Không chỉ tóm tắt nội dung tác phẩm, ghi lại cảm nhận về cốt truyện mà các MCer còn “hô biến” những trang giấy trắng thành nhật ký đọc sách vô cùng sáng tạo và ấn tượng. Chúng mình cùng tham khảo cách làm những cuốn sổ tay thú vị của các bạn ấy nhé!
Đọc nhiều, viết nhiều
Từ năm lớp 6, các “cư dân” 7G1 đã tham gia dự án “Nhật ký đọc sách”. Các bạn chia thành nhiều nhóm với 3 - 5 thành viên/nhóm để thực hiện. Mỗi nhóm tự chuẩn bị những cuốn sổ theo sở thích. Sau đó, các bạn phân công nhau đọc sách mỗi tuần để viết nhật ký. Các cuốn sách được lựa chọn kỹ càng, phù hợp với lứa tuổi. Đó có thể là những tác phẩm văn học, tiểu thuyết, truyện ngắn… của Việt Nam hoặc nước ngoài như: Chí Phèo, Nhà giả kim, Hachiko - chú chó đợi chờ, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Hoàng tử bé, Tôi là Bêtô…
Đọc xong, các bạn bắt tay vào công đoạn viết. Thông thường, việc đọc và viết nhật ký cho một cuốn sách mất khoảng 1 tuần. Nội dung nhật ký phải đảm bảo các yếu tố: tóm tắt tác phẩm, thông tin tác giả; rút ra ý nghĩa của câu chuyện; ghi cảm nhận của bản thân về cuốn sách và trích dẫn những câu văn hay.
Ngọc Anh, Tú Uyên và Hà Phương (7G1) rất tích cực đóng góp cho dự án. Các bạn cho biết: “Chúng tớ chuyền tay nhau viết như kiểu viết lưu bút. Mọi người rất hứng thú với việc này. Hàng tuần, chúng tớ tổng hợp xem đã đọc những cuốn nào và đề ra mục tiêu cho tuần kế tiếp. Nhờ có thói quen viết nhật ký mà vốn từ tiếng Việt, cũng như kỹ năng viết lách của chúng tớ tiến bộ rõ rệt. Chúng tớ không chỉ hiểu sâu hơn về tác phẩm, dễ dàng ghi nhớ cốt truyện mà còn biết vận dụng những hình ảnh, câu nói trong cuốn sách vào các bài tập làm văn một cách hiệu quả. Qua cuốn nhật ký, chúng tớ nhận thấy, các thành viên trong lớp rất thích đọc sách và duy trì thói quen ấy mỗi ngày”.
Trang trí theo cách riêng
“Nhật ký đọc sách” của MCer 7G1 không chỉ chứa đựng nội dung thú vị mà còn thu hút bởi những hình ảnh minh họa, cách trang trí vô cùng ấn tượng. Hà Phương nói: “Bạn nào trong nhóm có năng khiếu vẽ thì phụ trách phần minh họa. Ví dụ: với tác phẩm “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, bên cạnh phần tóm tắt tác phẩm, chúng tớ vẽ thêm con mèo, con chim, đám mây… để trông sinh động hơn. Một số truyện khác, chúng tớ trang trí bằng sticker hoặc dùng kiểu chữ cách điệu. Nhìn chung, mọi người rất tỉ mẩn và cầu kỳ thực hiện trang nhật ký về cuốn sách yêu thích”.
Ngọc Anh, Tú Uyên thích thú ngắm nghía cuốn nhật ký của nhóm. Các bạn rất tự hào vì các thành viên đều làm việc rất trách nhiệm và cảm nhận được tình cảm của mỗi người dành cho cuốn sách. Theo các bạn, đọc sách là thói quen tốt nhưng nếu chỉ đọc thôi thì sẽ không đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, khi được ghi chép lại theo cách của mình, chắc chắn kiến thức sẽ ở lại lâu và sâu trong tâm trí. Do đó, đến nay, mỗi thành viên trong nhóm vẫn giữ thói quen viết nhật ký. Bởi các bạn xem đây là cơ hội làm giàu ngôn ngữ, rèn kỹ năng diễn đạt, tích lũy vốn hiểu biết về cuộc sống, cũng như bồi đắp vẻ đẹp cho tâm hồn.
Cô Hồng Minh (GV Ngữ văn) không khỏi xuýt xoa trước những cuốn nhật ký siêu dễ thương của học trò. Cô bày tỏ: “Mình hướng dẫn học sinh thực hiện dự án “Cuốn sách tôi yêu” vào đầu học kỳ 2 của lớp 6. Đây là dự án dài hơi, xuyên suốt cả một học kỳ và kết thúc với hoạt động “Ngày hội đọc sách” vào cuối năm học. Điều khiến mình thích thú nhất là được đọc những trang nhật ký của các cô, cậu học trò nhỏ. Thật bất ngờ khi chỉ qua những gợi ý, danh mục sách mà cô định hướng cùng những tác phẩm đọc theo sở thích, các con đã chia nhóm, cùng nhau nghiền ngẫm, ghi chép cẩn thận để tạo nên cuốn sổ nhật ký độc đáo, sáng tạo và công phu! Cầm trên tay những cuốn nhật ký ấy, lật giở từng trang giấy và đọc những dòng ghi chép, mình có cảm giác như bước vào chuyến phiêu lưu thú vị. Những chữ viết nắn nót, tỉ mỉ tóm tắt thông tin về tác giả, tác phẩm; những câu trích dẫn mà các con tâm đắc; những nhận xét, cảm nhận riêng của các con sau khi đọc một cuốn sách về tình bạn, tình cảm gia đình… thực sự khiến tim mình “tan chảy”.
Cuốn sách được nhiều nhóm chọn đọc là “Cây cam ngọt của tôi”. Mình nghĩ tác phẩm ấy đã chạm tới cảm xúc của các con, khiến cho các bạn chưa có thói quen đọc cũng miệt mài xem hết, xong rồi mắt đỏ hoe và nhắn nhủ những bạn khác: “Đọc cuốn này đi, hay lắm!”. Tất cả điều đó cho thấy niềm yêu thích của các con với việc đọc sách. Một điều nữa làm mình ấn tượng chính là khả năng vẽ minh họa, trang trí sáng tạo của các con. Các trang nhật ký được trình bày như một bức tranh. Cuốn nhật ký của nhóm Tú Uyên, Huyền Anh, Hà Phương, Diệp Chi rất đẹp, thu hút từ nội dung đến từng nét vẽ. Còn nhóm Ngọc Anh lại có những dòng cảm nhận rất riêng, những câu trích dẫn thực sự hay và mang nhiều thông điệp… Hy vọng rằng, các con tiếp tục nối dài hành trình đọc sách để đồng cảm với các nhân vật và tìm được nhiều điều ý nghĩa, giá trị ẩn sau những trang sách!”.
Quả thật, làm “Nhật ký đọc sách” không hề khó, chỉ cần các bạn có tình yêu với sách và đam mê viết lách là bắt tay vào thực hiện được. Hãy cùng nhau tạo nên những trang nhật ký độc đáo của riêng mình nhé!