Học Toán khó – vì sao?
Toán học phổ thông được chia làm 2 phần: Đại số và Hình học, mỗi phần kiến thức đều có những đặc thù riêng, do đó teen cần linh hoạt trong phương pháp học tập mới có thể nắm được cách học tốt cả 2 phần riêng biệt của bộ môn Toán.
Phần Đại số thường được học sinh yêu thích hơn do dễ làm khi thuộc công thức. Tuy nhiên, có khó khăn là các dạng bài tập rất đa dạng, biến hóa dẫn tới học sinh phải nhớ nhiều, làm nhiều dạng bài tập mới giỏi được.
Phần Hình học tuy có ít dạng bài tập hơn nhưng lại đòi hỏi học sinh phải tưởng tượng tốt và tư duy logic, điều đó khiến nhiều học sinh cảm thấy môn Hình không gian cực “khó nhằn” mà bỏ luôn không học.
Thầy Lại Tiến Minh chỉ ra rằng: Lý do chính khiến học sinh học kém môn Toán là lười học dẫn tới bị hổng kiến thức, không hiểu bản chất, không hứng thú với môn học. Toán là môn khoa học có tính kế thừa, những kiến thức từ những lớp dưới sẽ làm nền tảng và bổ trợ cho những lớp cao hơn. Do đó nhiều teen lười học dẫn đến học yếu Toán từ cấp THCS, bị hổng kiến thức sẽ rất khó “xoay sở” khi tiếp cận với Toán cấp THPT. Toán cũng không thể học được bằng cách học gạo, học thuộc đáp án, cách giải rồi áp dụng bởi mỗi bài Toán sẽ có những cách làm chẳng hề giống nhau.
Ngoài ra, do chương trình học phổ thông hiện nay quá nặng khiến cho nhiều học sinh tư duy trung bình khó khăn trong việc theo kịp kiến thức trong sách. Một học sinh phổ thông phải nạp một khối lượng kiến thức Toán cực lớn, đa dạng và dàn trải.
Nguyên nhân nữa khiến cho học sinh học kém môn Toán là do không có hứng thú với môn học dẫn tới lười học, để khắc phục nguyên nhân này thì các thầy cô giáo, những người tạo cảm hứng cho các em học sinh, đóng vai trò rất quan trọng.
Phương pháp học Toán hiệu quả:
Học lý thuyết rất quan trọng
Theo thầy Minh, nhiều bạn học sinh thường cho rằng môn Toán chỉ cần học bài tập, phần lý thuyết có thể bỏ qua, không quan tâm. Điều này hết sức sai lầm, vì có hiểu kĩ lý thuyết mới có thể hiểu được bản chất của vấn đề, từ đó mới vận dụng lý thuyết vào các bài tập cụ thể để làm bài mới hiệu quả. Trước mỗi bài học mới nên đọc lại phần lý thuyết bài cũ để nhớ lại các khái niệm và phương pháp đã học giúp hiểu được tốt hơn các vấn đề đặt ra trong bài mới.
Với môn học có khá nhiều công thức khó nhớ như môn Toán, học sinh nên viết các công thức hoặc các mẫu bài toán thường gặp trong mỗi bài học vào một quyển sổ nhỏ từ đó giúp ta dễ nhớ và hệ thống lại được các công thức và rất tiện lợi khi dùng làm bài tập.
Bí kíp làm bài tập
Khi làm bài tập, bạn nên phân chia từng dạng bài tập và phương pháp giải chi tiết. Với mỗi dạng bài tập không cần: thiết phải làm nhiều, chỉ cần làm từ 1 đến 2 bài để hiểu được kỹ lý thuyết và phương pháp giải. Việc kết nối bài tập với lý thuyết sẽ giúp hiểu sâu sắc thêm vấn đề, giúp ghi nhớ tốt hơn.
Để làm tốt một bài Toán cần đọc kỹ đề bài, kết nối các giả thiết trong đề bài với lý thuyết đã học, xác định những đại lượng công việc cần làm. Sau mỗi bài toán không quên kết luận để trả lời các câu hỏi của đề bài, hỏi gì trả lời nấy.
Về cách trình bày thì nên dựa vào một bài mẫu do thầy cô đã chữa hoặc trong sách để học trình bày. Với mỗi dạng bài chỉ cần làm và trình bày chuẩn 1 đến 2 bài.
Gạch ra những điều cần lưu ý
Sau mỗi một bài toán cần rút ra những điểm lưu ý cho riêng mình. Những lưu ý đó có thể là các kỹ thuật đặc biệt của bài toán hoặc là những công thức hoặc các lỗi bản thân hay mắc phải. Có thể viết thành một chú ý hoặc viết vào tờ giấy ghi nhớ dán vào bài tập hoặc dạng bài vừa làm.
Học trong SGK là chưa đủ
Kiến thức trong sách giáo khoa chỉ là những kiến thức nền tảng, cơ bản của môn học. Muốn học giỏi cần tập thói quen tự đọc sách giáo khoa và tham khảo để biết thêm về những kiến thức nâng cao, các dạng bài tập mở rộng từ đó có thể rút ra phương pháp học tập và cách thức làm bài cho riêng mình.
Theo Tiin