Đó là hoạt động đang diễn ra sôi nổi trong các tiết Ngữ văn ở trường Marie Curie.
Bên cạnh những bài viết nhiều cảm xúc, MCer có thêm cơ hội thể hiện tài năng hội họa khi cùng tóm tắt, kể lại các câu chuyện văn học bằng tranh.
Các “cư dân” 8P2 đã cho ra đời những bức vẽ truyện tranh “Cô bé bán diêm” vô cùng độc đáo và ấn tượng. Bằng trí tưởng tượng phong phú và sự sáng tạo không giới hạn, các bạn đã “thổi luồng gió mới” vào tác phẩm ấy.
Bảo Nguyên và Liên Hương (8P2) cùng thực hiện bộ tranh bằng bút chì trong khoảng 2 tuần. Hai bạn phân công mỗi người vẽ một phần để dễ dàng theo dõi diễn biến câu chuyện. Các bạn cho hay: “Việc học Văn bằng tranh giúp chúng mình dễ thuộc nội dung tác phẩm. Bởi chúng mình cảm thấy rất hứng thú trong suốt quá trình sáng tác nên kiến thức cứ thế tự nhiên ngấm sâu, ngấm lâu”.
Để hoàn thiện bộ tranh, Diệu Linh và Minh Hạnh (8P2) cũng thực hiện trong gần 2 tuần. Hai bạn bày tỏ: “Mình rất xúc động khi vẽ đến phân cảnh cô bé bán diêm và bà bay lên trời. Mình thật sự thương xót cho số phận bất hạnh của cô bé ấy”.
Trong khi đó, Thúy Thanh (8P2) ấn tượng với cảnh cô bé bán diêm xuất hiện đầu tiên. Lúc ấy, cô bạn đã vận dụng hết khả năng sáng tạo cùng trí tưởng tượng để có thể hình dung và vẽ đầy đủ khung cảnh nhộn nhịp của đêm Giáng sinh.
Theo Thúy Thanh, trong quá trình thực hiện, có nhiều cảnh khó vẽ vì hình ảnh không thể diễn tả hết nội dung như khi dùng ngôn từ. Do đó, cô bạn đã phác họa và vẽ đi, vẽ lại khá nhiều lần mới hoàn thành.
Nhận được những tác phẩm của học trò, cô Hải Yến (GV Ngữ văn) vô cùng hài lòng. Cô biết học trò rất sáng tạo nhưng không nghĩ các bạn lại có khả năng vượt bậc và tích cực sáng tác như vậy.
Cô bày tỏ: “Trong văn bản “Cô bé bán diêm”, mỗi que diêm được quẹt lên là một mộng tưởng xuất hiện với cô bé. Đó là lò sưởi, là bàn ăn với ngỗng quay, là cây thông Noel và đặc biệt là hình ảnh xuất hiện của người bà.
Để học sinh nhớ được cốt truyện, nắm được các sự việc chính, tôi đã cho các con chuyển thể văn bản này dưới nhiều hình thức như: vẽ truyện tranh, viết thơ, đóng kịch… Học sinh rất hào hứng và thích thú. Các MCer có hai tuần để chuẩn bị.
Tôi rất bất ngờ trước sản phẩm của các con. Đặc biệt là với các bài viết chuyển thể sang truyện tranh. Sản phẩm của các con nhận được “cơn mưa” lời khen từ bạn bè trong lớp. Các con đã trở thành người đồng sáng tạo, tạo nên sức sống mới, diện mạo mới cho câu chuyện. Hoạt động này còn góp phần bồi dưỡng ở học sinh tình yêu đối với văn chương, với môn Ngữ văn”.