LAN TỎA “NỤ CƯỜI SHINBI - CƠM 2K”

Hơn 1 năm qua, cô Phạm Thái Lê (GV Ngữ văn) luôn sắp xếp thời gian đến quán “Nụ cười Shinbi - cơm 2K” làm tình nguyện viên (TNV). Tại đây, cô cùng nhiều TNV khác chế biến từ 400 - 900 suất ăn với giá 2K cho các bệnh nhân cùng người nhà tại viện K3 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).

Cơ duyên nào đã đưa cô đến với quán “Nụ cười Shinbi - cơm 2K”?

Cô THÁI LÊ: Thực ra, việc làm TNV ở “Nụ cười Shinbi - cơm 2K” của tôi là việc làm nhỏ, rất nhỏ trong nhiều hoạt động thiện nguyện của quán; nhỏ, rất nhỏ so với nhiều nhóm, nhiều người đang làm việc thiện ngoài xã hội. Vì vậy, tôi rất “ngại” nói về mình mà chỉ muốn lan tỏa để mọi người biết tới một địa chỉ đẹp.

Quán “Nụ cười Shinbi - cơm 2K” vận hành dựa trên nguồn đóng góp của các nhà tài trợ và sự giúp sức của các TNV. Quán bán cơm vào buổi chiều, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Có hôm, quán đạt kỷ lục bán tới 900 suất, còn trung bình là khoảng 400. Để có bữa cơm ngon và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công việc phải bắt đầu từ sáng. Và dường như lúc nào cũng thiếu người.

Hơn 1 năm qua, tôi xếp thời gian biểu để cố định tới quán làm TNV vào những ngày trống tiết. Có hôm bận hoặc mệt, muốn nghỉ nhưng nghĩ tới các TNV 70, 80 tuổi có thể phải làm nhiều việc hơn khi vắng mình, tôi lại quyết tâm đến. Hoặc có hôm thiếu người quá, vừa hết giờ ở trường, tôi đi thẳng tới quán, mặc nguyên áo dài vào bếp. Mọi người nhìn thấy, nói đùa: “Mặc đẹp thế thì cho ra thu tiền; chứ cứ đứng chia cơm trong bếp, phí cả áo dài”.

Lúc đầu, trong nhà chỉ có tôi đến quán hỗ trợ. Khi về, tôi thường chia sẻ những hoàn cảnh mà mình gặp hay kể mấy chuyện vu vơ ở quán với gia đình. Rồi một hôm, con gái bảo lúc nào rảnh thì con đi cùng mẹ. Thế là hai mẹ con cùng tham gia. Tương tự, bạn bè thấy tôi làm, có người gửi hiện vật/tiền hoặc đến tham gia trợ giúp. Tự nhiên, mọi điều tốt đẹp cứ thế lan tỏa.

Gắn bó khá lâu với quán cơm thiện nguyện, chắc hẳn cô có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

Cô THÁI LÊ: Mỗi ngày tới quán lại thêm một kỷ niệm. Có những câu chuyện, tôi chỉ muốn quên đi nhưng nó lại luôn đeo bám.

Tôi ám ảnh mãi ánh mắt của một bà mẹ đưa con là bệnh nhi đến ăn bữa “liên hoan tất niên”. Cô ấy bảo rằng, bệnh viện trả về rồi nhưng ở thêm hôm đó để đưa con tới quán ăn bữa cuối.

Tôi cũng không thể quên được cái xua tay của người bố vào Tết Trung thu. Lúc đi qua thùng quà mà tôi đứng phát, anh ấy bảo cháu đang truyền, có chơi được đồ chơi đâu.

Có gia đình trẻ bồng bế nhau từ Bến Tre ra Hà Nội chữa bệnh. Em bé mới 6 tháng tuổi mà mẹ bị suy thận, phải cai sữa sớm. Các TNV thay nhau bế cháu để người bố ăn cơm. Nhìn ông bố trẻ bế con thơ, chăm vợ ốm cám cảnh lắm! Nhưng chúng tôi không ai bảo ai, vẫn gạt sang một bên để luôn biểu cảm vui vẻ. Tự ai cũng thấy mình cần truyền thêm năng lượng lạc quan để bà con quên bệnh tật. Đó cũng là tinh thần chung của quán “Nụ cười Shinbi - cơm 2K”.

Chúng tôi rất vui khi những khay cơm được ăn hết sạch; nhận những lời khen tấm tắc của bà con về món ăn, những dòng thơ mộc mạc của một bác sáng tác ngay tại quán hay nhìn thấy niềm hạnh phúc của bệnh nhân lần đầu trong đời được quán cơm tặng hoa vào các dịp 8/3, 20/10.

Tham gia hoạt động này, cô và con gái đã tìm thấy những điều gì?

Cô THÁI LÊ: Tham gia chương trình, tôi thấy xung quanh có nhiều người rất tốt. Đó là những người quản lý, vận hành ngày đêm túc trực ở quán; các TNV dành thời gian, công sức nấu những bữa cơm. Đó còn là những nhà tài trợ hàng tháng ủng hộ tiền hay mời cơm bà con một ngày cố định trong tuần; những người góp chai nước mắm, mớ rau, món tráng miệng…

Có chị nông dân ở Hưng Yên muốn góp rau sạch nên dậy cắt rau từ 3h sáng để chở lên quán. Hay có anh thi thoảng lại tặng quán túi thịt lợn, mỗi lần 2 - 3 kg. Hỏi tên thì anh nhất định không nói, cứ đưa túi thịt xong là về. Thịt còn tươi mới, nhìn rất ngon. Chắc hẳn anh muốn góp chút cho quán, vừa với sức mình. Luôn là như thế, nhiều anh chị âm thầm đồng hành với quán cơm trong khả năng có thể của mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm, thấy xung quanh có nhiều mảnh đời quá khổ. Kể ra thì không hết. Bởi ai đi viện mà không khổ. Nhất là bệnh K, lại điều trị ở viện K3 là tuyến cuối. Thương lắm!

Vì vậy, chúng tôi nhận ra mình phải thật yêu quý cuộc sống này. Yêu quý cuộc sống này chính là trao gửi yêu thương tới mọi người, không biết bao nhiêu cho đủ.

Tham gia hoạt động này tuy bận rộn hơn, mệt hơn thường ngày nhưng cứ nghĩ đến việc có 300, 500, 700 người được bữa ăn ngon, sạch, đủ dinh dưỡng chỉ với 2 ngàn đồng, chúng tôi cũng thấy thật hạnh phúc.

Theo cô, làm việc tốt khó không và các MCer có thể thực hiện những việc tốt mỗi ngày như thế nào?

Cô THÁI LÊ: Trong mỗi chúng ta, ai cũng chứa sẵn mầm thiện, chỉ cần có điều kiện là sẽ bật lên. Tôi muốn mượn đoạn lời trong ca khúc “Nấu ăn cho em” của ca sĩ Đen Vâu: “Chúng mình đều phải học cách để tốt lên qua ngày, qua tháng/ Lúc ban đầu thì chả ai tốt ngay được vì chả biết phải làm sao/ Thế là nhìn những người tốt quanh mình xem họ làm gì và làm theo/ Và người tốt thì ngoài kia nhiều lắm!”.

Người tốt ngoài kia nhiều lắm, cứ thuận theo hoàn cảnh cụ thể của mình mà làm thôi. Chúng tôi cũng chỉ là cầu nối, giúp sức để lòng tốt của nhiều người đến được với bà con. Mỗi người một chút, mỗi người một tay, đông tay thì vỗ nên kêu mà.

Với các MCer, chúng ta có một tấm gương lớn, không hô hào, không kêu gọi, lặng lẽ làm bao nhiêu việc tốt cho đời, cho người. Không cần nói ra nhưng ai cũng biết người ấy. Vì vậy, các MCer cứ nhìn vào những tấm gương xung quanh, sống thật tốt đời mình rồi tuỳ vào hoàn cảnh của bản thân mà hành thiện. Mình phải là lá lành đã, để không phải cần ai đùm bọc thì mới có thể chở che cho lá ít lành hơn…

Đại ý là ai cũng cố sống tốt thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Muốn thế thì phải học hỏi không ngừng nghỉ, những bài học làm người.

Tôi từng nói với nhiều thế hệ học sinh khi chia tay ra trường, rằng kỳ thi tốt nghiệp chỉ là một kỳ thi nhỏ trong hành trình dài rộng của cuộc đời. Học làm người tử tế thì không có kỳ thi nào để tốt nghiệp mà phải nỗ lực, phải luyện, suốt đời. Và chúng ta mãi mãi là những học trò trong lớp học làm người tử tế. Ở đó, thầy dạy chính là những tấm gương tốt ở quanh ta.

Hãy chăm bẵm mầm thiện trong mỗi con người để nó lớn lên, sum suê rồi tự tỏa bóng mát cho đời!

Cảm ơn cô về những chia sẻ ý nghĩa! Chúc cô luôn mạnh khỏe để tiếp tục gieo thêm thật nhiều mầm thiện cho đời!

21

Tháng 11/2024

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:17 Viết bởi TRUONG MARIE
Hòa chung không khí hân hoan của cả nước hướng tới kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tại hệ thống giáo dục Marie Curie, Hội diễn văn nghệ lần thứ 32 diễn ra sôi nổi với gần 240 tiết mục từ các lớp mầm non đến THPT. Chương trình này cũng là cơ hội để các MCer, thầy cô và bố mẹ được toả sáng trên sân khấu lung linh.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:10 Viết bởi TRUONG MARIE
Sáng 20/11, tại nhà hát Thăng Long - cơ sở Việt Hưng đã diễn ra chương trình tranh giải Đặc biệt và vinh danh các tập thể xuất sắc nhất Hội diễn văn nghệ lần thứ 32.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 15:26 Viết bởi TRUONG MARIE
Mang trong mình nhiệt huyết và đạo đức của nghề giáo, trong suốt 30 năm làm nghề, thầy Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch Hệ thống giáo dục Marie Cuire Hà Nội đã là người gieo mầm xanh của sự tử tế vào tâm hồn của biết bao thế hệ học sinh.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 09:07 Viết bởi TRUONG MARIE
Những thước phim quay chậm trên sân khấu MC đã mang tới cho người xem cảm nhận sâu sắc hơn về ý niệm thời gian. Thông qua 26 tiết mục ý nghĩa, các MCer khối 8, 9 - Mỹ Đình đã lan tỏa thông điệp “Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc có thể làm hôm nay!”.
Xem thêm

19

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

Thứ ba, 19 Tháng 11 2024 14:59 Viết bởi TRUONG MARIE
Tối 16/11, Chung khảo khối THPT - Văn Phú đã đưa mọi người trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ háo hức, chờ đợi, lắng đọng khi từng lời ca, giai điệu được vang lên cho đến bồi hồi, suy ngẫm về hai chữ “Thời gian”.
Xem thêm