Sáng 29/7, tọa đàm về quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường ngoài công lập (NCL) theo Luật Giáo dục 2019 đã diễn ra tại trường Marie Curie. Đại diện các trường thẳng thắn bày tỏ kiến nghị trước thông tin cho học sinh nghỉ hè 3 tháng từ năm học tới.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021. Theo đó, học sinh mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên tựu trường sớm nhất ngày 1/9; các trường tổ chức khai giảng 5/9.
Trước thông tin này, thầy Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐ trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phó Chủ nhiệm CLB trường NCL Hà Nội) cho rằng: “Các trường NCL đã gặp nhiều khó khăn, thách thức trong 3 tháng nghỉ dịch do Covid-19. Giờ chúng tôi phải đối mặt thêm thách thức mới - không được tựu trường trước 1/9, tức là học sinh nghỉ hè 3 tháng từ năm học tới”. Thầy cũng nhấn mạnh, các trường NCL cần đồng tâm nhất trí, hỗ trợ nhau để đứng vững và phát triển trước những khó khăn, thử thách mới.
Thầy Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch HĐ trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phó Chủ nhiệm CLB trường NCL Hà Nội)
Thầy Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch HĐ giáo dục trường Đinh Tiên Hoàng) cũng đồng tình với ý kiến, nếu cứ đúng 5/9 mới khai giảng thì các trường tư rất khó khăn. Thầy giải thích: “Nhiều gia đình mong muốn gửi con vào trường dân lập để học rèn luyện thêm. Khi cha mẹ có nhu cầu, các trường ngoài công lập cần thêm thời gian để giúp học sinh phát triển. Vậy tại sao nhà nước lại gói gọn trong một quy định chung “không được tựu trường trước 1/9”? Hơn nữa, nghỉ hè 3 tháng đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn giáo viên sẽ bị ảnh hưởng”.
Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh (CTHĐ trường Nguyễn Siêu)
Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh (Chủ tịch HĐ trường Nguyễn Siêu) dẫn từ Điều 3, Luật Giáo dục 2019 ghi rõ, trường dân lập, tư thục được tự chủ, tự chịu các hoạt động giáo dục để thực hiện mục tiêu giáo dục. “Hiện Luật Giáo dục 2019 vẫn có hiệu lực. Vì thế, khi chưa có nghị định mới của Chính phủ thì Bộ GD&ĐT cũng không thể có quy định cụ thể. Đồng thời, theo tôi, các trường ngoài công lập cũng cần vươn lên để khẳng định vai trò, vị thế của mình để tiếng nói có trọng lượng. Hiện nhiều trường tư có tỷ lệ chọi 1/6 khi tuyển sinh hay 100% học sinh đỗ Đại học… Chúng ta phải nâng cao chất lượng để có tiếng nói hơn”, thầy Trọng Vĩnh nói.
Về vấn đề khoảng thời gian học bị rút ngắn, cô Lê Thị Bích Dung (Chủ tịch HĐ trường Newton) nhấn mạnh, không ai có quyền phá vỡ kế hoạch 1 năm học 10 tháng, không có luật nào cấm học sinh học nhiều. Nếu trường cho học sinh học nhiều là do CMHS mong muốn cho con học thêm. Bởi ngoài chương trình của Bộ GD&ĐT thì các trường tư còn lồng ghép chương trình dạy kỹ năng sống, ngoại ngữ… cho học sinh.
Thầy Nguyễn Khánh Trung (Hiệu trưởng trường THCS - THPT Ban Mai) nêu ý kiến: “Chương trình 35 tuần sẽ được áp dụng đại trà. Nhưng với việc nhiều cha mẹ học sinh đặt mục tiêu cao hơn thì chính các trường tư thục đang làm điều đó. Trường tư giải quyết việc làm cho nhiều giáo viên, giải quyết vấn đề giáo dục, tạo ra các mô hình đi trước cả đổi mới của Bộ GD&ĐT. Vì thế, các trường tư cần được tôn trọng quyền tự chủ và cần kiến nghị rõ ràng đối với những người làm chính sách để các trường NCL yên tâm phát triển lâu dài”.
Thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie) gửi lời cảm ơn đại diện của các trường NCL tham dự buổi tọa đàm và sẽ tiếp thu ý kiến của các trường để hoàn thiện bản kiến nghị gửi lên các ban ngành.