Cháy mãi ngọn lửa tình yêu nghề giáo

Với sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề, các thầy cô MC ngày ngày cần mẫn gieo vào mỗi cô, cậu học trò “hạt giống tri thức”. Họ thực sự là những tấm gương sáng về sự nhiệt thành trong công việc, tinh thần tự học và sáng tạo không ngừng. 

Tôi ấp ủ ước muốn trở thành cô giáo từ những năm THCS. Bởi tôi rất ấn tượng với cô chủ nhiệm và thầy giáo dạy Sinh học khi ấy. Hai thầy cô đều khiến tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết, tình yêu với nghề.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của tỉnh Bắc Giang, tôi hiểu rằng, chỉ có con đường tri thức mới giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau khi bố mất vào năm tôi học lớp 12, gia đình gặp khủng hoảng, tôi càng quyết tâm trở thành cô giáo. Bởi tôi biết, chỉ khi làm điều bản thân say mê, tôi mới hạnh phúc. Tốt nghiệp THPT, tôi thi đỗ ĐH Sư phạm Hà Nội. Bốn năm ngồi trên ghế giảng đường, tôi chăm chỉ trau dồi kỹ năng sống, đồng thời học hỏi từ thầy cô kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm. Nhờ thế, tôi đã tốt nghiệp Thủ khoa hệ Tài năng của trường.

Năm học 2019 - 2020, tôi quyết định xin về công tác tại trường Marie Curie. Tôi yêu mến ngôi trường này ngay từ lần đầu đặt chân đến. Trước khi về MC, tôi đã rất ấn tượng và ngưỡng mộ thầy Khang, một người thầy đáng kính với triết lý giáo dục giàu tính nhân văn. Hơn nữa, đây còn là nơi mà chồng tôi - thầy Phùng Nhật Trung (GV Sinh học) gắn bó bốn năm.

Một học kỳ đồng hành với tập thể 6P4, với tôi, đó là chuỗi kỷ niệm tuyệt vời. Các con hào hứng đến lớp; yêu trường, bạn bè, thầy cô. Các con còn đặt cho tôi biệt danh đáng yêu - “Mama tổng quản”. Tất cả điều đó là động lực để tôi giữ vững tình yêu với nghề.

Trong thời đại 4.0, theo tôi, vai trò của người thầy không chỉ dừng lại ở việc dạy con chữ mà còn là truyền cảm hứng, khơi gợi sự sáng tạo của học trò. Người thầy còn cần dẫn dắt, định hướng cho học sinh tư duy khoa học, bồi dưỡng cảm xúc, đam mê để giúp các con “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Với tôi, làm sao để các con yêu trường lớp, thầy cô; sống chan hòa và cảm thấy hạnh phúc mỗi khi đến trường là công việc đáng giá và thú vị nhất trên thế giới. Để thực hiện điều đó là cả một chặng đường dài, không ngừng nghỉ của người đứng trên bục giảng. Do vậy, người thầy cần có trái tim ấm áp để yêu thương, thấu hiểu học trò. Ngoài ra, người thầy phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, có tư duy mở để cập nhật những phương pháp dạy học tiên tiến, hình thức tổ chức lớp hiệu quả, cũng như kỹ năng tham vấn học đường.

Là một giáo viên trẻ, tôi luôn tích cực lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp. Trong giờ học, tôi thường liên hệ thực tế, sử dụng “gameshow”, tư duy phản biện và kỹ thuật giảng dạy hiện đại để biến giờ Sinh học trở nên thú vị hơn. Nhờ đó, các con không thấy tiết học nhàm chán mà thêm yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường hơn.

Tôi hạnh phúc khôn xiết khi một số con bộc bạch ước mơ muốn trở thành giáo viên Sinh học giống tôi. Điều đó có nghĩa là tình yêu với nghề giáo của tôi đã được truyền lại cho thế hệ sau.

ĐẶNG THÙY

(GV Sinh học)

“Ước muốn ngày nào ôm ấp trong tim, mai đây là cô giáo!”

Mặc dù tôi được sinh ra trong gia đình nhà binh nhưng bố rất mong tôi sau này làm cô giáo. Bố thường kể về những tấm gương nhà giáo để nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Có lẽ nhờ vậy mà ước mơ trở thành cô giáo dần được hun đúc trong tôi.

Suốt thời đi học, mỗi thầy cô là một tấm gương để tôi soi vào, tự học, tự hoàn thiện mình. Nhớ năm tôi vào lớp 1, cô chủ nhiệm đã ân cần cầm tay, hướng dẫn tôi những nét chữ đầu tiên. Mỗi khi cô gọi đọc bài, vì nói ngọng thanh hỏi nên tôi thường bị các bạn trêu. Mỗi lần như vậy, cô đều vỗ về, kiên trì rèn giũa để tôi phát âm chuẩn.

Những hôm bố mẹ bận không đến đón sớm được, cô lại đưa tôi về nhà, tắm rửa, cho ăn. Cô giống như người mẹ thứ hai của tôi vậy. Cứ thế mỗi năm học qua đi, tôi lại lớn lên, trưởng thành trong vòng tay dìu dắt, yêu thương của các thầy cô.

Rồi cổng trường Sư phạm mở ra, đón chào tôi - một tân sinh viên tràn đầy nhiệt huyết, cháy bỏng mơ ước làm cô giáo. Nhưng để thực hiện điều đó, quả thật không đơn giản chút nào! Ngoài những môn đại cương, tôi phải hóa thân thành học sinh cấp 1, bắt đầu rèn những chữ cái đầu tiên trong vở Tập viết của môn Nghiệp vụ sư phạm rồi làm quen trống, dùi ở môn Công tác Đội…

Nhớ những hôm tan học buổi sáng, tôi ăn vội chiếc bánh mỳ để còn di chuyển từ Cầu Giấy lên Âu Cơ cho kịp giờ vào học bơi. Từ không biết vẽ, tôi và các bạn được học để biết vẽ; không biết đánh đàn thì được đào tạo để có thể chơi một bản nhạc… Ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, chúng tôi đều rưng rưng nước mắt vì cuối cùng đã thực hiện được ước mơ của mình.

Trong 11 năm công tác, tôi đã được trải nghiệm nhiều môi trường, từ giáo dục công lập đến tư thục. Mỗi nơi đều để lại cho tôi những kinh nghiệm, bài học quý về nghề giáo. Năm 2017, trong cuộc trò chuyện với hội bạn thân, tôi biết đến trường Tiểu học Marie Curie với cơ sở vật chất khang trang, môi trường làm việc thân thiện…

Sau buổi gặp gỡ thầy Khang, một người thầy tâm huyết với giáo dục, tôi quyết định về công tác tại Marie Curie. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, giờ tôi đã dần khẳng định được mình ở ngôi trường nổi tiếng này.

Giáo viên không chỉ là nghề nghiệp mà còn là đam mê. Sống, gắn bó với nghề, đem tri thức đến học trò, truyền cho các con niềm tin vào khoa học, lẽ sống, tương lai là niềm vinh quang của những nhà giáo. Ngoài đam mê, giáo viên còn cần không ngừng học tập, sống mẫu mực để làm gương cho học sinh.

Theo tôi, người thầy giỏi là phải làm chủ được công việc bằng cái tâm với nghề; từ việc soạn bài, giảng bài, chấm bài đến uốn nắn, giáo dục học trò. Với đặc thù bậc Tiểu học, tôi luôn giữ cho mình tâm hồn trẻ trung. Thực sự, những gương mặt thơ ngây, những đôi mắt trong veo, những câu nói hồn nhiên, những tiếng cười rộn rã… của các con khiến tôi thấy mình trẻ hơn và quên đi tuổi thật của bản thân.

Tôi luôn thấy tự hào vì đã lựa chọn, cống hiến hết mình cho nghề giáo. Dẫu còn nhiều thử thách phía trước nhưng với tình yêu nghề cháy bỏng, tôi tin mình sẽ luôn vững bước trên con đường đã chọn.

ĐỖ HÒE

(GVCN 1I)

Mái trường là nơi lưu giữ những dấu ấn đáng nhớ của cuộc đời mỗi người. Ở đó, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em, gắn bó với nhau như ruột thịt và cùng tạo nên những kỷ niệm khó phai. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác bỡ ngỡ nhưng đầy phấn khởi, tự hào khi bước chân vào cổng trường THPT.

Hôm đi nhận lớp, tôi vô cùng ấn tượng với cô chủ nhiệm. Giọng nói của cô ngọt ngào nhưng vẫn đủ nghiêm khắc để chúng tôi tự giác ngồi ngay ngắn lắng nghe phổ biến nề nếp đầu năm. Cô đã dìu dắt chúng tôi đi qua ba năm học với rất nhiều kỷ niệm khó phai. Tuy nhiên, tôi nhớ nhất kỷ niệm của năm lớp 11.

Hôm ấy, trời mưa tầm tã. Kết thúc buổi học, tôi phát hiện mình quên mang theo áo mưa. Tôi loay hoay chưa biết về nhà bằng cách nào thì một bàn tay ấm áp, nhẹ nhàng đặt lên vai tôi. Cô nói: “Sao lại đứng ngắm mưa thế này? Chắc là em không có áo mưa, đúng không? Lấy áo mưa của cô mà về, không cảm lạnh đấy!”. Trước sự ngỡ ngàng của tôi, cô dúi vào tay tôi chiếc áo mưa duy nhất của cô.

Tôi liền hỏi: “Cô ơi, cô đưa em áo mưa như thế này thì cô về bằng gì ạ?”. Cô ân cần bảo: “Cô sẽ đợi tạnh mưa hoặc chạy ù đi mua một cái khác. Chỉ cần học trò không bị ốm là cô yên tâm rồi!”. Lúc đó, tôi biết ơn cô lắm, rối rít cảm ơn và chợt trong đầu nảy lên ý nghĩ: “Nếu mai sau trở thành giáo viên, tôi cũng sẽ yêu thương, hết lòng với học trò như thế. Vì tôi tin, học sinh cũng sẽ dành cho tôi tình cảm chân thành giống như tôi đối với cô”.

Tốt nghiệp cấp 3, tôi quyết định theo học trường Đại học Thủ đô với chuyên ngành Giáo dục Tiểu học. Nhờ sự quan tâm, chỉ bảo tận tình của các thầy cô, tôi dần khám phá ra những điều thú vị của nghề giáo. Được tiếp xúc với trẻ con khiến tôi trẻ hơn, lạc quan hơn và rèn được tính kiên nhẫn. Lúc gặp khó khăn hay vất vả, tôi luôn xem đó là những trải nghiệm để bản thân trưởng thành, vững vàng hơn trong cuộc sống.

Giờ nghĩ lại, tôi không hề thấy hối hận khi mình theo nghề dạy học. Nhìn học sinh lớn lên từng ngày rồi ngẫm về những thành công trong công việc, sự tín nhiệm của Ban giám hiệu, cha mẹ học sinh, tôi thấy mình hạnh phúc biết bao.

Khi Marie Curie chuyển về Mỹ Đình, tôi đặc biệt chú ý tới ngôi trường này bởi cơ sở vật chất vô cùng khang trang, khuôn viên sạch đẹp. Hơn nữa, với sức trẻ và nhiệt huyết của bản thân, tôi tin môi trường tư thục sẽ giúp tôi học hỏi nhiều điều.

Lần đầu bước chân vào trường, tôi thực sự choáng ngợp trước kiến trúc hiện đại theo phong cách châu Âu với bốn toà nhà xếp thành hình chữ U. Những tấm kính nhiều màu được lắp ở các dãy hành lang, khiến lúc ánh nắng chiếu vào tạo nên những gam màu tươi vui, rực rỡ. Một điều nữa làm tôi ấn tượng khi lên tầng hai khu Giảng đường là sân trúc và sảnh piano rất rộng, thoáng mát. Quả thật, hiếm trường học nào có nhiều điểm vui chơi như vậy cho học sinh. Thật không hổ danh là ngôi trường đoạt giải thưởng Kiến trúc Quốc gia!

Gắn bó 5 năm với Marie Curie, kỷ niệm nhiều không kể xiết. Nhưng tôi nhớ mãi trận Chung kết bóng rổ nữ năm học 2017 - 2018 giữa lớp tôi chủ nhiệm (4M2) và 4P1. Trước khi ra sân, học sinh của tôi hừng hực khí thế, quyết tâm đoạt cúp Vàng. Thế nhưng khi tiếng còi khai cuộc vang lên, lớp 4P1 lại giành thế chủ động và bắt đầu ghi điểm trước. Với tình hình ấy, các con có vẻ hoang mang, lo lắng nhìn huấn luyện viên và tôi.

Chẳng thể vào sân thi đấu thay nên tôi chỉ biết hò hét khích lệ, động viên và đưa nước cho các con uống vào giờ giải lao. Hết thời gian hội ý, các con vào sân với tinh thần tốt hơn. Bộ ba Phương Anh, Trâm Anh, Hà Anh A đã kết hợp ăn ý và... “Vào một quả rồi!”. Cả lớp tôi vỡ oà hạnh phúc. Với lợi thế tinh thần, các con tiếp tục ghi thêm ba quả nữa. Nhưng nhìn các con lăn xả trên sân, tôi thấy xót, thấy thương vô cùng.

Khi lớp giành chiến thắng chung cuộc, Hà Anh A chạy đến chỗ tôi, nói: “Cô ơi! Lời hứa giành cúp Vàng về cho lớp, chúng con đã thực hiện được rồi!”. Bỗng hai hàng nước mắt cứ tuôn rơi trên má tôi. Lúc đó, tôi chỉ biết ôm từng con và không ngớt nói cảm ơn các con đã thi đấu hết mình vì “màu cờ sắc áo” của lớp. Đến giờ, tôi vẫn giữ tấm huy chương Vàng ấy và chắc chắn, nó sẽ mãi bên tôi suốt cuộc đời.

MINH HẰNG

(GVCN 5M1)

Từ những năm Mẫu giáo cho đến Đại học, tôi đều được dạy dỗ bởi những thầy tâm huyết, yêu nghề. Nhớ năm lớp 4, tôi bị thuỷ đậu và phải nghỉ học nửa tháng. Cô chủ nhiệm đã nhiều lần gọi điện hỏi thăm, động viên tôi cố gắng uống thuốc, nghỉ ngơi để chóng khỏe. Cô còn đến tận nhà giảng giải cho tôi những bài tập khó. Điều này làm tôi thật sự xúc động và biết ơn cô. Cũng từ đó, tình yêu với nghề giáo dần được nhen nhóm trong tôi. Mỗi khi gặp khó khăn, tôi luôn nhớ về những người thầy đã dìu dắt tôi từng bước trên con đường trở thành giáo viên để phấn đấu vượt qua.

Điều tôi ấn tượng nhất về ngôi trường Marie Curie là mỗi lớp có tối đa 32 học sinh. Đây là con số lý tưởng để giáo viên quan tâm và chăm lo cho từng học trò. Không chỉ vậy, ngoài những môn học theo chương trình của Bộ GD&ĐT, các con còn được trải nghiệm rất nhiều hoạt động phát triển thể chất, kỹ năng, trí tuệ như: bơi lội, bóng đá, bóng rổ, bóng ném, cờ vua, STEM...

Được công tác tại ngôi trường toàn diện như vậy là niềm mơ ước của bản thân nên tôi đã mạnh dạn nộp hồ sơ dự tuyển. Thật may mắn khi tôi được sắp xếp giảng dạy tại Tiểu học 2!

Năm đầu tiên công tác ở trường, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 3M3. Hầu hết các con đều ngoan nhưng có một bạn nam khá cá tính. Để giúp con tiến bộ, hàng ngày, tôi giảng giải những điều hay lẽ phải, khuyên con biết chia sẻ, yêu thương, đoàn kết với bạn bè. Có lẽ cảm nhận được những việc tôi làm nên con rất quan tâm tôi.

Có lần, tôi bị ngã rách dây chằng, phải băng bó chân nhiều ngày. Thấy vậy, con thường xuyên hỏi thăm và dặn dò tôi đi lại cẩn thận để mau lành vết thương. Bây giờ là học sinh lớp 5 nhưng năm nào, con cũng qua chúc mừng tôi nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Những lời chúc của con đơn giản, ngắn gọn thôi nhưng thực sự rất ý nghĩa, khiến tôi vô cùng xúc động.

Tôi nhận thấy, hàng ngày lên lớp, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức, giáo viên còn cần giáo dục nhân cách cho học trò. Bản thân là một giáo viên trẻ, tôi không ngừng nỗ lực, cố gắng trau dồi qua sách vở, giáo án và những giờ dạy thực tế. Tôi luôn trăn trở dạy thế nào để học sinh ham học hơn; làm sao để một bài toán phức tạp trở nên đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ với các con...

Để học trò tin yêu, tôi dành nhiều thời gian quan tâm các con và thực sự trở thành người mẹ, người bạn đồng hành của mỗi con. Ngoài công việc giảng dạy, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các con trong mọi hoạt động của trường, lớp.

TRẦN HÀ

(GVCN 4M3)

23

Tháng 11/2024

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

Thứ bảy, 23 Tháng 11 2024 11:16 Viết bởi TRUONG MARIE
Với dự án học tập “Classroom Beyond Walls - Lớp học không biên giới”, các MCer khối 4 Oxford - Kiến Hưng đã được thực hiện nghiên cứu khoa học đầy thú vị về chủ đề “Xây dựng tòa nhà chống động đất”.
Xem thêm

22

Tháng 11/2024

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

Thứ sáu, 22 Tháng 11 2024 08:18 Viết bởi TRUONG MARIE
Chiều 21/11, các MCer khối 4 Oxford đã tổng kết dự án học tập “Classroom Beyond Walls - Lớp học không biên giới”. Tại đây, các bạn đã tham gia nhiều hoạt động thú vị và mang về nhiều phần quà hấp dẫn.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:17 Viết bởi TRUONG MARIE
Hòa chung không khí hân hoan của cả nước hướng tới kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tại hệ thống giáo dục Marie Curie, Hội diễn văn nghệ lần thứ 32 diễn ra sôi nổi với gần 240 tiết mục từ các lớp mầm non đến THPT. Chương trình này cũng là cơ hội để các MCer, thầy cô và bố mẹ được toả sáng trên sân khấu lung linh.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:10 Viết bởi TRUONG MARIE
Sáng 20/11, tại nhà hát Thăng Long - cơ sở Việt Hưng đã diễn ra chương trình tranh giải Đặc biệt và vinh danh các tập thể xuất sắc nhất Hội diễn văn nghệ lần thứ 32.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 15:26 Viết bởi TRUONG MARIE
Mang trong mình nhiệt huyết và đạo đức của nghề giáo, trong suốt 30 năm làm nghề, thầy Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch Hệ thống giáo dục Marie Cuire Hà Nội đã là người gieo mầm xanh của sự tử tế vào tâm hồn của biết bao thế hệ học sinh.
Xem thêm