Những “người thầy” thầm lặng

“Dù không đứng trên bục giảng nhưng với chúng tôi, họ vẫn là những người thầy đáng mến, luôn âm thầm cống hiến cho MC” - Đó là những ấn tượng của MCer về các bác, các cô chú đảm nhận công tác hậu cần tại trường. 

“Ơi từng cánh chim bay/ Ơi từng cành hoa hé nở/ Có bao niềm mê say/ Trong tiếng hát em hôm nay/ Chim còn hót trên cây/ Hoa còn mùa xuân vẫy gọi/ Không quên tuổi thơ ngây/ Bên mái trường vui hôm nay...”. Mỗi lần ca từ của bài hát “Em không quên Marie Curie” vang lên, tôi lại càng thêm tự hào về mái trường thân yêu. Ở đây, chúng tôi được học tập và vui chơi trong môi trường tốt nhất. Không chỉ các thầy cô tận tâm mà tất cả các bác, các cô chú ở bộ phận hậu cần cũng rất tâm huyết. Tuy không đứng trên bục giảng nhưng họ luôn đồng hành với chúng tôi trong những năm tháng học trò tươi đẹp. Đó chính là những thầy cô giám thị luôn sát sao mọi hoạt động của học trò; những cô chú nhà ăn luôn tất bật chuẩn bị những suất cơm đầy đủ dinh dưỡng; những cô lao công luôn giữ cảnh quan trường sạch đẹp; những bác lái xe cẩn thận trên từng cung đường để đưa đón MCer “đi đến nơi, về đến chốn” hay những bác bảo vệ hết lòng đảm bảo an ninh cho trường. Họ đã góp phần làm nên nét riêng cho MC - giáo dục không là việc của riêng ai mà là trách nhiệm của tất cả bộ phận trong trường. Có thể nói ở Marie Curie, mỗi ngày đến trường là một ngày vui và mỗi thầy cô, cán bộ, nhân viên là một mối nối để gắn kết chặt chẽ học sinh với ngôi trường này. Hôm nay, tôi muốn nói nhiều hơn về một mối nối đặc biệt, chính là các bác bảo vệ.

Tổ bảo vệ hiện có 9 người được chia thành hai ca làm việc, ngày và đêm. Dù nhà trường đã trang bị đầy đủ thiết bị hỗ trợ như: bộ đàm, hệ thống camera “không góc chết”... nhưng công việc của họ vẫn khá vất vả để có thể bảo đảm an toàn cho học sinh. Không chỉ kiểm soát lượng người ra vào cổng, đảm bảo an ninh trật tự, họ còn tham gia điều phối giao thông, xe cộ trong và ngoài trường vào những khung giờ cao điểm... Dù bận “trăm công, nghìn việc” không tên nhưng các bác luôn nở nụ cười thân thiện, khiến chúng tôi không cảm thấy xa cách mà vô cùng gần gũi. Trong đó, bác Ngô Duy Phương - Tổ trưởng tổ bảo vệ để lại cho tôi nhiều ấn tượng hơn cả.

Trái với dáng vẻ cao to, bệ vệ, bác có khuôn mặt phúc hậu, nước da ngăm phủ màu mưa nắng. Dù vài năm nữa sẽ chạm ngưỡng U50 nhưng cách bác nói chuyện vẫn rất “teen”, dễ gần và dễ mến. Có lẽ là do gắn bó với mái trường này được 17 năm nên bác hiểu rất rõ đặc điểm của lứa tuổi chúng tôi. Bật mí thêm, bác còn là “cây văn nghệ” “xịn xò”, luôn ca hát rất lạc quan và yêu đời.

Tôi có cơ may được nghe bác chia sẻ về công việc. Bác bảo đến với MC như một cái duyên, gắn bó vì tình yêu thương học sinh, sự yêu mến đồng nghiệp. Khi làm công việc này, bác thấy tâm hồn mình dường như được trẻ lại.

Cuộc trò chuyện chỉ kéo dài khoảng 15 - 20 phút nhưng tôi thấy bác bận bịu với biết bao việc. Nào là đánh trống thông báo giờ ra chơi, kiểm soát cha mẹ học sinh vào trường, trả lời những cuộc điện thoại xác nhận việc học sinh ra cổng... Bác luôn đề cao công việc và thực hiện rất nghiêm túc. Khi nghe tôi hỏi về những khó khăn, trở ngại trong công việc, bác cười hiền, đáp rằng, đôi lúc học sinh có thái độ và hành động chưa đúng nhưng bác nghĩ chúng tôi giống như con cháu trong nhà nên luôn nhẹ nhàng chỉ bảo, uốn nắn.

Nơi làm việc của bác được xem là “cứ điểm” tập kết đồ thất lạc của chúng tôi. Không ít lần nhặt được những món đồ giá trị, bác đã tìm đủ cách để trả lại cho người đánh mất. Ngoài ra, phòng bảo vệ còn là chỗ nghỉ chân của chúng tôi khi chờ bố mẹ đến đón hay cần gọi điện thoại cho người thân. Chính sự cởi mở, thân thiện của các bác khiến chúng tôi không thấy sợ sệt hay e dè khi trò chuyện.

Công việc của các bác không chỉ dừng lại ở đó. Đã có lần, tổ bảo vệ còn lập được chiến tích ly kỳ và hấp dẫn như trong phim hành động. Đó là bắt được trộm. Bác Duy Phương kể, cách đây khá lâu xảy ra một vụ trộm xe đạp. Sau khi nhận diện được đối tượng tình nghi, các bác đã bài binh bố trận, phân công nhiệm vụ hợp lý và không lâu sau đã tóm gọn tên trộm. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của nhà trường mà những phong trào của phường, quận, các bác cũng rất tích cực tham gia.

Các bác bảo vệ ấy à? Thân thiện, gần gũi lắm! Các bác bảo vệ ấy à? Cũng là những người tham gia việc giáo dục học sinh. Các bác bảo vệ ấy à? Luôn xem học trò như con cháu của mình. Các bác bảo vệ ấy à? Không giống như những cánh cổng chỉ biết khép - mở mà đó còn là vòng tay dang rộng, luôn yêu thương và bao dung che chở cho chúng tôi. Cảm ơn rất nhiều các bác, những mối nối không thể thiếu của ngôi nhà Marie Curie!

ÁI NHI

(9M2)

Với tôi, các bác lao công là những người siêng năng nhất. Khi tôi vừa tới trường thì đã thấy họ tất bật làm việc. Lúc tôi chuẩn bị về nhà, họ vẫn say sưa lau chùi, quét dọn. Mỗi người một việc nhưng ai cũng tận tụy với nhiệm vụ được giao.

Người khiến tôi ấn tượng nhất là bác Phạm Thị Luật. Bác năm nay 47 tuổi, quê ở làng Bình Đà, huyện Thanh Oai. Dáng người bác nhỏ nhắn, khóe mắt đã lộ vài nếp nhăn và nơi xương gò má có một chút tàn nhang. Bác sỡ hữu nước da bánh mật rám nắng, đôi mắt sáng toát lên vẻ phúc hậu và nụ cười rất duyên. Tóc bác luôn được búi gọn sau gáy. Mỗi khi ra hành lang, tôi thường thấy bác lau cửa phòng học, cửa sổ, thu gom rác… Công việc “luôn chân, luôn tay” nhưng chẳng khi nào tôi thấy bác than phiền mệt nhọc. Cứ gặp chúng tôi, bác lại cười tươi rồi hỏi han chuyện học hành.

Tâm sự với bác, tôi biết được thêm nhiều điều. Nhà bác cách xa trường gần 20km nên mỗi ngày, bác đều phải dậy từ sáng sớm để kịp giờ làm. Dù nắng hay mưa, bác luôn đến đúng giờ để thực hiện công việc. Biết bác làm việc ở MC, cả gia đình rất ủng hộ. Nhìn đôi tay thoăn thoắt làm việc với nụ cười trên môi, tôi thầm hiểu rằng, bác là một người rất nghị lực và lạc quan. Chính thái độ sống tích cực của bác khiến tôi tự nhắc nhở bản thân cũng phải luôn sống thật vui vẻ và kiên cường.

NHƯ ANH

(8P2)

Hình ảnh bác lao công với bộ đồng phục màu vàng, sáng sớm tất bật quét dọn, chiều tối vẫn cần mẫn lau chùi đã trở nên rất đỗi quen thuộc với cộng đồng MCer. Với tôi, họ giống như những người thầy, tuy không đứng trên bục giảng nhưng lại mang đến biết bao bài học bổ ích.

Tôi ấn tượng với bác Phạm An, một phụ nữ trung niên dễ mến và chăm chỉ. Tôi đã nhiều lần trò chuyện với bác mỗi khi bác làm việc ở gần lớp học của tôi. Bác đã gắn bó với Marie Curie được 5 năm. Trừ những hôm phải nghỉ ốm, còn lại chưa bao giờ bác muốn dừng làm việc ở MC. Bởi bác thật sự thấy hạnh phúc khi mỗi ngày được ngắm nhìn các cô, cậu học trò chạy nhảy trong môi trường sạch đẹp mà các bác đóng góp công sức. Mỗi lần quan sát bác làm việc, tôi lại thấy cảm phục vô cùng. Bác làm việc rất chỉn chu, cẩn thận. Từng vết bẩn dù to hay nhỏ đều được bác tỉ mẩn làm sạch, không để sót một chút nào. Lúc nào gặp tôi, bác cũng nở nụ cười tươi và không bao giờ quên hỏi thăm. Bác chia sẻ: “Trường mình đẹp cả người lẫn cảnh nên bác thích ở đây mãi. Ở nhà hôm nào là bác buồn hôm đó. Đến đây, chỉ cần nghe tiếng nói cười của học sinhđủ khiến tâm trạng của bác phấn chấn rồi”.

Trước đây, tôi ít khi quan tâm tới cảm xúc của người khác nhưng từ khi chuyện trò với bác, tôi thấy mình đã có sự thay đổi. Lúc đến trường, tôi đã để ý xung quanh nhiều hơn. Thay vì chỉ chúi đầu vào sách vở hay “tám” tào lao với bạn bè về những thần tượng ở tận đâu, tôi đã để tâm hơn đến những người quanh mình. Tôi cũng ý thức hơn việc giữ gìn vệ sinh chung.

Sau này ra trường, ngoài thầy cô và bạn bè, những người mà tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất chính là các cô, các bác lao công. Sự cống hiến thầm lặng của họ mãi là những bài học quý theo chúng tôi suốt cuộc đời.

BÍCH PHƯƠNG

(8P3)

 

 

21

Tháng 11/2024

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:17 Viết bởi TRUONG MARIE
Hòa chung không khí hân hoan của cả nước hướng tới kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tại hệ thống giáo dục Marie Curie, Hội diễn văn nghệ lần thứ 32 diễn ra sôi nổi với gần 240 tiết mục từ các lớp mầm non đến THPT. Chương trình này cũng là cơ hội để các MCer, thầy cô và bố mẹ được toả sáng trên sân khấu lung linh.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:10 Viết bởi TRUONG MARIE
Sáng 20/11, tại nhà hát Thăng Long - cơ sở Việt Hưng đã diễn ra chương trình tranh giải Đặc biệt và vinh danh các tập thể xuất sắc nhất Hội diễn văn nghệ lần thứ 32.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 15:26 Viết bởi TRUONG MARIE
Mang trong mình nhiệt huyết và đạo đức của nghề giáo, trong suốt 30 năm làm nghề, thầy Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch Hệ thống giáo dục Marie Cuire Hà Nội đã là người gieo mầm xanh của sự tử tế vào tâm hồn của biết bao thế hệ học sinh.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 09:07 Viết bởi TRUONG MARIE
Những thước phim quay chậm trên sân khấu MC đã mang tới cho người xem cảm nhận sâu sắc hơn về ý niệm thời gian. Thông qua 26 tiết mục ý nghĩa, các MCer khối 8, 9 - Mỹ Đình đã lan tỏa thông điệp “Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc có thể làm hôm nay!”.
Xem thêm

19

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

Thứ ba, 19 Tháng 11 2024 14:59 Viết bởi TRUONG MARIE
Tối 16/11, Chung khảo khối THPT - Văn Phú đã đưa mọi người trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ háo hức, chờ đợi, lắng đọng khi từng lời ca, giai điệu được vang lên cho đến bồi hồi, suy ngẫm về hai chữ “Thời gian”.
Xem thêm