Thầy và trò tuy chủ yếu giao tiếp qua thiết bị điện tử nhưng cộng đồng MC vẫn sôi động với những tiết học sáng tạo, thú vị. Chúng mình cùng tham quan một số phòng học để cảm nhận rõ hơn điều này nhé!
Sinh học: làm mô hình tế bào động, thực vật từ… thạch, củ, quả
Theo cô Đặng Thùy (GV Sinh học), một trong những nội dung của chương trình Khoa học tự nhiên 6 mới là tế bào. Để giúp MCer nắm chắc kiến thức, cô đã vận dụng các phương pháp dạy học tích cực như: kỹ năng tra cứu, tìm kiếm, thẩm định thông tin và kỹ năng nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc xem video hướng dẫn các thao tác làm mô hình tế bào thực vật và động vật, MCer còn được thực hành tại nhà.
Cô Đặng Thùy cho biết: “Các con tận dụng những nguyên liệu có sẵn trong gia đình như: rau, củ, quả, bột thạch rau câu… để thực hành. Các con sẽ chụp ảnh các thao tác thực hiện và nộp qua Microsoft Teams. Qua bài thực hành, mình thấy các con làm mô hình rất sáng tạo, đa dạng hình thức báo cáo từ ảnh, video, word đến power point”.
Gia Bảo (6P5), Quỳnh Lê (6G4) đã tự tay làm món thạch tế bào vừa đẹp mắt vừa ngon miệng. Sau khi quan sát hình ảnh tế bào trong sách giáo khoa, các bạn chuẩn bị nguyên liệu, gồm: bột thạch, thanh long, roi, xoài, dưa hấu, ca cao, hoa đậu biếc, nước lọc, đường… Sau đó, các bạn nấu sôi hỗn hợp thạch, đổ ra khuôn rồi trang trí quả lên trên sao cho giống mô hình tế bào nhất. “Chúng mình rất thích phương pháp học này. Trong quá trình làm, chúng mình ghi nhớ các bước tạo nên mô hình, đồng thời nhận thức nó bằng nhiều giác quan. Đặc biệt, chúng mình có thể thỏa trí sáng tạo và khoe thành phẩm của mình với bạn bè”, hai bạn chia sẻ.
Ngữ văn: ghi nhớ tác phẩm qua vẽ tranh, làm video
Theo cô Thanh Tâm (GV Ngữ văn), giáo viên luôn có nhiều phương án theo từng khối lớp để khai thác công nghệ online, khiến học sinh hứng thú hơn với tiết học. Ví dụ: xem phim tư liệu, nghe sách audio, xem trích đoạn phim… liên quan đến bài học. Giáo viên cũng thực hiện nhiều kênh tương tác như: gọi học sinh phát biểu, chia sẻ ý kiến trong mục chat của lớp, dùng ứng dụng Palet... Ngoài ra, để giúp MCer nắm được bài, thầy cô còn chuẩn bị phiếu hướng dẫn soạn bài, đề kiểm tra phù hợp với từng lớp hoặc bảng tổng kết kiến thức để học sinh tự nghiên cứu sau giờ học.
Cô Ánh Ngọc (GV Ngữ văn) thường xuyên triển khai hoạt động làm video cho các lớp. Cô phân mỗi nhóm gồm 2 học sinh, tự tìm hiểu về tác giả, tác phẩm rồi làm video thuyết trình để trình chiếu trước lớp. Còn với hoạt động vẽ tranh, cô cho thực hiện ở một số tác phẩm thơ có chất họa nổi bật như: Tự tình, Câu cá mùa thu... MCer sẽ đọc văn bản, sau đó liên tưởng để vẽ tranh.
Chí Bảo, Hải Anh (11E5) đã làm video ấn tượng giới thiệu tác phẩm “Thương vợ”. Chí Bảo cho biết: “Chúng mình sử dụng công cụ Google Slides để cùng trao đổi và chỉnh sửa. Sau khi hoàn thiện slide, chúng mình tự thu âm và đưa vào phần mềm Capcut rồi lồng thêm nhạc nền để bài thuyết trình lôi cuốn hơn. Thông qua hoạt động này, chúng mình không chỉ được thỏa trí sáng tạo mà còn cải thiện khả năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm”.
Quang Đạt (11I) gây ấn tượng khi thực hiện bức tranh vẽ phong cảnh trong tác phẩm “Tự tình II” của nhà thơ Hồ Xuân Hương. Cậu “bật mí”: “Mình vốn thích phong cách vẽ graffiti nên khi nhận đề bài của cô, mình vô cùng hứng thú. Mình đã phác họa thi sĩ Hồ Xuân Hương với khuôn mặt hiền từ, mang nỗi buồn da diết. Trong tranh, không gian tưởng gần mà lại xa, trăng và mây như cùng sà xuống để bầu bạn cùng thi sĩ. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể che lấp nỗi u sầu trên gương mặt của nhà thơ… Với mình, đây là một cách học văn thú vị khi có thể phát huy khả năng sáng tạo và cảm nhận tác phẩm văn học theo cách riêng”.
Tiếng Anh: lồng tiếng cho phim, thực hiện mindmap
Anh Thư (11E5), Quỳnh Hương (10E3) rất thích hoạt động lồng tiếng cho phim, chẳng hạn như “Desperate Housewives”. Theo các bạn, đây là phương pháp học mới lạ và bổ ích; giúp luyện khả năng nghe, nói giống như nhân vật trong phim. Áp dụng phương pháp shadowing, các bạn còn được trau dồi vốn từ vựng, rèn kỹ năng phản xạ nhanh, sử dụng ngôn từ một cách lưu loát.
Bên cạnh đó, các bạn còn được làm mindmap. Phương pháp này giúp hệ thống kiến thức đã học một cách khoa học, sáng tạo và dễ hiểu.