Không nên học các từ đối lập cùng nhau.
Khi cố gắng để học một ngôn ngữ nước ngoài, hầu hết chúng ta có cùng một câu than thở: "Chỉ là do mình kém khoản ghi nhớ". Khi bận trăm công nghìn việc, khả năng ghi nhớ từ không còn nữa. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu của mình?
Các nhà ngôn ngữ học cho rằng nếu để giao tiếp được bằng một ngoại ngữ, chẳng hạn như chỉ đường hoặc xin số điện thoại, chúng ta nắm vững trong tay khoảng 120 từ vựng cơ bản. Dưới đây là 8 lời khuyên vàng ngọc cho các bạn nâng cao khả năng nhớ từ vựng.
Lập mục tiêu thực tế
Có lẽ sẽ rất khó nếu đọc cả bảng từ vựng nghiên cứu dài hay quyển từ điển. Trí óc của chúng ta chỉ có khả năng giữ lại 10-20 từ mỗi giờ học. Nếu bạn dành 15 phút tự học mỗi ngày và thiết lập một mục tiêu từ vựng hàng tuần chỉ khoảng 20-25 từ và cụm từ, bạn chỉ mất sáu tuần để nhớ 120 từ cơ bản. "Mưa dầm thấm lâu" cực đúng trong trường hợp này.
Học theo chủ điểm
Những cách học ngoại ngữ kiểu “mỗi từ 1 ngày” có thể khiến bạn cảm thấy thuận tiện, nhưng nó lại cung cấp một chuỗi các từ không liên quan khiến bạn khó học hơn. Tập trung vào một chủ đề duy nhất mỗi tuần. Trí óc bạn tự nhiên sẽ kết nối các từ ấy với nhau, và một khi đã có sự liên kết, bạn chỉ cần nhớ 1 từ, sẽ suy ra được các từ còn lại cùng chủ điểm.
Thay vì học những từ không liên quan, hãy xếp chúng vào cùng một chủ điểm mỗi tuần.
Không học các từ đối lập cùng nhau
Có một cách học thật hay đó là: Hãy học từ phổ biến hơn trước (ví dụ như: deep - sâu), sau khi bạn đã ghi nhớ nó thật chắc mới đi tìm từ trái nghĩa tương ứng (shallow - cạn).
Từ trước đến nay chúng ta hay học các từ đồng nghĩa và đối lập cùng nhau, việc này nghe thì hợp lý nhưng thật ra không phải. Một rắc rối có thể xảy ra, khi bạn tìm hiểu hai từ có nghĩa rất gần với nhau nhưng lại không thể phân biệt được cách dùng của từng từ, bạn sẽ kết thúc trong một mớ bòng bong, cũng không ghi nhớ thêm được từ nào.
“Mổ xẻ” từ mới
Khi gặp một từ mới, bạn cần chú ý đến cấu trúc của nó. Nhiều từ bao gồm cả tiền tố, hậu tố, ví dụ như “unbelievable” có chứa tiền tố phủ định un- và hậu tố hình thành tính từ -able mang nghĩa “có thể”. Nghiên cứu các phụ tố này giúp bạn hiểu cách thành lập một từ vựng, thậm chí giúp bạn đoán được nghĩa của các từ mới, nhờ đó việc học từ chắc chắn sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Đọc, đọc nữa, đọc mãi
Đọc giúp bạn hiểu thêm cách dùng những từ đó trong câu và bối cảnh cụ thể. Có rất nhiều nguồn thông tin, báo chí, sách truyện để bạn đọc và ôn lại từ vựng.Với những người mới bắt đầu bạn có thể sử dụng những bài quảng cáo, tin vắn kiểu văn bản gần gũi với đời sống thường ngày.
Biến từ mới thành hình ảnh sống động
Một bí quyết cho việc học từ mới là phương pháp từ khoá. Dựa trên một từ có cách phát âm tương tự như một âm thanh trong ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn, hãy hình dung một hình ảnh hoặc cảnh để minh họa cho những từ ấy. Ví dụ “quả trứng” trong tiếng Anh là “egg”, để ghi nhớ từ này, ta có thể tưởng tượng ra hình ảnh chú lợn có tiếng kêu “éc éc” đang chơi cùng một cô gà mái vừa đẻ trứng. Đó có thể là những hình ảnh trực quan trừu tượng và vô lý nhưng chúng có ích, đặc biệt là các từ vựng dài.
Tập trung vào cụm từ
Nhà ngôn ngữ học Michael Lewis khuyến khích việc học ngôn ngữ trong cả một khối từ vựng, chứ không phải trên cơ sở từng từ một. Muốn giao tiếp tốt trong đời sống hàng ngày bằng ngoại ngữ, biết từng từ là chưa đủ, bạn cần phải hiểu thêm về cách dùng của những từ ấy, những từ nào thường đi với nhau tạo nên một cụm thông dụng. Khi học một ngôn ngữ mới, hãy ghi nhớ những cụm từ và bạn sẽ có một “kho vũ khí” sẵn sàng cho việc trò chuyện đối thoại mà không có sự căng thẳng của việc liên kết các từ riêng lẻ mình đã biết thành câu hoàn chỉnh.
Ôn lại thường xuyên
Trong một lớp học từ vựng, từ vựng của ngày hôm qua là quan trọng hơn ngày hôm nay. Mục đích là để chuyển giao những kiến thức ngắn hạn của từ vựng mới vào bộ nhớ dài hạn của bạn. Ôn tập là điều vô cùng cần thiết trong vài ngày đầu tiên sau khi học từ vựng mới, ôn lại những từ đó và bạn sẽ gài chúng trong bộ nhớ của bạn. Một cuốn sách giáo khoa ngôn ngữ tốt sẽ phải có các bài ôn tập và áp dụng từ vựng đã học trong bài học sau.
Theo iOne