Tham gia chiến dịch “Go Green 2022” do trường Marie Curie phối hợp với công ty An Sinh và GreenHub tổ chức vào sáng 14/7, nhiều MCer đã tích cực thu gom chai nhựa từ nhà cô, dì, chú, bác; có bạn còn thu lượm ở các quán ăn, sân bóng đá…
Khi cô giáo thông báo sắp diễn ra chương trình đổi chai nhựa lấy voucher quà tặng, Minh Châu (5A) rất hào hứng, liền nghĩ ngay tới cách thu gom vỏ chai.
“Mình lấy một số chai đã hết nước ở trong xe ô tô của mẹ. Số còn lại, mình xin họ hàng và hàng xóm. Mình thu gom được khoảng 40 chai.
Lúc mình nói về chương trình ý nghĩa này, mọi người trong gia đình rất ủng hộ. Bà ngoại còn khuyến khích mình tích cực tham gia để vừa bảo vệ môi trường vừa có cơ hội nhận nhiều voucher mua cặp sách tặng anh em họ”, cô bạn nói.
Minh Châu cũng thường tái chế chai nhựa thành những sản phẩm đáng yêu như: bình hoa, máy bay...
Với 80 vỏ chai, Hải Phong (6A) đổi được 4 voucher. Để có số chai nhựa này, cậu đã nhờ bố xin ở quán ăn. “Chương trình rất hữu ích, giúp chúng mình có thêm ý thức bảo vệ môi trường để có cuộc sống tốt đẹp hơn”, cậu chia sẻ.
Cầm chiếc túi có gần 30 chai nhựa, Mỹ Tiên (3A) kiên trì xếp hàng chờ tới lượt đổi lấy quà tặng. Cô nàng “bật mí”, sau khi chia sẻ thông tin về chương trình với gia đình, bố đã chịu khó đến sân bóng lượm nhặt vỏ chai cho con gái. Mỹ Tiên rất vui và đã cảm ơn bố thật nhiều.
Cô bạn hí hửng nói: “Bình thường, mình ít khi sử dụng chai nhựa. Sau hôm nay, mình sẽ nhắc người thân, bạn bè hạn chế dùng loại chai này để bảo vệ môi trường của chúng ta”.
Mới có thời gian ngắn trở thành học sinh Marie Curie nhưng các MCer lớp 1 đã rất thích việc hằng ngày đến trường, tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Cô Lan Anh (GVCN 1M2) chia sẻ: “Khi tôi thông báo chương trình thu gom chai nhựa, không chỉ học sinh mà các bố mẹ rất ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Hôm nay, có bạn dù bị ốm không thể đi học nhưng mẹ đã gửi xe buýt MC số chai nhựa tập hợp được để đem đến trường, nhờ tôi đổi lấy quà tặng.
Tôi mong rằng, hoạt động này sẽ được thực hiện thường xuyên tại MC hoặc tạo “Trạm thu chai nhựa” trong khuôn viên trường để mọi người hình thành thói quen bảo vệ thiên nhiên, cũng chính là bảo vệ cuộc sống của muôn loài”.
Chú Trọng Huy (công ty An Sinh) cho hay: “Được biết trong những năm qua, trường Marie Curie có rất nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi chúng tôi đưa ra chương trình này, nhà trường đã đồng ý hợp tác.
Dù đang trong thời gian hè nhưng chương trình đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của học sinh, cán bộ, giáo viên và phụ huynh của trường. Điều này khiến chúng tôi có thêm những kỳ vọng về tinh thần bảo vệ môi trường của thế hệ trẻ”.
Cũng theo chú Trọng Huy, mỗi năm tại Việt Nam, có khoảng 1.8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0.28 triệu tấn đến 0.73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển nhưng chỉ 27% được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% được tái chế.
Những con số đó cho thấy, nếu chúng ta thu gom và tái chế rác thải nhựa thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên cho đất nước, đồng thời giúp các bãi rác nổi trên đại dương không trở nên trầm trọng hơn.
Hiện nay, công nghệ tái chế rác thải nhựa đang phát triển mạnh mẽ. Ví dụ như các nhà máy có thể “hô biến” những chai nhựa thành chiếc cặp xinh xắn. Những vỏ chai này cần tới 400 năm có thể phân huỷ hoàn toàn trong môi trường tự nhiên nhưng chỉ trong 1 ca làm việc, một nhà máy có thể biến hàng trăm triệu vỏ chai thành vải để may các sản phẩm phục vụ đời sống.