Việc ghi chép sáng tạo không chỉ giúp MCer thêm hứng thú học tập mà còn thể hiện tài hoa và trí tưởng tượng phong phú. Cùng khám phá những cuốn vở siêu “cute” và lắng nghe những chia sẻ để thấy sự sáng tạo vô biên của “cư dân” MC nhé!
Vở ghi chép Ngữ văn đầy mê hoặc
Phương Thanh (9P1), Mỹ Linh (8P2) và Mina Arai Trịnh (9P3) là chủ nhân của những cuốn vở Ngữ văn siêu hấp dẫn. Vốn thích vẽ, sáng tạo nên thay vì chỉ ghi chép kiến thức một cách khô khan, các bạn đã kỳ công minh họa bằng những hình vẽ hoặc ký hiệu đáng yêu. Chính những cuốn vở lôi cuốn này khiến các bạn hứng thú học tập hơn.
Ý tưởng làm mới việc ghi chép của Mỹ Linh bắt đầu từ sở thích vẽ. Cô bạn chia sẻ: “Mình đam mê hội họa từ lâu, hầu như bất cứ nơi đâu hay lúc nào cũng vẽ được. Thế nên khi ghi chép trên lớp, mình vô thức điểm thêm một vài chi tiết cho quyển vở thêm xinh xắn, từ đó dần hình thành thói quen vẽ minh hoạ cho bài học. Mình nhận thấy, mỗi tác phẩm văn học đều có linh hồn, vẻ đẹp riêng. Vì vậy, mình nảy ra ý tưởng ghi chép mang tính sáng tạo cho môn Ngữ văn”.
Trong khi đó, Mina thường dùng bút nhiều màu đánh dấu hoặc vẽ ký hiệu vui nhộn để “note” đoạn thơ cần phân tích. Tuy việc này tốn thời gian hơn nhưng giúp cô bạn nhớ kỹ những phần đã được ghi chép.
Trước kia, Phương Thanh trình bày vở khá lộn xộn. Trên lớp, cô bạn vội ghi chép vào vở rồi tự nhủ về nhà hệ thống lại. Tuy nhiên khi mở vở xem lại, cô bạn thấy vô cùng rối rắm, thậm chí không đọc được. Sau một thời gian như vậy, Phương Thanh quyết định thay đổi cách ghi chép. Lúc đầu, cô bạn dùng bút đỏ để gạch chân hoặc viết những đề mục quan trọng; về sau dán thêm các tờ giấy nhớ, sticker vui nhộn.
Nhiều bạn nhìn vở của Phương Thanh thấy trình bày tỉ mỉ, chi tiết nghĩ rằng mất nhiều thời gian nhưng thực ra, việc ghi bài sáng tạo này vẫn có thể diễn ra song song với việc nghe giảng.
“Mình rút ngắn thời gian ghi chép bằng cách dùng các từ, ký hiệu viết tắt một cách chọn lọc, hiệu quả; chứ không nhất thiết phải cắm cúi ghi hết những lời thầy cô giảng. Ghi chép sáng tạo theo cách của mình không chỉ khiến kiến thức được hệ thống một cách logic, khoa học mà còn giúp nhớ lâu, nhớ sâu.
Đến các kỳ kiểm tra quan trọng, yêu cầu vốn kiến thức rộng, mình càng nhận thấy sự tiện lợi và hữu ích của những trang vở được trình bày dễ nhìn, chi tiết và đầy đủ. Mỗi bức tranh, phần “note” bằng giấy nhớ, màu sắc khác biệt… làm mình nhanh chóng liên tưởng tới những ấn tượng sâu sắc về bài học trên lớp.
Ngoài ra, ghi chép sáng tạo còn là “bí kíp” giúp học thuộc nhanh mà lại “thấm lâu”. Tuy nhiên, mình cho rằng, không nên quá chú trọng vào trang trí vở mà cần cân bằng việc sáng tạo và tiến độ nghe giảng trên lớp”, Phương Thanh chia sẻ.
Minh họa độc đáo cho môn Sinh học
Sinh học là một trong những môn mà Mỹ Linh thích nhất. Tuy nhiên, cô bạn gặp không ít khó khăn trong việc ghi nhớ kiến thức. Để giúp cho việc học dễ dàng và thú vị hơn, Mỹ Linh đã vẽ các bộ phận cơ thể người vào vở rồi phân tích đặc điểm, chức năng của chúng.
“Đôi lúc, mình điểm thêm cho các cơ quan khuôn mặt ngộ nghĩnh, đáng yêu hoặc dựa trên những bộ phận đó để thiết kế nhân vật hoạt hình. Những ý tưởng đó là niềm vui, động lực cho mình cố gắng học tập hơn”, cô bạn cho biết.
Theo Mỹ Linh, việc ghi chép sáng tạo mang đến rất nhiều cảm xúc: niềm vui, niềm hạnh phúc, lôi cuốn... Khi ghi bài bằng những tranh vẽ, Mỹ Linh còn cảm thấy rất thoải mái bởi tự mình đã tạo ra niềm vui học tập cho bản thân. Cô bạn “bật mí” rằng, chỉ mất 5 - 6 phút để tô điểm cho vở ghi thêm độc đáo, sặc sỡ. Trước tiên là phác họa những bức tranh nhỏ trong giờ học, đến giờ ra chơi mới “tỉa tót” lại.
“Năm lớp 7, khi mình đang cắm cúi vẽ thì bỗng một bạn nói: “Cô ơi, bạn Mỹ Linh vẽ trong giờ ạ!”. Lúc ấy, mình giật thót tim: “Thôi xong, mình phải làm gì đây? Mình sẽ bị phê bình trước lớp mất!”. Nhưng trái với suy nghĩ của mình, cô bước tới bàn, nhìn xuống quyển vở và mỉm cười: “Con vẽ to to chứ! Nhớ đánh bóng hình vẽ thêm cho đẹp đấy!”. Đối với mình, câu chuyện đó mãi là kỷ niệm đáng yêu về việc ghi chép sáng tạo”, Mỹ Linh hồ hởi kể.
Cuốn sổ tay ấn tượng
Ngoài việc ghi chép các môn học một cách sáng tạo, không ít MCer còn trổ tài làm sổ tay hay nhật ký vô cùng độc đáo. Ngọc Lam và Lê Anh (9P3) là một ví dụ. Thay vì lựa chọn những cuốn sổ được trang trí sẵn, hai bạn thường mua loại sổ giấy trắng để có thể thỏa sức sáng tạo.
Ngọc Lam cho biết: “Cuốn sổ ghi kế hoạch của mình lấy cảm hứng từ các kênh nước ngoài chuyên về trang trí sổ và thiết kế vở cho học sinh. Mình bắt đầu thực hiện việc ghi chép sáng tạo được hai năm. Mỗi tháng, mình làm một chủ đề/tông màu và viết, vẽ trong vòng một tuần để lên kế hoạch cho 2 - 3 tháng. Mình thấy hạnh phúc và hào hứng mỗi khi được tự tay thiết kế những trang giấy đó. Việc ghi chép như vậy giúp mình vừa quản lý thời gian, kế hoạch hợp lý hơn vừa thư giãn, giải trí”.
Việc ghi chép sổ tay sáng tạo còn giúp Ngọc Lam kết thân với một cô bạn cùng sở thích. Cả hai thường cùng nhau trang trí sổ, cắt dán và trao đổi các loại giấy hoa văn, sticker hay mượn bút màu để viết. Nhờ vậy, tình bạn ngày càng bền chặt.
Lê Anh cũng hào hứng với việc ghi chép sáng tạo, nhất là khi cô chủ nhiệm xếp ngồi cạnh một bạn hay viết sổ cá nhân được trang trí cầu kỳ. Vì thấy bạn làm đẹp quá nên Lê Anh thích mê và dần học theo. Việc này giúp cô bạn thể hiện cảm xúc và thỏa mãn niềm đam mê vẽ. Đặc biệt, khi ghi chép sáng tạo, Lê Anh thích thú học tập hơn và có thêm động lực để hoàn thành các kế hoạch đề ra.
Cô Thu Hương (GVCN 9P1) và cô Hồng Nhung (GVCN 9P3) rất thích thú với những cuốn vở ghi chép của các học trò. Hai cô cho rằng, việc MCer biết cách tạo thêm hứng thú học tập rất đáng khen ngợi. Hơn nữa, chính các cô cũng cảm thấy như được tiếp thêm “lửa” khi xem những cuốn vở đáng yêu, “liêu xiêu” trái tim ấy.
“Tip” ghi chép hiệu quả Nếu bạn ghi chép quá lâu, hãy nghiên cứu các kỹ thuật tốc ký dưới đây! Bullet Journal: Đây là kỹ thuật ghi chép được tạo ra bởi nhà thiết kế Ryder Carroll. Ông đã dành 20 năm nghiên cứu, phát triển phương pháp này. Thực chất, Bullet Journal là sự kết hợp giữa “to-do-list”, các kế hoạch và nhật ký. Nó giúp bạn sắp xếp, tổ chức cuốn vở ghi một cách hiệu quả và dễ dàng tra cứu lại khi cần. Sketchnote: Nhà thiết kế Mike Rohde đã sáng tạo ra phương thức ghi chép bằng cách vẽ lại những hình ảnh minh họa ngay tại thời điểm diễn ra sự việc. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, khi vẽ thứ gì đó, bạn sẽ nhớ lâu hơn. Bởi bạn phải cân nhắc các đặc điểm vật lý, tưởng tượng trong đầu và dùng kỹ năng vận động để truyền đạt lại trên giấy. Cornell Notes: Phương pháp ghi chép này được phát minh vào những năm 1950 bởi giáo sư Walter Pauk thuộc ĐH Cornell. Bạn có thể áp dụng cách này trong công việc hàng ngày; ngay cả khi học trên lớp, tham gia các khóa học online, xem video trên mạng, đọc sách… Để ghi chép theo phương pháp Cornell, bạn chia tờ giấy thành hai cột. Cột bên trái ghi các ý chính hoặc các câu hỏi, từ khóa; cột bên phải ghi chép những chi tiết liên quan đến ý chính đó. Cuối trang giấy, bạn hãy dành khoảng 5 - 7 dòng để tóm tắt toàn bộ nội dung đã học. |