Còn vỏn vẹn một ngày nữa là kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, song đầu óc Viết Hùng (17 tuổi, nhà ở quận Phú Nhuận, TP HCM) vẫn còn lơ mơ, chưa dứt khỏi tâm trạng vật vờ từ hậu quả của việc ăn chơi triền miên trong những ngày Tết vừa qua. Hùng chia sẻ, hơn 10 ngày nghỉ Tết của cậu bạn này đều được tận dụng để giải trí thả phanh, bù lại cho một năm trời học hành vất vả.
"Về quê nội, ngoại xong 3 ngày Tết đầu tiên là mình lập tức “gầy sòng” với mấy thằng bạn trong xóm, không thì rủ đám cạ cứng lượn lờ ngoài phố. Tối đến về nhà “chiến” phim bộ với bà chị. Hết Tết, lại phải chuẩn bị bài học đến khuya lơ khuya lắc, sáng ra lại phải thức dậy sớm, tự nhiên đâm ra chán chường kinh khủng”, Hùng rầu rĩ tâm sự.
Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài gần nửa tháng, không ít teen đã phải rơi vào hội chứng “ỳ Tết” vì mãi vẫn chưa thể thoát khỏi thói quen sinh hoạt trong những ngày Tết. Ngày thường, teen luôn tất bật lo chuyện bài vở, căng óc với những bài học thâu đêm suốt sáng, do đó, một kỳ nghỉ dài luôn cần thiết để các teen có một khoảng lặng và kịp thời F5 bản thân. Tuy vậy, việc thoải mái thả mình vào những cuộc vui ngày Tết khiến teen không kịp điều chỉnh đồng hồ sinh học khi thời điểm đi học trở lại đã cận kề. Từ đó, teen nảy sinh tâm trạng bải hoải, mệt mỏi, chỉ muốn kỳ nghỉ Tết kéo dài thêm nữa để thỏa sức nghỉ ngơi.
Thanh Huyền, 16 tuổi, quận Bình Thạnh tâm sự: “Nghỉ Tết hơn 10 ngày, ngày nào mình cũng đánh một giấc đến 8 giờ sáng, rồi thức khuya xem phim, online đủ kiểu. Giờ mở vở ra xem lại bài học là cặp mắt cứ tự động ríu lại, học mãi mà chữ không vào, tay chân thì cứng đờ ra, viết được vài dòng đã bắt đầu mỏi tay. Cứ thế này thì đến trường không biết làm cách nào để tập trung nghe cô giảng”.
Với những teen mắc phải hội chứng ỳ Tết, tâm trạng chán nản nghĩ tới cảnh quay trở lại trường học sắp tới đã trở thành nỗi lo sợ thường trực. Không ít teen còn rơi vào tình trạng stress khi nghĩ đến việc sẽ phải đối mặt với kết quả học tập trong dịp đầu năm mới. “Học kỳ I mình làm bài thi một số môn chưa tốt lắm, chắc mẩm đã rớt học bổng, song nhờ có mấy ngày Tết mà lấy lại được tinh thần đôi chút. Giờ nghĩ đến việc đến trường học tiếp và xem điểm thi mà buồn méo mặt”, Huyền Trang, sinh viên năm I, ĐH KHXH&NV ủ rũ cho biết.
Mạnh Bình, sinh viên ĐH Bách Khoa cũng liên tục stress khi nghĩ đến việc phải thi lại 2 môn điểm kém trong học kỳ trước sau khi trở lại trường. Dẫu đã biết kết quả từ lúc trước khi kỳ nghỉ Tết bắt đầu, song Bình tặc lưỡi tự nhủ về nhà vừa ăn Tết vừa học bài, đến lúc hết nghỉ Tết thì cũng bài cũng ôn xong. “Ai dè, gần nửa tháng nghỉ Tết, ngày nào mình cũng phải phụ bố mẹ chuẩn bị các món đãi khách, không thì bạn bè cũng gọi rủ rê họp lớp, đánh tá lả,... Thế là xong nguyên một kỳ nghỉ mà vẫn chưa có chữ nào trong đầu, danh sách các môn học lại chuẩn bị kéo dài thêm nữa, chán ơi là chán”, Bình rầu rĩ chia sẻ.
Bên cạnh nỗi lo học tập thi cử, thì không ít sinh viên cũng mắc phải tình trạng “sa lầy” vào những cuộc vui thâu đêm trong những ngày Tết và vẫn chưa kịp lấy lại tinh thần để sẵn sàng cho một năm mới. Tuấn Nghĩa, sinh viên năm I trường KHXH&NV kể, lần đầu tiên xa nhà đi học nên kỳ nghỉ Tết vừa rồi, Nghĩa tranh thủ về thăm bạn bè cũ, rồi bị đám bạn kéo vào ngồi bàn nhậu “hỏi thăm” suốt mấy ngày Tết liền. Kết quả, những lần ham vui trong suốt kỳ nghỉ Tết khiến đầu óc của anh chàng vẫn còn đang lơ mơ, sức khỏe sa sút hẳn vì ăn uống thiếu kiểm soát.
Để thoát khỏi hội chứng “ỳ Tết” triền miên, lấy lại tinh thần phấn khởi cho một năm mới, teen có thể bắt đầu từ việc dọn dẹp căn phòng, trang trí cho bàn học thêm sáng sủa để khơi lại niềm hứng thú với bài vở của mình. Bên cạnh đó, teen cần tích cực điều chỉnh đồng hồ sinh học, tránh những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Teen cũng có thể tìm đến một giấc ngủ thật sâu để cân bằng tâm trạng và lấy lại sức khỏe sau những ngày vui chơi liên miên. Ngoài ra, một chuyến đi ngắn về một miền quê trong ngày nghỉ cuối cùng với đám cạ cứng cũng có thể giúp tinh thần teen sảng khoái hơn để bước vào kỳ học sôi nổi tiếp theo.
Theo iOne.net