Đời sống công nghệ đang dần kết nối mọi người với nhau. Nếu trước đây FB chỉ dành cho những người trẻ thì đối tượng sử dụng của trang mạng xã hội toàn cầu này đang dần được mở rộng. Không ít thầy cô trở thành thành viên "tích cực" trên FB.
Tiếp cận tâm tư học trò qua FB
FB là một trang cá nhân, trên đó mọi người có quyền thể hiện những tâm tư tình cảm và suy nghĩ của mình. Trên FB, chuyện học hành, trường lớp và những điều có liên quan đến cuộc sống hằng ngày dường như là chủ đề vô tận để các teen nhà ta bàn luận. Nếu thầy cô sở hữu một tài khoản FB thì đây rõ ràng là một kênh hiệu quả để thầy cô tiếp cận học trò của mình. Anh bạn Tuấn Nam (trường Nguyễn Thị Minh Khai) vẫn còn nhớ như in kỷ niệm của mình và thầy dạy Toán trên FB.
Tuấn Nam kể: "Đi học về, mình mở bài tập Toán ra mà không biết phải làm như thế nào, vì bài giảng của thầy hôm đó thật khó hiểu, mà mình lại ngại hỏi trực tiếp thầy. Đành mở máy tính ra để lên mạng tìm cách giả quyết. Trước khi nhờ Google, mình mở FB xem có đứa bạn nào online không để nhờ sự giúp đỡ. FB lúc đó có mấy cái thông báo add friend, mình confirm một lượt mà không hề xem qua hồ sơ của họ. Sau đó đăng lên dòng status: "Chán quá, tiết Toán hôm nay thầy giảng không hiểu gì hết". Vài giờ sau, có một bình luận của người bạn mới: "Không biết sao không hỏi lại thầy?". Mình tá hỏa và xem lại thì biết đó là thầy dạy Toán".
Cũng sau vụ đó, Nam cho biết thêm rằng, thầy đã chủ động gặp Nam để hỏi những thắc mắc của bạn trong bài học hôm đó và giảng kỹ hơn để Nam có thể theo kịp bài vở.
Teen có thể tỏ thái độ trực tiếp của mình đối với nội dung, hình ảnh được đăng tải qua nút like, phản hồi trực tiếp qua comment, còn nếu không muốn nhiều người biết có thể phản hồi kín đáo qua việc "inbox" cho thầy cô. Chính vì vậy mà khi thầy cô có FB, các bạn có thể trực tiếp bày tỏ những suy nghĩ của mình về trường lớp để thầy cô nắm bắt được những suy nghĩ đó mà có những kiến nghị với nhà trường hoặc có những giải pháp của mình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Thầy Trần Minh Tây (trường Hồng Đức) cho biết: "Việc thầy cô sử dụng FB sẽ giúp mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh tốt hơn. Học sinh có thể trao đổi bài trực tiếp trên FB cùng thầy cô hoặc thậm chí là tâm sự những chuyện riêng tư của các em. Qua FB, các em có thể tâm sự về chuyện tình cảm riêng tư hoặc chuyện gia đình mà không biết phải nói với ai. Đặc biệt là đối với những em còn nhút nhát thì FB là một phương tiện rất hiệu quả để các em chia sẻ với tôi. Nhờ FB mà có cả những em không phải là học sinh của tôi cũng nhắn tin hỏi về những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thi cử".
Có nên "ngại ngùng"?
FB không chỉ là một kênh để thầy cô tiếp nhận những phản hồi của học trò, mà còn tương tác trở lại. Ngoài việc trả lời những phản ánh của các bạn, thầy cô còn đăng tải những hình ảnh về các hoạt động của trường lớp. Qua đó, các bạn có thể thoải mái bình luận, từ đó vực dậy tinh thần tham gia vào các phong trào của nhà trường. Bên cạnh đó, nhờ những bình luận vui nhộn trên FB mà khoảng cách thầy trò được rút ngắn, thầy cô ngày càng gần gũi với học trò hơn.
Thế nhưng, cũng có một số thầy cô đặt ra nguyên tắc "chơi" FB của mình: "Tuyệt đối không nói chuyện học hành trên FB". Với nguyên tắc này, FB đơn thuần là nơi để thầy cô thư giãn, giải tỏa stress nên các teen cũng khó có thể hỏi về chuyện học hành. Nhiều người lo ngại rằng, với tiêu chí FB chỉ để thầy cô "chém gió" thì liệu rằng có xảy ra hiện tượng "bằng vai phải lứa" giữa thầy và trò nếu không tồn tại khoảng cách thầy trò trên mạng xã hội nữa.
Đồng thời có một số bạn lại ngại hơn khi nghĩ rằng, mình có thể buộc miệng mà nói một số điều không hay, vô tình bị thầy cô phát hiện thì "chỉ có nước chết". Chính vì vậy mà các bạn còn ngại ngùng và đắn đo rất nhiều trước lời mời kết bạn cùng thầy cô trên FB.
Theo Tiin