Nhà văn Hà Thủy Nguyên: Tiểu thuyết “Thiên Mã” và niềm hứng khởi khám phá từ trường Marie Curie

Là tác giả của tiểu thuyết “Thiên Mã” được trích giảng trong chương trình Ngữ văn lớp 7, nhà văn Hà Thủy Nguyên (CHS I2, 97 - 01) hào hứng chia sẻ: “14 tuổi, tôi đang theo học Marie Curie. Tại ngôi trường tràn đầy niềm hứng khởi khám phá này, tôi đã bắt đầu thực hiện giấc mộng văn chương của mình”.

Hành trang tri thức cho các cuộc phiêu lưu

Đa phần học sinh khi rời trường học nhớ nhất những kỷ niệm đẹp nhưng tôi lại rất nhớ những bài giảng và các bài tập được giao. Trong những năm cấp 2, tôi học lớp I2 do cô Bảo Yến chủ nhiệm. Tôi không phải là một học sinh xuất sắc, cũng chưa bao giờ là "mọt sách" điển hình của lớp bởi tôi ham chơi, mơ mộng và đôi khi thích lao vào các mối quan hệ bạn bè. Nhưng những bài học của các thầy cô tại Marie Curie hồi ấy đã đưa tôi vào một thế giới khác, thỏa mãn trí tò mò sẵn có trong tôi…

Tôi nhớ những bài tập môn Sinh học đã khuyến khích tôi sưu tầm tranh, ảnh của rất nhiều loài sinh vật…; thay vì ảnh của các siêu sao. Tôi tìm thấy ảnh của những con cá heo màu hồng, con khỉ nhỏ nhất thế giới hay những cây bao báp khổng lồ… Tất cả chỗ ảnh ấy, tôi phân loại theo nhóm, loài như cô giáo hướng dẫn. Bạn đọc có thể thấp thoáng thấy những kiến thức sinh học đó trong tác phẩm “Thiên Mã”.

Tôi vẫn nhớ những bài tập môn Sử. Chúng tôi được giao bài tập vẽ bản đồ các trận đánh. Từ đó, tôi nhận ra, để học tốt Sử, cần có thêm cả kiến thức Địa lý. Nhưng lời giảng đi sâu vào tôi nhất chính là lời dặn dò rằng, lịch sử không chỉ có các trận đánh mà còn có quá trình hình thành, phát triển của những nền văn minh, những sáng tạo văn hóa. Với tinh thần ấy, tôi đã tập trung tìm hiểu lịch sử của các nền văn hóa và văn minh để hiểu hơn về chúng, để biết trân trọng hơn nỗ lực của những người kiến tạo thời xa xưa và ngày nay. Các yếu tố về nền văn hóa và văn minh cổ đại cũng là bối cảnh chính cho “Thiên Mã”, cũng như nhiều tiểu thuyết khác của tôi.

Tôi yêu từng phút của tiết Văn, không phải bởi đó là tiết học thơ mộng. Môn Văn đã cho tôi năng lực tư duy tổng thể và sắp xếp suy nghĩ một cách hệ thống, giúp tôi vững vàng trải nghiệm nhiều thang bậc của cảm xúc. Tôi nhận ra điều này khi học văn của cô Bích. Hơn cả thế, cô dạy tôi hiểu rõ rằng, một con người không có tình cảm, không có chí nguyện thì không thể sáng tác văn chương hay. Có lần, cô giao một bài tập chưa từng có: viết bài thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt nói lên cảm xúc của mình. Tôi không nhớ chi tiết bài thơ tự sáng tác ngày ấy nhưng tôi nhớ đã viết 4 câu đối đáp lại bài thơ “Đề đền Sầm Nghi Đống” của Hồ Xuân Hương với lời khẳng định rằng, sự nghiệp của bản thân phải do bản thân quyết định, đâu cần quan tâm mình thuộc giới tính nam hay nữ. Bài thơ được cô đánh giá cao và cũng từ ấy, tôi tự tin bước vào con đường sáng tác cá nhân. Không ngờ rằng, tứ thơ ấy đến giờ vẫn vận vào tôi. Tôi cứ viết những thông điệp tương tự như vậy.

Còn rất nhiều thầy cô khác cũng từng chút, từng chút nuôi dưỡng tinh thần học hỏi của nhiều thế hệ học sinh, trong đó có tôi. Nhưng có lẽ do ngày ấy, tôi suy nghĩ hạn hẹp, chỉ mải đuổi theo thứ yêu thích nên đã bỏ lỡ nhiều tiết học quý báu. Sau này, khi sáng tác hoặc duyệt bài cho cộng đồng Book Hunter, tôi bắt gặp các kiến thức Toán, Lý, Hóa… mà chỉ biết chép miệng ước gì chăm chỉ học những môn này hơn.

Từ tập san của lớp đến cộng đồng Book Hunter

Năm 2011, tôi thành lập cộng đồng Book Hunter - một nhóm bạn trẻ yêu tri thức và cùng nhau chia sẻ các bài viết, bài dịch trên website (sau này phát triển lên thành công ty sách). Cộng đồng Book Hunter chính là phiên bản trưởng thành hơn của tập san mà lớp I2 của tôi thực hiện ngày ấy.

Là người chịu trách nhiệm chính cho tập san lớp, tôi phải tìm cách giúp nó có thể bán được trong trường và “cạnh tranh” với các tờ báo như: Hoa học trò, Mực tím vốn rất “hot”. Do được in bằng máy photo, số lượng ít nên tập san của lớp tôi có giá thành cao hơn hai tờ báo nổi tiếng kia. Vậy là tôi phải nghĩ cách làm sao để tập san bán “cháy hàng”, đủ thu hồi số vốn đầu tư mà vẫn có lãi đưa vào quỹ lớp. Tôi bèn học theo nhà văn Kim Dung khi ông xuất bản tờ Minh Báo tại Hongkong (tôi đã tìm hiểu về quá trình làm Minh Báo của ông trong cuốn “Kim Dung giữa đời tôi” của Vũ Đức Sao Biển). Bên cạnh tập hợp bài viết và sáng tác của các bạn trong lớp, tôi viết thêm một truyện dài kỳ có yếu tố kiếm hiệp, giống như Minh Báo. Nhưng tôi không muốn mình là một phiên bản Việt Nam của Kim Dung nên đã sáng tạo thêm các yếu tố thần tiên ma quái mà sau này, Trung Quốc gọi là huyền huyễn. Tập san thành công và đạt đúng chỉ tiêu do lớp và tôi đề ra. Sau này lên lớp 9, tập san bị “đình bản” vì chúng tôi phải tập trung ôn thi nhưng tôi vẫn tiếp tục sáng tác và tác phẩm ấy chính là bộ tiểu thuyết dã sử đầu tay 1.000 trang của tôi - “Điệu nhạc trần gian”.

Những người bạn tham gia cùng tôi trong tập san năm đó tuy không ai đi tiếp cùng tôi trên con đường tri thức nhưng họ đã cho tôi thấy một tinh thần mà rất lâu sau này, khi thành lập Book Hunter, tôi mới gặp lại: Chỉ cần quyết tâm, sẵn sàng tìm tòi đến tận cùng thì không gì không thể làm được. Để hoàn thành tập san năm ấy, những bạn học của tôi đã vẽ minh họa từng trang, sáng tác thơ văn, viết bài luận, truyện cười… Tiếc rằng, vì “bán chạy” quá, chúng tôi không giữ lại được ấn bản nào cho mình. Kinh nghiệm có được trong chuỗi ngày thức đêm làm tập san ngày ấy đã giúp tôi vận hành cộng đồng sách Book Hunter suốt hơn 10 năm qua dù trải qua rất nhiều gian khó.

Xa trường rất lâu để biến những mơ ước khi ngồi học trên ghế nhà trường thành hiện thực, đó thực sự là một câu chuyện ngây ngô. Khi tôi quay trở lại, trường đã khác xưa, thầy cô giáo đã nhiều tuổi, những người bạn cũ cũng lâu rồi không gặp lại nhưng ký ức về tinh thần hứng khởi ngày nào vẫn chưa từng phai nhạt bởi tôi vẫn còn đó, nguyên vẹn là cô bé 14 tuổi của lớp I2 lén trốn cô Yến đọc trộm sách trong giờ ngủ trưa. Cô Yến có lẽ vẫn biết tôi trùm chăn, đọc sách (tiếng mở sách sột soạt thế cơ mà) nhưng vẫn vờ như không biết và để tôi được tự do theo đuổi sở thích của mình. 

Nhà văn HÀ THỦY NGUYÊN

Profile:

- Nhà văn Hà Thủy Nguyên sinh năm 1986 tại Hà Nội.

- Bước vào nghề văn từ năm 14 tuổi với cuốn tiểu thuyết dã sử dày 1.000 trang “Điệu nhạc trần gian” (NXB Phụ nữ, 2004). Từ đó tới nay, nhà văn Hà Thủy Nguyên đã sáng tác tiểu thuyết dã sử “Cầm thư quán” (NXB Phụ nữ, 2008; NXB Hội Nhà văn & Book Hunter, 2018), tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Thiên mã” (NXB Phụ nữ, 2009); tập truyện ngắn giả tưởng “Bên kia cánh cửa” (NXB Lao động & Bách Việt, 2013); tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần - tập 1: Khúc cung oán” (NXB Hội Nhà văn & Book Hunter, 2019), tái bản tập 1 và xuất bản tập 2: Nổi gió (NXB Phụ nữ & Book Hunter, 2022).

- Từ năm 2011 đến nay, nhà văn Hà Thủy Nguyên sáng lập và quản trị nội dung của Book Hunter - tổ chức sáng tạo, dịch thuật và thảo luận các tiểu luận, sách học thuật đa lĩnh vực.