Nhớ lễ hội Bánh chưng từ nơi cách nửa vòng Trái đất

Nhắc đến Marie Curie, học trò đều yêu thích các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là lễ hội Bánh chưng. Bởi ở đó, các bạn được tự tay làm nên những món quà Tết ý nghĩa cho gia đình và lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ bên bạn bè, thầy cô.

Mình hiện du học tại Carleton, Canada. Ở phương xa, mình luôn nhớ về Marie Curie, nhất là lễ hội Bánh chưng. Bốn mùa Bánh chưng của mình tại đây đều có những kỷ niệm, điều đặc biệt riêng. Nhưng lễ hội năm cuối cấp đáng nhớ nhất bởi đó là lần cuối mình được gói bánh chưng ở MC, bên bạn bè và thầy cô! Có lẽ mỗi khi nhắc đến những gì “cuối”, chúng ta lại trải qua bao cảm xúc bộn bề, lưu luyến và không muốn rời xa.

Mình nhớ buổi sáng hôm đó, từng tiết học lần lượt trôi qua kèm theo sự háo hức, chờ mong đến lúc gói bánh. Sau giờ ngủ trưa, các lớp nhận nguyên liệu để bắt tay vào gói. Cả lớp mình xúm lại xung quanh những chiếc bàn, người đứng, người ngồi, người cầm thau gạo, người cầm thau thịt, người cầm thau đỗ. Ai cũng bận rộn và tấp nập. Cảnh tượng lúc đó trông khá “hỗn loạn” nhưng lại rôm rả và ấm áp vô cùng vì mọi người biết giúp đỡ nhau để hoàn thành công việc.

Bạn nào cũng mong chờ đến khâu gói bánh. Chúng mình đã áp dụng những kiến thức được ôn đi, ôn lại trước mỗi mùa Bánh chưng như: cắt lá sao cho đúng, gói sao cho chắc và tỉ lệ nguyên liệu sao cho chuẩn… để có được những chiếc bánh ngon. Dù chỉ có mấy bước tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Mình nhớ, đầu tiên là lót lá vào khuôn. Sau đó là cho vào một cốc gạo rồi dàn đều, tiếp đến đặt nửa nắm đỗ, 2 miếng thịt ba chỉ nằm ở giữa và cuối cùng lặp lại lớp đỗ, gạo. Cuối cùng là lồng mảnh vải thêu tên mình vào lạt rồi buộc chặt để bánh thành khuôn đẹp và chắc chắn, khi nấu không bị bục ra. Bước này vô cùng quan trọng bởi nếu không cẩn thận, “thịt sẽ đi đường thịt, gạo đi đường gạo” và lúc vớt bánh ra có khi chỉ còn mỗi lớp vỏ.

Chúng mình không chỉ cần gói đẹp mà còn cần làm nhanh để kịp nấu bánh chín cho hôm sau, mỗi người mang về làm quà Tết biếu ông bà, cha mẹ. Quả thực, chiếc bánh với nguồn nguyên liệu đảm bảo, lại do tự tay thực hiện nên chứa chan biết bao tình cảm của mỗi MCer.

Điều không thể không kể về lễ hội Bánh chưng chính là “đặc sản” kéo co. Thay đồ thể thao xong, chúng mình xuống sân cỏ tập trung. Sân to mà kín đặc học sinh các khối, lớp chờ đến lượt thi đấu và các thầy cô, các phụ huynh đứng cổ vũ nên nhìn như bé lại. Theo dõi các lớp khác kéo co mà tim mình cũng đập thình thịch. Đến lượt đấu, cả lớp mình hò hét và kéo hết sức. Thầy cô, bố mẹ đứng bên cạnh hô hào: “Kéo đi, các con ơi! Cố lên, các con ơi!”. Mình nhớ, trong mùa Bánh chưng cuối, lớp mình đã “ẵm” về giải Nhất. Giây phút được xướng tên lên sân khấu nhận thưởng mới sung sướng, hãnh diện làm sao! Không những thế, hình ảnh ấy còn được đăng lên Nội san trường. Đến giờ, mình vẫn gìn giữ cẩn thận những cuốn MCer Link. Thi thoảng mình mang ra xem, bao ký ức, kỷ niệm lại ùa về.

Kết thúc kéo co, chúng mình đi nạp năng lượng. Có nhóm vào canteen - “thiên đường ẩm thực của MC” để thưởng thức. Có nhóm quây quần bên bếp lửa, nướng ngô, khoai, sắn. Chúng mình cũng không quên “selfie” để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Chúng mình có lúc kéo nhau đi xem các tiết mục văn nghệ đặc sắc đón năm mới; có lúc chạy tới khu vực bếp, tụm năm, tụm bảy “buôn dưa lê, bán dưa chuột”. Bếp lửa nghi ngút khói, khiến mắt ai cũng cay xè, người ám mùi như “thịt hun khói” nhưng trên môi ai cũng nở nụ cười. Mình nhớ cả lớp còn mải mê tranh luận về câu tục ngữ “Không có lửa làm sao có khói” đến mức quên luôn đang nướng ngô, khoai; làm chúng bị cháy đen xì.

Thời gian trôi qua thật nhanh! Buổi sáng còn học bài; chiều gói bánh, thi kéo co mà chưa gì đã đến tối muộn. Nồi bánh chưng vẫn bốc khói nhưng đến lúc lớp phải về đi ngủ. Tuy nhiên, mấy khi cả lớp được ở lại trường qua đêm nên không thể thiếu khoản ăn đêm, xem phim ma, nghe nhạc xong mới chịu lên giường. Vẫn như mỗi buổi trưa, lớp mình kê bàn, ghế rồi xếp đệm, chăn, gối ra để ngủ. Nhưng đêm ấy khó ngủ lắm bởi là mùa Bánh chưng cuối nên cả lớp cứ rì rầm, thầm thì tới khuya lắc, khuya lơ mới chợp mắt.

Sáng hôm sau mở mắt ra thì trời đã sáng từ bao giờ, không chuông báo thức, chỉ có tiếng cô giáo gọi: “Dậy thôi, các con ơi!”. Nhưng chúng mình mắt nhắm, mắt mở tầm 30 phút sau mới có thể vệ sinh cá nhân, thay đồ rồi đi nhận bánh chưng. Trước lúc lên xe buýt về nhà, cả lớp lại tranh thủ ngồi nói chuyện, chụp thêm ảnh để lưu làm kỷ niệm sau này.

Khi ánh nắng của một trưa mùa đông chiếu qua cửa sổ lớp, tiếng trống báo hiệu tan học vang lên, chúng mình “tay xách, nách mang”, chào tạm biệt cô rồi vọt ra khỏi cửa cho kịp chuyến xe về nhà đón Tết.

Sân trường dần vắng người, từng chuyến xe buýt chở học sinh rời đi. Trong trường chỉ còn vài người: là những thầy cô ở lại kiểm tra phòng học; là những bác lao công cần mẫn dọn dẹp; là những cô, chú nhà bếp chăm lo cho từng bữa ăn của MCer; là những bác bảo vệ không kể ngày, đêm trông trường. Vậy mới nói, Marie Curie là nhà vì ở đây, ai cũng tận tụy và cố gắng chăm lo cho học sinh từng li, từng tí.

Lễ hội Bánh chưng luôn là một trong những sự kiện đặc biệt nhất trong năm; là ngày mà MCer ở các khối, lớp mong chờ nhất vì được quây quần bên nhau, dành thêm thời gian để “túm năm, tụm ba”; là cảm giác được gói bánh chưng rồi ngồi canh nồi bánh trên bếp lửa. Tại đó, chúng mình không chỉ được học cách trân trọng, duy trì những truyền thống dân tộc mà còn được trải nghiệm, lưu giữ những khoảnh khắc ấy trong hành trình của thanh xuân.

THÙY ANH (CHS I4, 14 - 18)

 

Mình rất cảm ơn nhà trường đã tổ chức lễ hội Bánh chưng. Nhờ đó, chúng mình đã có ngày Tết cổ truyền vui vẻ, đầm ấm dưới mái trường Marie Curie thân yêu với bạn bè, thầy cô. Qua đó, chúng mình hiểu rõ những phong tục, tập quán của ông cha xưa. Ngoài ra, mình còn hiểu được giá trị thực sự của những ngày Tết Âm lịch. Mình luôn mong Tết cổ truyền đến thật nhanh để được sum vầy cùng người thân và tham gia vui hội Bánh chưng ở MC.

MAI HƯƠNG (CHS M1, 17 - 21)

Lễ hội Bánh chưng là nơi MCer tụ họp, không quản khói bay cay mắt, không quản gió lạnh buốt tay, háo hức ngồi trông nồi bánh cùng thầy cô, bạn bè. Là nơi tình bạn, tình yêu thương được lan tỏa. Là nơi những chiếc bánh được vớt ra trong tiếng hò reo của “cư dân” MC. Là nơi các MCer hiểu được ý nghĩa thực sự của Tết cổ truyền. Là nơi mà thầy trò không còn khoảng cách.

Tôi nhớ khoảnh khắc cả lớp P3 ngồi quanh nồi bánh chưng, khói làm cay xè mắt, mặt đỏ bừng mà vẫn cười nói vui vẻ. Tôi nhớ đêm Bánh chưng đầu tiên của mình ở trường, cả lớp gắn kết với nhau hơn. Tối đó, chúng tôi xem phim ma, sợ đến mức nằm ngủ sát sàn sạt nhau… Những giây phút bên nồi bánh với thầy cô, với lớp mãi là kỷ niệm đẹp trong tôi.

KHÁNH LINH (CHS P3, 15 - 19)

Ở MC, mình thích tất cả lễ hội nhưng yêu nhất là mùa Bánh chưng. Mình nhớ lễ hội bắt đầu khi chúng mình chuẩn bị xoong và các nguyên liệu để gói bánh. Dù đã có khuôn sẵn nhưng công đoạn gói thật không dễ chút nào. Không ít bạn quên lót lá dong đủ 4 góc hay quên cho nhân thịt, đỗ… Sau nhiều mùa Bánh chưng, mình đã biết cách gói một chiếc bánh hoàn chỉnh. Sau đó, cả lớp túc trực bên nồi bánh nghi ngút khói. Trong lúc chờ đợi, chúng mình tụm năm, tụm bảy trò chuyện rồi nướng ngô, xúc xích, thịt xiên. Buổi tối, cả lớp ăn đêm ở canteen rồi xem các tiết mục văn nghệ. Sáng hôm sau, cô phát cho các thành viên những chiếc bánh chưng thơm ngon để mang về nhà. Mình thực sự rất vui khi được tham gia hoạt động ý nghĩa này.

NHẬT MINH (CHS P1, 17 - 21) 

21

Tháng 11/2024

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:17 Viết bởi TRUONG MARIE
Hòa chung không khí hân hoan của cả nước hướng tới kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tại hệ thống giáo dục Marie Curie, Hội diễn văn nghệ lần thứ 32 diễn ra sôi nổi với gần 240 tiết mục từ các lớp mầm non đến THPT. Chương trình này cũng là cơ hội để các MCer, thầy cô và bố mẹ được toả sáng trên sân khấu lung linh.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:10 Viết bởi TRUONG MARIE
Sáng 20/11, tại nhà hát Thăng Long - cơ sở Việt Hưng đã diễn ra chương trình tranh giải Đặc biệt và vinh danh các tập thể xuất sắc nhất Hội diễn văn nghệ lần thứ 32.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 15:26 Viết bởi TRUONG MARIE
Mang trong mình nhiệt huyết và đạo đức của nghề giáo, trong suốt 30 năm làm nghề, thầy Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch Hệ thống giáo dục Marie Cuire Hà Nội đã là người gieo mầm xanh của sự tử tế vào tâm hồn của biết bao thế hệ học sinh.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 09:07 Viết bởi TRUONG MARIE
Những thước phim quay chậm trên sân khấu MC đã mang tới cho người xem cảm nhận sâu sắc hơn về ý niệm thời gian. Thông qua 26 tiết mục ý nghĩa, các MCer khối 8, 9 - Mỹ Đình đã lan tỏa thông điệp “Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc có thể làm hôm nay!”.
Xem thêm

19

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

Thứ ba, 19 Tháng 11 2024 14:59 Viết bởi TRUONG MARIE
Tối 16/11, Chung khảo khối THPT - Văn Phú đã đưa mọi người trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ háo hức, chờ đợi, lắng đọng khi từng lời ca, giai điệu được vang lên cho đến bồi hồi, suy ngẫm về hai chữ “Thời gian”.
Xem thêm