Tháng 11/2024

CHUYỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở ANH CỦA CỰU MCER

CHUYỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở ANH CỦA CỰU MCER

CHUYỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở ANH CỦA CỰU MCER

Thứ năm, 28 Tháng 11 2024 09:36 Viết bởi TRUONG MARIE
Nguyễn Tuệ Uyển Nhi (CHS P1, 17 - 21) du học nước Anh từ năm lớp 11. Với sự tự tin và bản lĩnh mạnh mẽ, cô bạn không chỉ vượt qua nhiều thử thách nơi đất khách, quê người mà còn trở thành cố vấn học thuật, tham gia nghiên cứu khoa học và nhận được học bổng từ nhiều trường đại học danh tiếng.
Xem thêm

27

Tháng 11/2024

TÔI TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI TRƯỜNG MC

TÔI TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI TRƯỜNG MC

TÔI TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI TRƯỜNG MC

Thứ tư, 27 Tháng 11 2024 08:37 Viết bởi TRUONG MARIE
Năm tôi học lớp 5, cũng như các phụ huynh khác, mẹ tất bật tìm hiểu trường cấp 2 cho tôi. Mẹ mong muốn tìm một ngôi trường vừa tốt cho chuyện học vừa tổ chức bán trú để đỡ vất vả lo bữa trưa và quản lý tôi nửa ngày còn lại. Sau thời gian tìm hiểu trường Marie Curie ở Trung Yên, mẹ đã gửi gắm niềm tin và hy vọng lớn lao vào đó.
Xem thêm

23

Tháng 11/2024

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

Thứ bảy, 23 Tháng 11 2024 11:16 Viết bởi TRUONG MARIE
Với dự án học tập “Classroom Beyond Walls - Lớp học không biên giới”, các MCer khối 4 Oxford - Kiến Hưng đã được thực hiện nghiên cứu khoa học đầy thú vị về chủ đề “Xây dựng tòa nhà chống động đất”.
Xem thêm

22

Tháng 11/2024

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

Thứ sáu, 22 Tháng 11 2024 08:18 Viết bởi TRUONG MARIE
Chiều 21/11, các MCer khối 4 Oxford đã tổng kết dự án học tập “Classroom Beyond Walls - Lớp học không biên giới”. Tại đây, các bạn đã tham gia nhiều hoạt động thú vị và mang về nhiều phần quà hấp dẫn.
Xem thêm