Không ít học trò và bạn bè hỏi vì sao tôi trở thành giáo viên. Mọi người hay trêu tôi rằng, mấy chục năm dạy đi, dạy lại chừng đó kiến thức thì chắc chán lắm! Tôi giật mình, ừ nhỉ, làm cô giáo có chán thật không?
Có chán không khi hằng ngày được trò chuyện, nhìn ngắm những đôi mắt sáng và những nụ cười tươi của tụi trẻ? Đôi mắt ấy có lúc mở to, có lúc lại chùng xuống khi nghe tôi kể truyện, cùng tôi đọc những bài thơ. Nụ cười ấy sẽ rạng rỡ sau một lời khen về sự tiến bộ nhỏ nào đó.
Có chán không khi cứ mỗi bài học, tôi lại mang đến cho những người học khác nhau rồi từ đó bắc nhịp cầu để tôi hiểu hơn về thế giới nội tâm của một đứa trẻ?
Có chán không khi mỗi ngày, tôi thấy điều mình nói lại giúp học sinh vượt qua những khó khăn, vướng mắc và vươn lên trong cuộc sống?
Có chán không khi mỗi ngày, tôi lại thấy “con mình” lớn hơn một chút, trưởng thành hơn một chút cho đến lúc có thể tự mình bay xa?
Vì những điều “viển vông” và mộng mơ ấy mà tôi cứ “đắm đuối” với những đứa trẻ hơn 10 năm qua, hết khóa này đến khóa khác…
Tôi nhớ mãi câu chuyện về một học trò ở mái trường mà tôi từng công tác trước đây. Cô bé ấy đã có những ngày tháng khủng hoảng ở tuổi 15. Con khép mình với bố mẹ và “đóng cửa” với mọi người xung quanh.
Suốt một thời gian, vào buổi trưa và giờ tan trường, chỉ cần không nhìn thấy cô bé ấy là tôi lại lo lắng. Những ngày tháng đồng hành với cô gái nhỏ đã giúp tôi chiêm nghiệm thật sâu sắc về câu hỏi: Điều gì thực sự quan trọng với một đứa trẻ? Thành tích học tập hay sự trưởng thành vững vàng? Sau gần 6 tháng dữ dội, con nói với tôi: “Cô ơi, nếu con vượt qua được giai đoạn này, cô hãy kể về con cho các em nghe nhé!”. Không ít lần, tôi cùng con rơi vào tình thế đáng lo ngại nhưng cô gái can đảm và nỗ lực ấy đã dạy tôi thêm tin tưởng, thêm kiên trì, thêm bao dung và thật nhiều yêu thương. Giờ đây, con là sinh viên đại học đầy nỗ lực và có những thành tựu đáng nể. Câu chuyện ấy luôn là động lực để tôi vững tâm hơn với những việc mình làm cho học trò mỗi ngày.
Với tôi, làm giáo viên không phải chỉ là dạy học. Vì vậy, tôi không có cái chán của người phải “nhai đi, nhai lại” bài giảng qua nhiều năm. Bài giảng chỉ là nhịp cầu để tôi đến gần hơn với những đứa trẻ, để hiểu và dẫn dắt tâm hồn ấy lớn lên khỏe mạnh. Tôi nhớ như in những dòng chữ viết trong thư xin việc gửi thầy Khang: “Em hiểu rằng, để nuôi dưỡng một người, nhất là một đứa trẻ thì nguyên tắc, kỷ luật, kỹ năng, kiến thức đều chưa đủ mà rất cần niềm tin, tình yêu thương và sự trao truyền trong cả môi trường rộng lớn. Bởi vậy, em vô cùng xúc động mỗi khi đọc những bức thư, những chia sẻ, những tâm sự và trăn trở của thầy dành cho các học sinh, các bố mẹ và các thầy cô”. Và tôi đã gặp ở Marie Curie môi trường của sự nâng đỡ, chăm sóc và yêu thương để những đứa trẻ được lớn lên một cách vững vàng trong niềm tin yêu.
Năm đầu về MC giảng dạy, tôi chủ nhiệm những “chú mèo con” G7. Những ngày đầu tiên bắt nhịp cùng nhau, gia đình tôi có người ốm nên phải nghỉ vài buổi. Trưa hôm ấy, sau khi mẹ tôi phẫu thuật, tôi về trường để trông tụi nhỏ. Tôi vừa đi lên hành lang tầng 2, một học sinh nhìn thấy, vội chạy về gọi các bạn rồi cả lớp ùa ra ôm tôi: “Con nhớ cô quá! Sao sáng nay cô không lên lớp?”. Tôi thực sự xúc động trước tình cảm mà các con dành cho mình.
Năm học của cô trò chúng tôi không chỉ có bài tập, bài thi mà còn có những trận bóng “nảy lửa”, những cốc trà chanh mát lịm ở canteen để chúc mừng; có bữa tiệc bất ngờ mà các bạn tổ chức cho cô nhân ngày 20/11; có buổi tối “cháy” hết mình với vũ điệu DJ hay bên bếp củi hồng… Bữa tối quây quần quanh nồi bánh chưng cùng phụ huynh và học sinh, chúng tôi đã kể những câu chuyện ngày xưa, ngày nay. Ai cũng cảm nhận được niềm vui khi có mặt trong cuộc đời của nhau. “Những đứa trẻ thành phố có được trải nghiệm như thế này thật đáng quý vô cùng, cô ạ!”, một người mẹ nói với tôi. Quả thật, Marie Curie không chỉ cho tôi được bắc nhịp cầu hiểu những đứa trẻ mà còn cho các bố mẹ cơ hội gần con hơn để lớn lên cùng chúng và cùng tạo nên những dấu ấn đẹp.
Hằng ngày ở MC, tôi được nhìn ngắm những ánh mắt sáng, những nụ cười tươi và nghe những câu chuyện ríu rít của lũ trẻ về niềm vui ở trường, ở nhà… Liệu như thế thì có chán không?
Cô THU HÀ
(GVCN 7G7)