Những năm tháng theo học MC không chỉ mang tới cho MCer kiến thức mà còn nhiều mối quan hệ bạn bè thân thiết. Có những tình bạn còn lãng mạn hơn cả tình yêu. Có những “mối tình” vượt qua rào cản không gian, thời gian để rồi dù đã ra trường hơn chục năm, tình bạn ấy vẫn được khắc cốt ghi tâm.
Mình có những mối quan hệ bạn bè rất lãng mạn. Năm lớp 10 vào học ở trường Marie Curie, mình làm quen với chị Tống Liên Anh (CHS G1, 01 - 04) học lớp 12, sau khi chị tham gia chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”. Chị học sáng, mình học chiều. Chúng mình dù chưa gặp mặt nhưng đã viết cho nhau rất nhiều lá thư tay.
Chị Bùi Hồng
Ngày đó, trường nằm trên phố Trần Quốc Toản. Gần canteen có cái tủ nhỏ đựng thư của học sinh. Mỗi ngày trước khi vào lớp, mình đều ngó xem tủ thư. Khi nhận được thư của chị, mình lâng lâng cả buổi. Tập thư ấy đến giờ vẫn được cất trong hộp kỷ niệm của mình. Hai chị em viết nhiều lắm, tâm sự về cuộc sống, kể cả những lo lắng, khó khăn và động viên nhau học hành. Chị chưa biết mặt mình, còn mình thấy chị một lần trên tivi rồi nhớ mãi. Những ngày gần cuối năm học, chị gửi mình cuốn lưu bút. Thế là mình viết kín 13 trang giấy, đính kèm tấm ảnh duy nhất của mình để khi nào gặp thì chị biết mình là ai.
Ngày tổng kết năm học, mình mới gặp chị một lần chính thức. Mình khóc như mưa. Sau đó, chúng mình giữ liên lạc qua điện thoại bàn, Yahoo và Blog 360. Chị vào trường đại học mơ ước; mình ở lại và vẫn luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chị, kể cả việc “hâm dở” là đi casting “Nhật ký Vàng Anh” ngày ấy.
Những năm đại học, chị vẫn viết nhiều lá thư cho mình. Chị động viên mình học hành, cố gắng trong cuộc sống hay đơn giản là tâm sự chuyện tình yêu. Sau này, mình trưởng thành, làm việc xa nhà, miệt mài với những chuyến bay tới vùng đất mới thì chị vẫn luôn động viên. Chị bảo: “Làm đôi cánh chim bay không mỏi, khi nào thấy cô đơn thì hãy về nhà!”. Khi mình trở về, hai chị em mới được ở bên nhau nhiều hơn. Chúng mình được đồng hành trong nhiều hoạt động ấp ủ từ trước. Chúng mình cùng trải qua những buổi tối mùa đông đi tặng cơm, áo ấm cho người lang thang trên đường phố Hà Nội; quyên góp sách, đồ dùng học tập tặng trẻ em vùng cao...
Chị Bùi Hồng và chị Tống Liên Anh trong hoạt động tình nguyện vùng cao
Với mình, những năm tháng học tại MC đầy ắp kỷ niệm thân thương. Mình không chỉ có tình bạn với chị Liên Anh mà còn nhận được nhiều sự yêu mến của thầy cô, bạn bè. Tất cả điều ấy trở thành hành trang, giúp mình trưởng thành, vững vàng hơn. Bởi vậy, mình mãi trân trọng tình bạn đẹp ở ngôi trường đầy nhân văn này. Mãi yêu Marie Curie và tự hào là một MCer!
BÙI HỒNG
(CHS I1, 03 - 06)
BBT: Nhắc tới tình bạn đẹp ở MC, chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Lớp trưởng lớp M, 92 - 94) không thể quên những ký ức ngọt ngào về hai người bạn thân thiết: Phạm Viết Phương Hảo và Trần Tuấn Anh. Chị Phương Hảo hiện là nhà văn tự do tại Ý. Anh Tuấn Anh đang là đội phó đội 3, Trung tâm bảo dưỡng ngoại trường Hà Nội, thuộc hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines.
8M - 9M Marie Curie hồi ấy…
Sau 2 tuần học ở Marie Curie, tôi bắt đầu thấy vô cùng thú vị, cảm giác như đây mới chính là cuộc sống học sinh mà mình mong ước. Mỗi ngày đến trường là một niềm vui, thật khó diễn tả bằng lời. Việc học bán trú làm cho những ngày ở MC càng trở nên hấp dẫn. Điều khiến tôi vui và nhớ nhất là khoảng thời gian ăn trưa, ngủ trưa rồi học tiếng Anh hoặc tự học. Giờ ngủ, tụi con gái đang ở tuổi dậy thì có rất nhiều chuyện hay ho để nghe ngóng và bình luận.
Chị Quỳnh Trang
Ban đầu, tôi thấy hội con gái lớp M đều gầy guộc, lẳng nhẳng, ăn mặc giản dị và có vẻ ngoan… như mình. Bỗng một hôm, tôi phát hiện nó rất xinh và “dậy thì” trước chúng tôi thì phải. Người nó có da, có thịt, trắng hồng. Tóc dài, dày; gương mặt tươi vui, vô lo, vô nghĩ. Mỗi khi nó cười, đôi mắt to cũng cười theo, rất đáng yêu và thu hút. Nó ăn mặc cũng đẹp hơn tụi con gái trong lớp. Tôi cứ tưởng mỗi tôi thấy nó xinh. Nhưng rồi tôi nhận ra, hình như cả trường biết điều đó trước mình. Bằng chứng là tụi con trai lớp tôi và lớp khác có vẻ thích trêu nó. Không những thế, nhiều đứa con gái cũng hâm mộ và muốn làm thân với nó.
Chị Phương Hảo
Lý do khiến tôi khâm phục nó tự sâu đáy lòng là sự thoải mái mỗi khi thể hiện thái độ, quan điểm cá nhân. Nó xinh đẹp, dịu dàng nhưng cũng sẵn sàng tranh luận với đứa con trai làm nó khó chịu. Nó cũng không ngại đứng lên để “đòi công lý” với những đứa con trai. Nó cười và khóc rất tự nhiên, chẳng hề gượng ép. Tóm lại, nó rất sinh động và dễ thương. Nếu là con trai, chắc chắn tôi cũng theo đuổi nó.
Lên lớp 9, tôi nhận thấy, ưu điểm lớn của nó là khả năng quan sát nhanh và khiếu hài hước. Tuần nào, nó cũng nghĩ ra cái tên giật gân cho ai/sự kiện nào đó, làm hội trong phòng phải chú ý…
Giờ đây, gần 28 năm trôi qua nhưng tình bạn của chúng tôi vẫn vẹn nguyên. Chúng tôi chưa bao giờ gián đoạn liên lạc. Nó hiện là một nhà văn tự do ở Ý, là công dân toàn cầu. Nó vẫn xinh đẹp, mặn mà và hài hước. Tôi thực sự cảm thấy may mắn khi được làm bạn với nó. Nhờ có nó mà cuộc sống của tôi trở nên muôn màu, muôn vẻ hơn.
8M - 9M Marie Curie hồi ấy…
Gã vào lớp 8M cùng nhóm bạn cũ từ trường Tây Sơn chuyển sang, gồm: Bá Điệp và hai nhân vật nữ “quyền lực” là Phương Hảo, Thanh Hương. Thoạt nhìn, ai cũng tưởng là dân “chín chắn” vì đội hình trông rất hoành tráng. Còn nhớ, mới đi học 2, 3 hôm thì Điệp lăn ra ốm và được mẹ xin cho nghỉ ở nhà. Trường lớp, bạn bè khi ấy đều mới nên cô Ngân Hoa sốt sắng lắm, rủ lớp tới thăm Điệp. Gã, với tư cách là bạn thân, lại ở gần nhà Điệp nên được giao nhiệm vụ dẫn đường cho cô giáo và ban cán bộ lớp. Ông Điệp - người ốm lúc ấy sang chơi bên hàng xóm mãi không về nhà để bạn bè hỏi thăm nên gã phải chạy tìm loạn lên. Sau đó, hai ông “xách” nhau về rồi cùng gãi đầu, gãi tai như có chấy; làm cô Ngân Hoa và tụi tôi không nhịn được cười.
Cô Ngân Hoa, chị Quỳnh Trang và chị Phương Hảo
Nói chung, gã không nổi trội lắm trong đám con trai lớp 8M vì thông minh, chăm chỉ phải nói đến mấy “đại bàng” như: Việt Anh, Nhật Quang, bộ tứ Việt - Cương - Thành - Quyền; nghịch ngợm “trùm sò” thì sao qua mặt được Dũng “bông”, Trần Hà; ngây thơ vô đối thì phải nhắc tới Nam Cường, Ngọc Thành... Tính gã hồn nhiên, nói to, cười to nên khi nói chuyện, thấy rất thoải mái. Hồi ấy, gã còn nhiều tóc, xoăn xoăn; mặt mũi trắng trẻo, bầu bĩnh, má lại có lúm đồng tiền nên nhiều lúc trông cũng xinh trai. Theo lời cô Ngân Hoa, gã “không phải dạng vừa đâu”, nghịch ngầm ra phết. Cô bảo, chính gã đầu têu vụ khoá và bịt chặt cửa, làm cô phát khóc lên, phải cầu cứu cô Hải (chủ nhiệm lớp P).
Tôi nhớ lần cả lớp đi Tây Thiên vào tháng 11/1992, hội trẻ con “ngây ngô như gà gô” được thử thách leo núi. Lớ ngớ thế nào, tôi, Thanh Hương, Thuý Lan, Điệp và gã đi lạc; một lúc sau nhìn quanh chẳng thấy ai ngoài chúng tôi. Mưa gió làm đổ cây to ngay trước mặt. Ba lô, đồ đạc thì thuê người vác lên đỉnh hết rồi. Vừa đói vừa rét do mặc mỗi áo phông mỏng, chả cần biết mình là lớp trưởng, tôi khóc ầm ĩ vì sợ. Tụi còn lại cũng thiểu não lắm rồi nhưng thấy tôi khóc thì xúm vào dỗ dành. Lúc đó, gã cởi chiếc áo bộ đội dày (chắc mượn của bố), đưa cho tôi dù trên người gã chỉ còn lại bộ đồ mỏng. Tôi cảm động lắm vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no” mà. Từ đó, tôi thực sự làm bạn với gã.
Ảnh lưu niệm một lần gặp mặt của các thành viên lớp M (92 - 94) - anh Tuấn Anh (áo tím đứng hàng đầu)
Sau này lên cấp 3, chúng tôi học khác lớp nên ít gặp nhau nhưng tôi vẫn luôn tự hào về việc có “thằng bạn thân” là gã. Mỗi lần tình cờ gặp ở sân trường, gã sẽ hất hàm, hỏi tôi: “Đi đâu đấy?”, “Đi học muộn thế?”, “Về rồi à?”, “Sắp thi chưa?”, thậm chí là: “Mặc này trông béo thế!”. Thi thoảng, tôi và gã “nấu cháo” điện thoại kể chuyện về lớp gã, lớp tôi, bạn này, bạn nọ. Chúng tôi không thân đến độ tôi có thể kể cho gã mọi chuyện buồn vui nhưng gã giúp tôi cân bằng lại khá nhiều cái dở hơi khi chơi với hội con gái.
Bây giờ đã yên ổn gia đình nhưng gã vẫn vô tư, vui vẻ như vậy. Dù tóc bớt đi nhiều và mặt mũi không còn trắng trẻo, trẻ trung nữa nhưng cách nói chuyện của gã vẫn hồn nhiên, tưng tửng. Và gã vẫn hùng hồn tuyên bố là ngày xưa, tôi chắc chắn có tình ý với gã nên mới lấy chồng cùng tên và ngày sinh giống gã. Tất nhiên là to mồm thế thôi, chứ gã biết thừa, nếu tôi có ý gì khác thì chúng tôi đã không chơi thân lâu đến thế.
QUỲNH TRANG
(CHS M, 92 - 94)