Dù các con đã ra trường nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, các bậc cha mẹ vẫn luôn nhớ về khoảng thời gian tham gia lễ hội Bánh chưng ở trường. Bởi đó không chỉ là kỷ niệm ngọt ngào mà còn là những mảnh ghép cảm xúc không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Niềm tin gửi trọn MC
Vì sao cô, chú lựa chọn MC cho con theo học?
Cô Hồng Trang (mẹ của An Chi, CHS P1, 14 - 18): Với gia đình tôi, việc chọn trường cho con dựa trên hai tiêu chí rõ ràng: môi trường tốt và cơ sở vật chất tốt. MC mang đến cho chúng tôi cả hai điều này. Con chúng tôi được sống trong môi trường an toàn, sạch sẽ cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen tôi muốn nói đến là cơ sở vật chất, còn nghĩa bóng là đạo đức con người. Đến nay đối với con, MC vẫn là ngôi trường cấp 2 đẹp nhất và con luôn cảm thấy ấm áp khi nhớ về ngôi nhà này, nơi thầy cô như người cha, người mẹ.
Chú Đặng Dũng (bố của Hà Vi, CHS G, 14 - 17): Chúng tôi biết đến MC từ nhiều năm trước khi con vào học. Sau đó, không ít bạn bè, đồng nghiệp chia sẻ với tôi về môi trường học tập, giáo viên, điều kiện học tập và sinh hoạt ở MC. Trước lúc Hà Vi kết thúc bậc học THCS, chúng tôi trao đổi với con về MC và gợi ý con vào học THPT tại đây. Con hoàn toàn đồng ý. Thực tế, trong ba năm học tại MC, con rất hào hứng. Và con thứ hai của tôi cũng đang học cấp 2 tại MC.
Cô, chú nhận thấy các con có những thay đổi như thế nào khi theo học MC?
Cô Hồng Trang: Thật sự những năm tháng học trò của con tại MC làm chúng tôi rất hài lòng. Con có một tuổi thơ đẹp, biết bao dung nhân ái, biết nỗ lực học tập để giờ đây khi học ở trường THPT chuyên Ngữ, con luôn tự hào mình từng là học sinh MC. Tôi càng xúc động hơn khi con có bài văn về góc đẹp nhất trong trái tim. Con chọn viết về Marie Curie với niềm tự hào và trân trọng. Bài văn được cô cho điểm cao nhất lớp với lời nhận xét: “Cô thấy “ghen tị” vì con có một góc đẹp như thế trong trái tim”. Tôi hiểu rằng, những tình cảm tuyệt vời dành cho MC xuất phát từ sâu bên trong trái tim con.
Chú Đặng Dũng: Con gái tôi có nhiều thay đổi tích cực sau 3 năm học tại MC. Song sự thay đổi rõ rệt nhất khiến chúng tôi vui mừng là lối sống của con. Từ một đứa trẻ khép kín, ngại giao tiếp, con dần trở nên cởi mở, tự tin và chủ động hơn.
Lễ hội Bánh chưng luôn còn mãi trong tim
Cô, chú có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia lễ hội Bánh chưng của MC?
Cô Hồng Trang: Năm nào, tôi cũng tham gia lễ hội Bánh chưng với các con nhưng mỗi năm lại có cảm xúc riêng. Khi các con học lớp 6, chúng tôi phải hỗ trợ nhiều việc gói bánh. Năm đó, các con có cơ hội tìm hiểu quá trình làm một chiếc bánh chưng truyền thống như thế nào, gồm những nguyên liệu gì. Ngày ấy, tuy bánh còn méo mó nhưng lại chứa đựng biết bao sự cố gắng, sự hồi hộp mong chờ đến khi bánh chín để được tận tay cầm về biếu ông bà, cha mẹ của các con. Khi lớn hơn, các con chủ động trong mọi việc. Hình ảnh các con khuân củi, xách nước, xếp bánh vào nồi luộc trông vô cùng đáng yêu. Nhìn các con nối đuôi nhau như đàn kiến, hết lượt này đến lượt khác chăm chỉ đóng góp công sức, tôi nghĩ đến sức mạnh tập thể thật vĩ đại. Đó cũng là bài học đáng quý cho các con.
Trực tiếp tham gia lễ hội, tôi có dịp tiếp xúc và hiểu các con nhiều hơn. Tôi hiểu các con mong chờ ngày này đến nhường nào. Bởi các con sẽ được ngủ lại ở trường cùng bạn bè, được ngồi nấu bánh chưng trong cái giá rét mùa đông nhưng lại ấm lòng với củ khoai nướng, quả trứng luộc hay bắp ngô nướng thơm phức. Các con được gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và cảm nhận ý nghĩa ngày Tết cổ truyền sâu sắc hơn.
Chú Đặng Dũng: Trong 3 năm Hà Vi học ở trường, tôi đều tham gia lễ hội Bánh chưng. Tôi hướng dẫn các con cách gói bánh; từ việc gấp những chiếc lá, xếp vào khuôn sao cho phần vỏ bánh sau khi bóc có màu xanh từ lá và mặt ngoài chiếc bánh trước khi bóc cũng có màu đậm hơn. Rồi phải gấp làm sao để đường gân lá nằm cân xứng giữa các thành của chiếc bánh sau khi gói… Kế đến là đong nửa phần gạo cho vào khuôn, bẻ lấy nửa nắm đậu xanh dàn đều trên mặt gạo, xếp thịt rồi cho tiếp nửa nắm đậu xanh còn lại, đong thêm nửa phần gạo phủ kín nhân bánh, sau đó gấp lá sao cho chặt, kín, đẹp mắt. Cuối cùng là buộc lạt. Việc này tuy đơn giản nhưng đòi hỏi phải biết cách xoắn, khoá lạt đủ chặt để bánh không bị bung ra. Nhìn tôi khoá lạt, các con khá hứng thú, ngạc nhiên bởi thấy tôi không cần thắt nút mà vẫn giữ được các dây lạt cố định.
Năm con học lớp 12, đúng ngày tổ chức lễ hội Bánh chưng, tôi có lịch làm việc khá dày tại cơ quan. Tôi phải thương lượng với các đồng nghiệp về công việc để có thể kịp đến trường gói bánh với các con. Lễ hội ấy, chúng tôi dù vẫn vui vẻ, hào hứng nhưng gương mặt ai cũng thoáng chút buồn. Bởi đó là lần cuối cùng chúng tôi được tham gia lễ hội Bánh chưng.
Đang khoá lạt chiếc bánh cuối cùng, bỗng một cháu đứng sau tôi kêu lên: “Bác ơi, cứu con với!”. Tôi giật mình, vội quay lại thì thấy một cô bé bưng trên tay chiếc bánh bị gói hỏng. Tôi lập tức bảo: “Yên tâm, bác sẽ sửa giúp con!”. Tôi phải mất khá nhiều thời gian “thi công” lại, cuối cùng cũng có được một chiếc bánh hoàn chỉnh. Nhận lại chiếc bánh, cô bé rối rít cảm ơn, khiến tôi cũng vui lây. Đó là khoảnh khắc mà sau này nhớ lại, tôi không khỏi xúc động. Bởi trải nghiệm của cô bé hôm ấy chính là điều tôi từng trải qua hàng chục năm trước khi tôi tự tay gói chiếc bánh chưng đầu tiên và mẹ tôi cũng trở thành thợ sửa chữa bất đắc dĩ.
Dù các con đã ra trường nhưng mỗi dịp Tết đến, gia đình vẫn nhắc tới lễ hội Bánh chưng ở MC chứ ạ?
Chú Đặng Dũng: Vào mỗi dịp cuối năm Âm lịch, gia đình tôi thường ngồi lại lâu hơn sau bữa cơm tối. Mọi người nhắc lại đủ chuyện; từ thuở các con còn đỏ hỏn, đi nhà trẻ rồi mẫu giáo… cho đến chuyện năm kia, năm ngoái… Và lần nào cũng thế, chuyện lễ hội Bánh chưng của MC luôn là chủ đề “hot”. Ai cũng hào hứng, thích thú và không khỏi xúc động với những kỷ niệm đã trải qua ở lễ hội Bánh chưng.
Lễ hội Bánh chưng có ý nghĩa như thế nào với các con và bản thân cô, chú?
Cô Hồng Trang: Với các bậc cha mẹ, lễ hội Bánh chưng là dịp ngồi lại hàn huyên, tâm sự chuyện nuôi dạy con cái, hỗ trợ nhau việc định hướng học hành, cũng như có thời gian tìm hiểu bạn bè của con. Tôi từng được nghe một cháu tâm sự rằng, cháu rất mong đến Tết để mọi người được ở nhà, được ngủ với mẹ vì bình thường mẹ đi công tác nhiều quá. Một ao ước rất chính đáng của con cái khiến những người làm cha, làm mẹ thời hiện đại phải suy nghĩ. Cảm ơn nhà trường đã mang đến cơ hội cho các con được nhớ về ngày lễ cổ truyền, nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ! Và chúng tôi dù thường ngày bận bịu với cơm áo, gạo tiền cũng có dịp tĩnh lại một chút để dành thêm tình cảm cho các con.
Chú Đặng Dũng: Lễ hội Bánh chưng giúp các con được trải nghiệm, vui vẻ cùng nhau. Không chỉ thực hiện những công đoạn làm nên chiếc bánh chưng, các con còn được thể hiện tài năng văn nghệ, thể thao, nhiếp ảnh… Đây cũng là dịp các con tăng thêm sự gắn kết trong lớp, giữa các lớp trong trường và học kỹ năng làm việc nhóm. Tôi thật sự vui khi các con có thể tự tay gói chiếc bánh chưng của riêng mình sau khi tôi hướng dẫn. Lúc các con cầm chiếc bánh tự gói với vẻ mặt mãn nguyện, tôi mường tượng đến khoảnh khắc sáng hôm sau các con mang về khoe gia đình. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc không dễ gì có được. Cảm ơn MC nhiều lắm!
Nhân dịp năm mới, cô, chú muốn nhắn nhủ điều gì tới nhà trường ạ?
Cô Hồng Trang: Năm mới đến, tôi chân thành gửi lời cảm ơn tới toàn thể thầy cô nhà trường và lời chúc sức khỏe tới thầy Nguyễn Xuân Khang. Kính chúc thầy thật nhiều sức khỏe để đưa con thuyền MC đi xa hơn nữa! Kính chúc các thầy cô bình an và hạnh phúc để toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp trồng người! Chúc trường MC luôn giữ được truyền thống ươm mầm tài năng cho đất nước!
Chú Đặng Dũng: Nhân dịp năm mới, xin kính chúc các thầy cô, cán bộ nhân viên nhà trường dồi dào sức khỏe, hạnh phúc! Chúc MC luôn là điểm đến yêu thích của học sinh và các bậc cha mẹ!