Marie Curie - Long Biên: Từ bản vẽ đến hiện thực

Đẹp, độc đáo trong sự tối giản, có nhiều không gian vui chơi cho học sinh, cảnh quan xanh mang lại cảm giác gần gũi, ấm áp… là những điểm nhấn đặc biệt trong thiết kế của ngôi trường Marie Curie - cơ sở Long Biên đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành vào 30/5/2024.

BBT: Năm 2024, hệ thống giáo dục Marie Curie sẽ có thêm cơ sở mới rộng 3 hecta ở Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên. Hiện cơ sở này đang được gấp rút xây dựng với sự nỗ lực không quản ngày đêm của đội ngũ quản lý, giám sát, thi công. Vậy là một Marie Curie nữa sắp “ra đời” ở vùng đất phía Đông Bắc của Thủ đô với biết bao niềm mong ngóng, háo hức của CBGVNV và phụ huynh. Trong các số Nội san MCer Link của năm học 2023 - 2024, những câu chuyện về Marie Curie - Long Biên sẽ được cập nhật để thầy trò MC đồng hành và cổ vũ.

Một Marie Curie thật khác!

Cơ sở Marie Curie - Long Biên (MC-LB) nằm trong Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, TP. Hà Nội). Dự án gồm 2 khu: Mầm non (NT-10) và Tiểu học - THCS - THPT (TH-06) với 8 tòa Giảng đường 5 tầng cùng 2 tòa Hiệu bộ 16 tầng, 6 tầng. Bên cạnh đó, trường có nhiều không gian để học sinh thỏa sức vui chơi như: sân sinh hoạt chung, 2 nhà thể chất với các phòng công năng nghệ thuật, bể bơi bốn mùa, 4 sân bóng rổ, bóng đá, bóng ném…

Chú Lê Duy Khoa (Kiến trúc sư trưởng dự án MC-LB) cho biết, khi được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang giao thiết kế cơ sở này, chú không coi là áp lực mà cho đó là điều may mắn. Bởi cơ sở MC-LB rộng gấp 3 lần Marie Curie - Mỹ Đình (MC-MĐ) nên đây là cơ hội để chú có “đất” thỏa sức tưởng tượng, tạo thêm những công năng, không gian mà cơ sở đầu tiên chưa thực hiện được. Ngoài ra, 10 năm kinh nghiệm vận hành cơ sở MC-MĐ giúp chú có những lợi thế để “hiện thực hóa” những ý tưởng đang ấp ủ.

Sau 2 tháng, KTS Duy Khoa cho ra bản thiết kế đầu tiên. Trong suốt thời gian chờ được cấp giấy phép xây dựng, chú nghiền ngẫm và chỉnh sửa để đưa ra phương án tốt nhất. Khi bắt đầu khởi công xây dựng, hôm nào, chú cũng “ở với công trình cả ngày”, nhìn ngắm, quan sát thực tế rồi tinh chỉnh dần để tạo nên bản thiết kế tốt nhất trong khả năng của mình. Chú Duy Khoa cho biết, ý tưởng thiết kế trường MC có ảnh hưởng rất lớn từ triết lý giáo dục của thầy Khang: trẻ con đến trường ngoài học kiến thức thì còn được giáo dục thể chất, tâm hồn để trở thành một đứa trẻ hạnh phúc, tử tế. Chính vì thế, chú tạo nhiều không gian để học trò cảm thấy thoải mái, tự do nhất có thể. Chú chú trọng trước tiên đến công năng sử dụng cho học sinh, từ đó những yếu tố như: thẩm mỹ, tỷ lệ tương quan trong thiết kế sẽ trở nên hài hòa, cân đối.

Mặt khác, từ kinh nghiệm vận hành 10 năm cơ sở MC-MĐ, thiết kế trường học sẽ không có nhiều chi tiết rườm rà để tránh việc duy tu, bảo trì gây phức tạp, tốn kém; trong khi đặc thù của nơi này là chỉ có 2 tháng hè để thực hiện chuyện đó. Vì vậy, chú quan niệm, đẹp trong sự tối giản hơn là cầu kỳ. Thực tế, đối với công trình xây dựng, để tối giản trong sự trau chuốt lại khó hơn rất nhiều. 

Theo KTS Duy Khoa, điều xuyên suốt ở thiết kế không gian MC là mang đến cảm giác ấm cúng, gần gũi; ngoài việc tối ưu hóa công năng. Sự tâm huyết trong thiết kế, sự tỉ mỉ ở từng chi tiết được chú thể hiện rất rõ từ cổng mái vòm, mái dốc để thêm không gian xanh cho đến ô văng cửa sổ lấp lánh vào buổi tối… Bên cạnh đó, với kinh nghiệm vận hành cơ sở đầu tiên, chú đã thiết kế ngôi trường MC-LB sao cho thuận lợi, hiệu quả nhất khi duy tu, bảo trì hằng năm…

Chú ví dụ: “Sự khác biệt của MC-LB so với các thiết kế trước đây chính là mái dốc ở các tòa học. Thứ nhất, mái dốc ở MC-MĐ khó thấy khi đứng từ sân nhìn lên khu Giảng đường 8 tầng; còn tại MC-LB với diện tích rộng gấp 3 lần, các tòa học chỉ cao 5 tầng nên việc thiết kế mái dốc sẽ tạo điểm nhấn và quan trọng hơn là phù hợp với thiết kế tổng thể của trường. Lý do thứ 2 chính là ở những công trình thấp tầng như trường học, dù dùng trang trí nhưng việc để mái dốc sẽ tạo cảm giác ấm áp, gần gũi hơn là mái bằng. Các mái dốc sẽ được khoét hốc để trồng cây, mang lại ấn tượng xanh mát, thoáng đãng hơn khi nhìn từ xa; khiến trẻ con có cảm giác như đang được chơi ở vườn cây”.

Khi tham quan công trường 3 hecta, đi dọc các tòa nhà, không khó để cảm nhận được sự thoáng mát, rộng rãi và dễ chịu của không gian nơi đây! Lý giải điều này, chú Duy Khoa chia sẻ: “Nhân vật chính trong trường học là học sinh. Trong 10 năm làm việc tại MC, tôi quan sát thấy năng lượng, sự năng động của một đứa trẻ thể hiện rõ nét nhất khi vừa kết thúc giờ học: chúng ùa ra hành lang, tìm đến những không gian vui chơi. Nếu lớp học mang đến sự tiện nghi thì những không gian bên ngoài lại đem tới nhiều cảm xúc. Vì thế, khi lên thiết kế, tôi thử đặt mình là một cậu học sinh, hết giờ học thì nghĩ xem mình thích đến đâu. Tôi tạo nhiều không gian cho học sinh lựa chọn, không giống như những ngôi trường truyền thống khác để các con thấy thoải mái và thỏa trí tò mò khám phá. Ngoài ra, khi một học sinh mới đặt chân đến trường, có những cảm xúc khó diễn tả thành lời. Vì vậy, MC-LB sẽ có nhiều không gian điểm nhấn nhằm mang lại cảm xúc trong lần đầu tới thăm”.

Bên cạnh đó, một trong những điểm khác biệt so với các cơ sở trước đây chính là hành lang cầu rộng khoảng 8m, nối giữa hai khối THCS - THPT, bao trọn sân sinh hoạt chung. Ngoài ra, MC-LB sẽ có hành lang giữa các phòng học, chứ không phải hành lang bên. Lý giải điều này, chú Duy Khoa nói: “Mỗi thiết kế đều có ưu, nhược điểm riêng. MC-MĐ thiết kế hành lang bên vì khổ đất không rộng, nếu để hành lang giữa thì lấn sang diện tích không gian sân bóng phía trước. Trong khi đó, MC-LB rộng 3 hecta, có thể xây dựng hành lang giữa rộng 3m với nhiều ưu điểm: tạo cảm giác an toàn; tối ưu hóa mặt bằng; tiết kiệm năng lượng lúc mở cửa phòng học, giống như vùng đệm trước khi khí lạnh điều hòa phả ra ngoài trời. Không chỉ vậy, hành lang giữa còn giúp công tác vệ sinh dễ dàng hơn, nhất là vào ngày mưa, không bị hắt, ướt…”.

Hơn nữa, khi nhìn từ bên ngoài, khu Hiệu bộ 16 tầng hình elip trông nổi bật, được xem như là công trình biểu tượng của MC-LB. Nếu nhìn từ trên xuống các khối học là hình chữ nhật, thể hiện sự khỏe khoắn, nghiêm túc thì khối Hiệu bộ trở nên ấn tượng khi đặt trong tổng thể thiết kế. Tòa nhà này chủ yếu dành cho thầy cô, CBNV nên KTS Duy Khoa mong muốn mang đến sự mềm mại, uyển chuyển. Chú giải thích: “Có thể trên lớp, các thầy cô nghiêm khắc nhưng sâu thẳm bên trong là tình yêu thương, sự mềm mại, tâm lý”. 

Đặc biệt, tòa nhà sẽ được khoét lỗ thông từ tầng 16 xuống tầng 4 và trồng nhiều cây xanh; lõi nhìn về hướng Tây để vừa chắn nắng vừa tạo cảm giác xanh mát. Ngoài ra, hội trường ở tầng 3 được thiết kế theo mô hình nhà hát với sức chứa 450 chỗ ngồi; gồm sân khấu, khán phòng có đường dốc.

Đối với chú Duy Khoa, mỗi dự án Marie Curie là một “đứa con tinh thần” mà chú dành hết tâm huyết từ quá trình “thai nghén” và ngày ngày chứng kiến sự lớn lên. Vì thế, hôm nào, chú cũng có mặt, theo sát 24/24h để vừa giám sát vừa quan sát nhằm điều chỉnh thiết kế sao cho phù hợp với tình hình xây dựng thực tế. Có những đêm chú thức trắng đến 3 - 4h cùng đội thi công là chuyện bình thường.

An toàn, chất lượng đặt lên hàng đầu

Trường Marie Curie cơ sở đầu tiên mất 24 tháng để hoàn thiện. Diện tích của MC-MĐ chỉ bằng 1/3 so với MĐ-LB. Trong khi đó, cơ sở mới này chỉ có 12 tháng để hoàn thành, như vậy gấp 6 lần về tiến độ. Tuy nhiên, với điều kiện, kỹ thuật xây dựng và độ chuyên nghiệp của nhà thầu tốt hơn rất nhiều so với 10, 11 năm trước, KTS Duy Khoa tin rằng sẽ đáp ứng được yêu cầu tiến độ, phấn đấu hoàn thiện công trình vào tháng 5/2024.

Tiến độ công trình “căng” từ đầu đến cuối dự án. Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn luôn đặt chất lượng, sự an toàn lên hàng đầu. Thời điểm cao nhất, dự án huy động 460 công nhân làm việc không kể ngày đêm. Có những ngày đổ mái, đội giám sát, công nhân thức trắng đêm đến 3 - 4h”, chú kể. 

Là người phụ trách cơ điện cho công trình MC-LB, chú Công Đức (Kỹ sư ban Quản lý dự án) cho biết, hiện nay, đội xây dựng đang thi công phần kết cấu tòa nhà; đội cơ điện tiến hành lắp đặt hệ thống điện, nước, điều hòa, camera, thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) bám sát theo tiến độ xây dựng. Một ngày làm việc của các chú trong ban QLDA bắt đầu từ 6h đến 18h. Tuy nhiên, việc các chú ở lại đến tối muộn là điều bình thường, thậm chí có lần thức xuyên đêm đổ bê tông 12 tiếng liên tục không nghỉ. 

Theo chú Công Đức, phương châm xây dựng công trình MC-LB là an toàn - chất lượng - đúng tiến độ. Trong đó, ưu tiên số 1 vẫn là an toàn, tất cả cán bộ, công nhân làm việc tại dự án đều phải tuân thủ các điều kiện an toàn lao động: trang bị đầy đủ đồ bảo hộ (áo, mũ, giày, ủng chuyên biệt); được hướng dẫn thường xuyên các nguyên tắc an toàn trong thi công. 24/24h trên công trường luôn có người giám sát. Chất lượng, tiến độ của dự án được chú trọng hết mức với tinh thần làm tới đâu đảm bảo chất lượng tới đó, hoàn thành đúng tiến độ đó; mỗi công đoạn đều được làm đúng ngay từ đầu để không mất thời gian sửa chữa, khắc phục, dẫn tới ảnh hưởng tiến độ chung.

Chú Công Đức rất vui mừng, xúc động khi được tin tưởng giao thực hiện dự án tiếp theo của MC sau gần 10 năm kể từ khi hoàn thành cơ sở Mỹ Đình. Tại dự án này, chú không chỉ quản lý, giám sát giai đoạn thi công, hoàn thiện mà được tham gia ngay từ khâu thiết kế hệ thống cơ điện của trường. Chú nói, phải thiết kế sao cho tiện nghi hơn; đồng thời khắc phục, điều chỉnh những hạn chế trước đó trong vận hành thực tế hay thiết kế phải đảm bảo yếu tố dự phòng công suất để sử dụng về sau và tránh lãng phí không cần thiết. Để làm được điều đó, cần đưa ra được giải pháp tối ưu. Việc này đòi hỏi không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn cả những kinh nghiệm thực tế trong quá trình vận hành.

Chú Đức cho biết thêm: “Do đặc thù công việc cơ điện gồm nhiều bộ môn liên quan: hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điều hòa không khí, hệ thống PCCC nên rất cần sự phối hợp đồng bộ các hệ thống không chỉ trên bản vẽ mà còn phải bám sát thực tế, có sự điều chỉnh phù hợp để vừa đảm bảo chất lượng vừa thuận lợi cho công tác vận hành sau này”. 

Chú Trịnh Nam (phụ trách đội thi công PCCC, công ty TNHH Bình Yên) cho biết: “Khi lắp đặt các thiết bị, đặc biệt trong trường học, ưu tiên số 1 là phải tuyệt đối an toàn và đảm bảo chất lượng. Các trang thiết bị mà chúng tôi lắp đặt như: đầu báo cháy, bình chữa cháy, chuông báo cháy, họng tiếp nước chữa cháy… đều theo đúng quy định của Bộ Công an về PCCC”.

Từ bản vẽ, MC-LB đang dần thành hiện thực. Tất cả đơn vị quản lý, giám sát, thi công đều đang nỗ lực, phấn đấu để hoàn thiện dự án đúng tiến độ. Còn gì tuyệt vời hơn khi một bản thiết kế vì học sinh, không chỉ tiện nghi trong việc học mà còn là nơi để các học trò được thỏa thích vui chơi sắp thành hình, thành khối ngoài đời! Chắc chắn rằng, ngôi trường MC-LB hiện đại, đẹp đẽ và độc đáo sẽ lớn dần từng ngày ở phía Đông Bắc của Hà Nội.

BBT: Cảm xúc tự hào dâng lên khi chúng tôi được đứng giữa công trường sôi động với hàng trăm công nhân hăng say làm việc, hòa lẫn vào đó là tiếng máy móc xây dựng hối hả chạy. Kỳ sau trên MCer Link 67 sẽ mang đến cho cộng đồng MC một công trường “không tắt đèn” với bài viết mang tựa đề “MC-LB: Trên công trường rộn tiếng ca”.

Như thế nào là trường học hạnh phúc?

Để có một định nghĩa đầy đủ, chính xác về một trường học hạnh phúc quả thật không dễ. Tuy vậy, có thể hiểu một cách giản dị: trường học hạnh phúc là khi mọi thành viên đều hài lòng.

Thành phần chủ yếu của trường học là học sinh và giáo viên. Họ hạnh phúc là trường hạnh phúc. 

Học sinh thích đến trường, mỗi ngày đến trường đều hài lòng khi: được học những kiến thức mới, dễ hiểu, sinh động, thiết thực; được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, tất cả đều thân thiện; được thể hiện mình và được tôn trọng; bản thân được hoàn thiện mỗi ngày; được cho đi và nhận lại “trái ngọt” của cuộc đời; không cô đơn mà ngược lại, có cảm giác mình là một mảnh ghép không thể thiếu của cộng đồng.

Giáo viên thích đến trường, muốn tới trường khi được làm công việc thích hợp với năng lực, sở trường; môi trường làm việc: từ lãnh đạo đến đồng nghiệp, học trò và phụ huynh đều thân thiện; chế độ lương công bằng, phù hợp với năng lực và công sức, thu nhập đủ sống…

                                                                                                 Thầy Khang

 

 

23

Tháng 11/2024

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

Thứ bảy, 23 Tháng 11 2024 11:16 Viết bởi TRUONG MARIE
Với dự án học tập “Classroom Beyond Walls - Lớp học không biên giới”, các MCer khối 4 Oxford - Kiến Hưng đã được thực hiện nghiên cứu khoa học đầy thú vị về chủ đề “Xây dựng tòa nhà chống động đất”.
Xem thêm

22

Tháng 11/2024

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

MCER THIẾT KẾ TÒA NHÀ CHỊU ĐỘNG ĐẤT

Thứ sáu, 22 Tháng 11 2024 08:18 Viết bởi TRUONG MARIE
Chiều 21/11, các MCer khối 4 Oxford đã tổng kết dự án học tập “Classroom Beyond Walls - Lớp học không biên giới”. Tại đây, các bạn đã tham gia nhiều hoạt động thú vị và mang về nhiều phần quà hấp dẫn.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:17 Viết bởi TRUONG MARIE
Hòa chung không khí hân hoan của cả nước hướng tới kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tại hệ thống giáo dục Marie Curie, Hội diễn văn nghệ lần thứ 32 diễn ra sôi nổi với gần 240 tiết mục từ các lớp mầm non đến THPT. Chương trình này cũng là cơ hội để các MCer, thầy cô và bố mẹ được toả sáng trên sân khấu lung linh.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:10 Viết bởi TRUONG MARIE
Sáng 20/11, tại nhà hát Thăng Long - cơ sở Việt Hưng đã diễn ra chương trình tranh giải Đặc biệt và vinh danh các tập thể xuất sắc nhất Hội diễn văn nghệ lần thứ 32.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 15:26 Viết bởi TRUONG MARIE
Mang trong mình nhiệt huyết và đạo đức của nghề giáo, trong suốt 30 năm làm nghề, thầy Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch Hệ thống giáo dục Marie Cuire Hà Nội đã là người gieo mầm xanh của sự tử tế vào tâm hồn của biết bao thế hệ học sinh.
Xem thêm