Đọc và vẽ
Không cần bạn phải có năng khiếu vẽ tranh. Hãy vẽ những gì bạn thích. Có thể đó chỉ là những hình bông hoa đơn giản, một gương mặt ai đó, hoặc một cửa hiệu nào đó bạn thích. Biết đâu nó sẽ gợi lại cho bạn những kỉ niệm vui vẻ, khiến bạn bật cười (có thể vì bạn vẽ…quá xấu), tạo cho bạn cảm hứng và ý tưởng. Bắt đầu bằng những nét vẽ nghuệch ngoạc trước.
Bước thứ 2, tìm quyển sách của môn học bạn thích, đọc sơ qua. Khi đọc, bạn có thể vẽ ra để dễ hình dung, tưởng tượng. Nếu muốn hiểu kĩ, đọc đến đâu bạn có thể vẽ đến đó. Điều này khiến bạn tư duy theo cách nhẹ nhàng. Biết đâu nhờ vậy mà bạn hệ thống lại được kiến thức dễ dàng, nhớ bài lâu hơn, giảm bớt áp lực học tập và tận dụng tốt thời gian khi không thể làm bài tập hiệu quả.
Nghe nhạc và chép lại các công thức
Tổng hợp tất cả các công thức ở một môn và ghi riêng ra một quyển vở khác. Việc này sẽ giúp bạn hệ thống hóa kiến thức được tốt hơn. Khi bạn không thể học nữa, hãy dành thời gian để chép lại. Chọn lựa những bài hát bạn ưa thích, nhấn “play” và bắt đầu chép. Nếu được, hãy ghi cụ thể, chi tiết cho từng môn học. Vừa chép lại vừa nghe nhạc sẽ khiến bạn tiết kiệm thời gian, tranh thủ thư giãn đầu óc và hệ thống hóa lại kiến thức. Biết đâu bạn sẽ nghĩ ra một phương pháp học tập mới hoặc nghĩ ra được cách giải bài toán khó khi đang thư giãn một cách có ích.
Làm việc nhà và “hoạch định kế hoạch” trong đầu
Khi bạn cảm thấy tù túng, gò bó trong không gian chật hẹp ở góc học tập, hãy đi lòng vòng trong nhà, làm bất kì công việc nào mà bạn cần phải hoàn thành trong ngày: tưới cây, quét sân, lau bàn, dọn dẹp… Trong thời gian đó, hãy sắp xếp lại thời khóa biểu, cách phân bố thời gian học. Bạn cần phải tập trung cho điều gì, dẹp bớt điều gì, phải làm những bài tập nào tiếp theo, khi lên lớp học thêm thì sẽ hỏi thầy cô những phần nào chưa hiểu… Hãy ghi nhớ trong đầu khi đang làm việc nhà. Những ý tưởng thường nảy ra ở những lúc không ngờ đến. Việc bạn thư giãn đầu óc sẽ khiến bạn bắt đầu tìm lại cảm hứng học tập.
Nói chuyện với bạn bè cũng là cách để “ôn bài”
Thay vì tự học, tự dò bài cho mình. Hãy giả vờ “tám chuyện” với bạn bè về nội dung bài học xem sao. Chẳng hạn như các bạn lần lượt nói cho nhau nghe công thức, nội dung bài học, hoặc những gì các bạn nhận định. Việc diễn đạt rõ ra bằng lời sẽ giúp bạn phát hiện được sai sót, đồng thời tiếp thu được kĩ năng diễn đạt từ bạn bè, những nội dung dễ quên, dễ nhầm lẫn. Việc “tám chuyện” này như là cách khảo bài cho nhau nhưng hoàn toàn không gây áp lực.
Theo Mực tím