Một mùa xuân nữa lại tới, con biết ba ước mong điều gì ở con không? Không phải là trí thông minh trời cho vì nếu chăm chỉ, cần cù, con sẽ bù đắp được điều này. Không phải là đôi tay khéo léo, chu toàn vì theo thời gian và sự luyện rèn, con sẽ biết cách thôi. Ba mong con có một đôi tai biết lắng nghe và một trái tim chan chứa yêu thương, rộng mở. Một trái tim trong lành sẽ dẫn dắt con tới những điều tốt đẹp. Một trái tim đong đầy cảm thông sẽ giúp con làm thế giới quanh mình trở nên ấm áp hơn.
1. Một cuốn sách khác
- Ba ơi, sao người ta không sử dụng chữ nổi như một thứ ngôn ngữ?
Ba nhìn con, đôi mắt con xoe tròn với câu hỏi có phần ngây ngô. Ba muốn nói với con rằng: “Con trai ơi, chữ nổi không phải là một ngôn ngữ. Nó chỉ là một cách thức ghi lại ngôn ngữ”.
- Tại sao người ta không in thật nhiều sách bằng chữ nổi, hả ba? Để những lúc mỏi mắt, chúng ta có thể đọc sách bằng chữ nổi. Như vậy, con chỉ cần dùng tay thôi…
Một ngày cuối năm, ba mang về nhà cho con một cuốn sách trắng tinh với những tờ giấy được đục chữ nổi. Con chạm tay vào, hào hứng với cuốn sách mới nhưng chỉ trong phút chốc, con buông ra ngay. Chữ nổi quá khó đối với con, cũng như với ba.
Năm 1824, cậu sinh viên Louis Braille đã cho ra đời bảng chữ có thể đọc được mà không cần phải nhìn. Đó chính là chữ nổi. Chỉ với 6 chấm tròn được đục nổi trên mặt giấy, chữ Braille có thể biểu thị gần như mọi ngôn ngữ trên thế giới, ngay cả những thứ tiếng có chữ viết phức tạp nhất như: tiếng Trung, Nhật, Ả Rập, Do Thái… Tuy nhiên, so với chữ viết thông thường, việc nhớ và đọc chữ nổi vẫn quá khó.
Giờ chắc con đã hiểu nỗi vất vả của các bạn khiếm thị khi phải học và đọc loại chữ này. Dù không dùng đến mắt nhưng con phải sử dụng đôi tay, phải lần theo từng dòng chữ và chắc chắn, tốc độ đọc sẽ không thể nào bằng cách đọc thông thường được.
Thế là những ngày sau, hai ba con cùng học cách đọc sách bằng chữ nổi. Việc này tuy tốn thời gian và rất lâu tiến bộ nhưng hóa ra lại là một bài học hữu ích để dạy cho chúng ta về sự cảm thông với người khác, đặc biệt là những người kém may mắn hơn mình. Và trong cuộc sống này, chúng ta cần rất nhiều sự cảm thông, con ạ.
2. Từ nghe đến hiểu, từ hiểu đến thương
Khi học cùng con một thứ chữ lạ lẫm, ba chợt nhớ tới những ngày còn nhỏ. Vào lúc chớm xuân, ba được chứng kiến ông nội chăm chú mài nghiên mực để viết những chữ Nho lên giấy hồng điều. Ông bảo loại chữ tưởng chừng rắc rối, phức tạp ấy có nội hàm tinh tế và chứa đựng biết bao đạo lý nhân sinh trong từng câu chữ.
Mỗi mùa xuân về, ông lại dạy ba một vài chữ. Ông nói, chữ “Thính” nghĩa là lắng nghe, bao gồm bộ “Nhĩ” (tai), bộ “Vương” (vua), chữ “Thập” (mười), chữ “Mục” (mắt), chữ “Nhất” và chữ “Tâm”. Nếu ghép các bộ đó với nhau, chúng ta sẽ hiểu được hàm ý mà người xưa muốn gửi gắm: Khi lắng nghe một ai đó, chúng ta phải khiến người ấy cảm thấy bản thân quan trọng như một vị vua. Không chỉ sử dụng đôi tai, chúng ta phải dồn mọi ánh nhìn và sự chú ý vào họ. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Điều quan trọng nhất là phải dành trọn trái tim để cảm nhận những điều họ nói. Chỉ có như thế, chúng ta mới biết thấu hiểu; từ thấu hiểu mới biết cảm thông, thương xót, bao dung và mở rộng lòng mình.
Cứ vào đầu năm, ba lại giở ra xem những bài học cũ và bồi hồi tưởng nhớ ông. Hồi ấy, gia đình ta chỉ có căn nhà chật chội nhưng vẫn luôn đầy ắp niềm vui, tiếng cười. Những người họ hàng ở quê ra khám bệnh có thể ghé vào tá túc vài đêm, bạn bè của mẹ ở miền Nam ra chơi Hà Nội có thể nghỉ lại dăm bữa hay vào những ngày cuối tuần nóng bức, ba mẹ sẵn sàng bật máy lạnh cho các bác hàng xóm nghèo khó hơn sang ngồi tránh nóng vài tiếng buổi tối. Đúng thật là căn nhà tuy chật chội nhưng tấm lòng thì chưa bao giờ chật hẹp.
3. Chạm...
Một mùa xuân nữa lại tới, con biết ba ước mong điều gì ở con không? Không phải là trí thông minh trời cho vì nếu chăm chỉ, cần cù, con sẽ bù đắp được điều này. Không phải là đôi tay khéo léo, chu toàn vì theo thời gian và sự luyện rèn, con sẽ biết cách thôi. Ba mong con có một đôi tai biết lắng nghe và một trái tim chan chứa yêu thương, rộng mở. Một trái tim trong lành sẽ dẫn dắt con tới những điều tốt đẹp. Một trái tim đong đầy cảm thông sẽ giúp con làm thế giới quanh mình trở nên ấm áp hơn.
Ba bỗng nhớ đến ông biết bao. Ba cũng nhớ những bài học ông dạy ba từ ngày bé. Đó không chỉ là bài học về ngôn ngữ đơn thuần mà còn là cách sống ở đời. Cũng như những ngày cuối năm, ba con mình chạm tay theo từng chấm nổi của chữ Braille. Trước khi hiểu được ý nghĩa ẩn giấu sau mỗi con chữ, chúng ta đã học được một thông điệp giản dị mà thấm thía, phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để cảm thông và thương yêu họ nhiều hơn.
Ba nhìn con nhắm mắt, chạm tay vào từng chấm nổi và ba biết rằng, có một trái tim trong con đang mở rộng vô cùng…
HÀ UYÊN