Nhiều người bảo mình là cô gái quốc tế vì luôn để lại ấn tượng rất tốt tại hầu hết các sự kiện, hoạt động, chương trình mang tính quốc tế mình tham gia. Và cũng từ đó, mình có được nhiều cơ hội hấp dẫn như được gặp Hillary Clinton, Joe Biden hay John Kerry. Người ta bảo mình có năng khiếu nên mới được như vậy. Thực ra không hẳn đâu.
Để tự tin giao tiếp bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ trong môi trường quốc tế, mình đã phải rèn luyện rất nhiều. Và may mắn nhất là mình nắm được phương pháp học đúng đắn từ sớm.
1. Đừng nghe hời hợt, hãy luyện nghe để nắm bắt thông tin!
Trước khi gây được ấn tượng qua cách nói chuyện, bạn phải nghe được tiếng Anh tốt đã. Trong giao tiếp, khả năng lắng nghe đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nó giúp mình thể hiện sự tôn trọng đối với những gì người kia chia sẻ và dễ dàng tìm được thêm thông tin để phát triển câu chuyện.
Do vậy, nếu kỹ năng nghe tiếng Anh của bạn còn kém thì cần nghiêm túc luyện nghe thật nhiều để cuộc trò chuyện có chiều sâu nhất. Nhưng đừng chỉ nghe nhiều mà hời hợt. Hãy nghe để lấy được “key word” (từ khoá) và nắm được thông tin chính. Từ đó, mình sẽ có nguyên liệu để chia sẻ về sau.
Suốt một năm trước ngày “apply” học bổng sang Mỹ học, sáng nào, mình cũng nghe tin tức từ các kênh tin của Mỹ. Thường khi nghe hay đọc một nội dung gì đó, ngoài việc nắm được thông tin chính, mình cũng tập thói quen chia sẻ quan điểm cá nhân với thông tin đó. Dần dần, thói quen này giúp mình lắng nghe được rất kỹ khi nói chuyện với người nước ngoài và dễ dàng chia sẻ được quan điểm của mình với nội dung đó.
2. Rèn tư duy bằng tiếng Anh mỗi ngày
Khi mới học, chúng ta dễ có thiên hướng liên tục dịch từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh trong đầu. Điều này làm chậm tốc độ phản xạ và khó khăn khi diễn đạt ý giao tiếp. Nếu luyện được khả năng tư duy bằng tiếng Anh, khả năng diễn đạt và tốc độ phản xạ của mình cũng nhanh hơn rất nhiều.
Vậy cần luyện tư duy như thế nào?
Đầu tiên hãy dùng từ điển Anh - Anh, thay vì Anh - Việt. Tra cứu từ với từ điển Anh - Anh giúp mình biết cách diễn đạt ý nghĩa của các khái niệm bằng tiếng Anh, thay vì tiếng Việt.
Ngoài ra, hãy chuyển dần việc nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức mới bằng tiếng Anh. Như vậy, khi mình phải giao tiếp về chủ đề, kiến thức đó, việc chia sẻ cũng dễ dàng hơn rất nhiều vì não bộ mình đã biết cách tư duy kiến thức đó bằng tiếng Anh.
Hãy độc thoại với bản thân bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Khi thấy một hiện tượng gì thú vị, hãy chủ động dùng tiếng Anh để đánh giá về nó. Nếu trình độ chưa cao có thể bắt đầu từ những từ đơn giản như: “Nice”, “So interesting”. Dần dần chuyển sang thành cả câu. Rồi cả câu chuyện. Càng độc thoại nhiều, mình sẽ càng luyện được khả năng tư duy bằng tiếng Anh với mọi tình huống xảy ra.
3. Thực hành phản xạ tiếng Anh thường xuyên
Khi giao tiếp với người nước ngoài, khả năng phản xạ nhanh không chỉ thể hiện sự tự tin với ngôn ngữ mình có. Nó còn thể hiện khả năng tư duy tốt, sẽ dễ dàng gây được ấn tượng mạnh với người nghe. Đó cũng là lí do mình luôn nhấn mạnh yếu tố phản xạ. Nó là nền tảng để bạn tự tin hơn khi giao tiếp thực tế. Lý thuyết hoàn toàn có thể học tại nhà qua các “video” tương tác cùng giảng viên. Nhưng lớp học phải được 100% phản xạ với những tình huống thực tế.
Vậy phải rèn luyện phản xạ tiếng Anh thế nào?
Với những câu hỏi khó, hóc búa, đến người bản xứ cũng không dễ dàng phản xạ nhanh. Họ chỉ nói nhanh được với những tình huống đã lặp đi, lặp lại đủ nhiều đến mức trở thành thói quen.
Do vậy, khi học kiến thức tiếng Anh mới, từ vựng mới, hãy thực hành thật nhiều và lặp đi, lặp lại với nhiều tình huống. Bạn cần thực hành lặp lại ít nhất 5 lần để có thể dễ dàng phản xạ khi tình huống tương tự xuất hiện. Vì vậy, hãy tạo mọi cơ hội cho mình được va chạm thực tế để thực hành được nhiều nhất.
Đừng bao giờ nghĩ rằng, mình thiếu năng khiếu nên không giao tiếp tiếng Anh giỏi. Phương pháp tốt cộng với mục tiêu rõ ràng và quyết tâm đủ lớn là chìa khoá để bạn chinh phục tiếng Anh dễ dàng.
TRẦN THỊ THÙY TRANG