Yêu thích kinh doanh từ lúc còn bé và bắt đầu buôn bán với quy mô nhỏ, nhiều MCer đang từng ngày hiện thức hoá những ý tưởng khởi nghiệp của riêng mình.
Lê Anh (12E1): Ấp ủ dự án mở nhà hàng chay
Cô gái cá tính Lê Anh mê kinh doanh từ năm lớp 4. Hồi ấy, cô bạn đặc biệt quan tâm tới ngành dịch vụ. Mỗi lần cùng bố mẹ vào nhà hàng, Lê Anh thường hỏi người quản lý về cách sắp xếp đồ ăn, dao dĩa trên bàn, dùng ly uống rượu vang… Rồi cô bạn thổ lộ với mẹ mong muốn sau này mở một nhà hàng của riêng mình.
“Ngày ấy, người quản lý nhà hàng nói với mình: “Ước mơ của con rất lớn nhưng để đạt được, con phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất”. Vì thế, mình luôn chú ý đến những chi tiết nhỏ trong ngành dịch vụ. Theo mình, dự án kinh doanh càng chi tiết, cụ thể và tính khả thi càng cao thì thành công càng lớn. Mình dự định “start-up” bằng việc mở nhà hàng chay ở Việt Nam theo phong cách cổ điển, nhẹ nhàng sau khi học xong ngành Quản trị nhà hàng, khách sạn tại Thụy Sỹ”, Lê Anh chia sẻ.
Khi hỏi lý do chọn đồ chay để kinh doanh, cô bạn bật mí: “Mẹ mình là người theo đạo Phật và mình thường cùng mẹ nấu đồ chay tại nhà. Hơn nữa, mọi người có xu hướng ăn chay rất nhiều bởi nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong khi đó, nhà ăn chay ở Việt Nam không nhiều, mức giá bán của loại đồ ăn này không hề rẻ, từ 80 - 150K/suất. Lúc mình trình bày ý tưởng, mẹ rất ủng hộ, nói sẽ hỗ trợ việc nấu đồ chay và một chút vốn”.
Ấp ủ mong muốn đó, Lê Anh đang dần học hỏi và trau dồi kinh nghiệm từ những va vấp sau mỗi lần buôn bán nhỏ lẻ như: nhập son từ Thái Lan hay tìm mối đồ ăn vặt ở TP. HCM rồi chuyển về Hà Nội bán cho bạn bè… “Trước khi nhập hàng, mình đăng lên Facebook cá nhân để gom đơn đặt hàng. Mình nhớ lần nhập lớn nhất là 20 đơn hàng, thu về 3 triệu đồng tiền lãi. Với số tiền thu được, mình đầu tư lớn hơn để nhập đợt hàng tiếp theo”, Lê Anh kể.
Hè vừa rồi, Lê Anh còn ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh cho một trung tâm fitness. Công việc này giúp cô bạn tích luỹ nhiều bài học kinh nghiệm như: nắm bắt tâm lý khách hàng để đưa ra sản phẩm phù hợp, cách tạo uy tín cho bản thân bằng tác phong làm việc niềm nở, cách giữ mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp…
Nhận thấy việc mở một nhà hàng chay không hề dễ dàng với cô gái trẻ mới ra trường nên Lê Anh đã lên lịch trình cụ thể cho các đầu việc. Cô bạn nói, kinh phí đầu tư không ít, có lẽ cần 2 - 3 tỷ đồng để thuê địa điểm, sửa chữa, trang trí, mua nguyên vật liệu… Về vốn ban đầu, cô bạn sẽ mượn từ gia đình, ngân hàng… hoặc có thể tham gia “Shark tank” để huy động các nhà đầu tư. Lê Anh cho biết thêm: “Mình nghĩ rằng, khởi nghiệp cần phải mạo hiểm, đột phá, đâm lao theo lao và đầu tư lớn sẽ thu về lớn. Tất nhiên là phải có định hướng chi tiết, rõ ràng và mang tính khả thi cao. Nếu kinh doanh thành công, mình sẽ mở trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cho các em đi học và đào tạo nghề. Đó là chuyện tương lai; còn bây giờ, mình sẽ tập trung học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng để du học”.
Duy Anh (11P2): Ông chủ nhỏ với mặt hàng “hot trend”
Duy Anh rất thích thú khi được cô chủ nhiệm đặt cho biệt danh “boss của lớp”. Bởi cậu rất thích kinh doanh. Từ hồi bé xíu, câu chuyện phiêu lưu về những chuyến buôn vải từ Trung Quốc bằng đường tàu của bố đã lôi cuốn cậu. Từ đó, cậu nhen nhóm mơ ước trở thành doanh nhân có sự nghiệp riêng.
Phi vụ kinh doanh đầu tiên mà cậu bạn “dấn thân” là đầu năm lớp 11 và thu về 1,4 triệu đồng tiền lãi. “Lần đó, mình nhập 500 gói bim bim và bán với giá 4.000đ/gói, rẻ hơn so với giá thị trường. Số vốn mình bỏ ra ban đầu là 700K, do không nhiều nên không cần huy động vốn. Sau vụ đó, mình mở rộng kinh doanh các mặt hàng “hot trend” khác trong giới học đường như: kẹo dẻo, ô mai, kẹo cam C, milo viên nhập từ Thái Lan… và khá thuận lợi”, Duy Anh thích thú kể.
Để có được những thành công bước đầu đó, trước tiên, cậu bạn tìm hiểu thị hiếu, nắm bắt tâm lý khách hàng xem nhu cầu của học sinh hiện nay thích ăn gì và “soi” xem canteen trường hay các cửa hàng bên ngoài không bán đồ ăn vặt nào để nhập mặt hàng độc đáo, hút khách. Tiếp theo, cậu lên Instagram, Facebook quảng cáo, nhận đơn rồi tiến hành nhập hàng. Ngoài ra, để thu hút cộng đồng mạng, cậu trích một số tiền nhỏ cho PR. Bên cạnh đó, cậu nhờ bạn bè giới thiệu, chia sẻ ở trường khác hay đến các quán bán đồ ăn vặt “chào hàng” bán sỉ với số lượng lớn để mở rộng địa bàn. Theo “ông chủ nhỏ” này, chỉ cần bạn chịu khó tìm hiểu nguồn hàng, có đầu óc phán đoán, đánh giá thị hiếu khách hàng thì việc “khởi nghiệp” quy mô nhỏ không gặp nhiều khó khăn.
“Phương châm kinh doanh của mình là luôn bán giá thấp hơn thị trường để thu hút khách. Sau khi thu về tiền lãi, mình sẽ tiếp tục đầu tư để sinh lãi. Thú thực, việc kinh doanh mang lại cho mình nhiều điều thú vị và giúp khẳng định thương hiệu của bản thân. Mình ấp ủ dự định mở nhà hàng với đồ ăn truyền thống. Có lẽ vì mình rất thích nấu ăn và được mọi người khen ngon. Ngoài ra, mình muốn quảng bá đặc sản Việt Nam để khách quốc tế biết đến nhiều hơn. Mình sẽ cố gắng hiện thực hóa dự án này dù việc đó không dễ dàng thực hiện trong ngày một, ngày hai”, Duy Anh chia sẻ.
Thảo Linh (12M2): Thu nhập 15 - 20 triệu/tháng
Câu chuyện vay vốn 4 triệu đồng để kinh doanh khi học lớp 9 của Thảo Linh khiến nhiều người bất ngờ. Bởi số tiền không hề nhỏ so với một cô bé 15 tuổi. “Mình bắt đầu buôn bán từ lớp 7 nhưng lúc ấy chỉ là làm cho vui. Mặt hàng mình kinh doanh là đồ “hand-made”. Năm lớp 9, mình quyết định vay bà nội 4 triệu đồng để nhập quần áo. Khi mình trình bày ý tưởng, bà gật đầu đồng ý vì luôn tin tưởng mình. Sau một thời gian, mình đạt được doanh thu kha khá. Ngoài việc trả lại tiền vốn, mình còn biếu bà 1 triệu đồng như món quà cảm ơn”, Thảo Linh vui vẻ kể.
Lên lớp 10, Thảo Linh nghĩ đến việc đặt hàng trực tiếp từ nơi sản xuất tại Trung Quốc, chứ không qua trung gian nên cùng một người bạn tiến hành tìm hiểu thị trường, nguồn hàng. Lớp 11 là khoảng thời gian Thảo Linh có mức doanh thu lớn nhất, khoảng 50 - 60 triệu/tháng vì ngoài quần áo, cô bạn còn bán thêm mỹ phẩm. “Để kinh doanh, bạn cần biết tính toán nguồn hàng nhập về, số lượng khách đặt và sử dụng PR, quảng cáo đúng thời điểm, phù hợp với thị hiếu của từng đối tượng… Ban đầu, việc đặt hàng từ Trung Quốc của mình gặp chút khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Nhưng nhờ Google dịch, mình dần quen mẫu chữ và có thể chọn size, kiểu dáng… đúng với mong muốn. Hơn nữa, để đảm bảo sản phẩm “chuẩn như hình ảnh”, mình thường chọn những trang web lớn, uy tín để đặt hàng”, Thảo Linh bật mí.
Năm lớp 12 này, cô bạn quyết định thu hẹp mô hình kinh doanh để tập trung học và thực hiện mục tiêu thi vào trường đại học mong muốn. “Bố mẹ treo thưởng nếu mình đỗ đại học thì sẽ đầu tư một số vốn để mình mở rộng kinh doanh. Còn gì tuyệt vời hơn khi bố mẹ là những “shark” đầu tư cho dự án của mình!”, Thảo Linh cho biết.
Dự định của cô bạn là sau khi tốt nghiệp THPT sẽ mở rộng kinh doanh, tạo dựng thương hiệu của riêng mình bằng việc mở chuỗi cửa hàng quần áo mang tên “The Splash” ở Hà Nội và TP. HCM, song song với việc học đại học.
Liên Chi (6P2): Mong muốn mở phòng tranh
Cô Thái Lê (mẹ của Liên Chi) kể rằng, từ lớp 3, bạn ấy đã chơi trò kinh doanh tại lớp, ví dụ như: mở nhà hàng, ngân hàng, trường tư, hãng máy bay riêng hay lập tờ báo về lớp. Bạn ấy làm tin, vẽ các sự kiện xảy ra ngày hôm ấy trong lớp. Thành viên nào muốn đọc thì “mua” bằng tiền do các bạn ấy tự vẽ và quy ước sử dụng ở lớp…
Liên Chi chia sẻ thêm: “Mình rất mê vẽ nên cứ có bút là vẽ mọi lúc, mọi nơi. Có lần, mình đang hí hoáy thì nhiều bạn hỏi: “Tranh đẹp thế, cho tớ được không?”. Mình đùa lại: “Tranh này không cho được, tớ bán đấy!”. Thế mà có bạn tưởng thật, hỏi: “Giá bao tiền để tớ mua?”. Sau lần đó, mình mới nghĩ tới việc vẽ tranh để bán. Các bạn nói rất thích tranh của mình và đặt hàng vẽ nhân vật hoạt hình, game. Mỗi lần nhận được lời đề nghị, mình đều tìm hiểu hình dáng, tóc, trang phục, thần thái của nhân vật rồi mới tiến hành vẽ”.
Bảo Linh (6P2) nhận xét: “Tranh của Liên Chi đẹp lắm, rất sáng tạo và phong phú! Có lẽ do hiểu biết về hội họa nên tranh của bạn ấy rất đặc biệt. Có nhiều bức trừu tượng, tớ phải nhờ bạn ấy giải thích thì mới hiểu hết. Các bạn trong lớp thường mua tranh của Liên Chi để trang trí móc chìa khóa hay góc học tập…”. Không chỉ bán trong lớp, Liên Chi còn mở rộng địa bàn trên xe buýt trường. Đi đến đâu, cô bạn cũng kể chuyện, tự PR kho tàng tranh của mình để thu hút khách.
Liên Chi được bố mẹ cho đi học vẽ ở Cung Thiếu nhi từ hồi nhỏ xíu. Nhưng lúc đó, cô bạn chưa thích và cảm thấy mình không có năng khiếu. Đến lớp 5, cô bạn mới bắt đầu thích hội họa, đặc biệt năm lớp 6 thì say mê đến nỗi quên thời gian mỗi khi cầm bút vẽ.
Vì thích kinh doanh nên Liên Chi ấp ủ việc mở phòng tranh để bán các tác phẩm của mình. “Thời gian tới, mình sẽ tiếp tục bán tranh để dành dụm tiền tự mua màu vẽ, đạo cụ. Nếu ai đó đầu tư vốn 10 triệu, 20 triệu… hay 100 triệu, mình sẽ mở phòng tranh ngay lập tức. Điều mình cần làm là thuê phòng, mua đạo cụ, bút vẽ, lên chiến dịch truyền thông… Phòng tranh mình sẽ mang tên “Ludz” - biệt danh mình hay ký dưới mỗi bức tranh. Để huy động vốn đầu tư từ bố mẹ, mình sẽ thuyết phục bằng chính niềm đam mê, sản phẩm và thành quả đạt được. Bố mẹ nói rằng: “Việc bán tranh là hợp pháp vì đó là công sức lao động sáng tạo của con. Nhưng con cần nhớ việc này phải có sự thoải mái của cả hai bên trên tinh thần “thuận mua, vừa bán”, chứ không nên làm khó bạn. Hơn nữa, con không được để việc này ảnh hưởng đến học tập hay các mối quan hệ bạn bè. Con đã bán được tranh thì hãy tiết kiệm tiền để tự mua màu vẽ”. Nghe thấy thế, mình rất vui vì được bố mẹ ủng hộ hết mình”, họa sĩ nhí chia sẻ.
Cô Thái Lê cho rằng: “Mình thấy bất ngờ trước ý tưởng mở phòng tranh của con. Mọi ý tưởng của tuổi trẻ, cho dù là xa thực tế, bất khả thi nhưng cần được chúng ta trân trọng. Đối với tranh của Liên Chi, mình ngạc nhiên khi biết con vẽ bằng trí tưởng tượng về các trạng thái, tư thế, hành động và tự phối trang phục, phụ kiện cho nhân vật. Có lẽ do các tác phẩm của con không giống ảnh mẫu nên các bạn mới thích mua”.
Với Liên Chi, vẽ tranh không chỉ là đam mê, giúp giải tỏa cảm xúc, rèn luyện sự tập trung mà còn là cách cô bạn nuôi dưỡng dự án “start-up” của bản thân.
“Ngày lớp 5, lớp 6, mình cùng 2 cô bạn thân thành lập “công ty 3 con chuột” chuyên thiết kế thời trang, có “business card” hẳn hoi. Tụi mình say mê thiết kế váy áo cho hình nộm búp bê bằng bìa carton. Dù chưa bán sản phẩm nào nhưng chúng mình đã có nhiều kỷ niệm rất vui.
Các MCer đang nhen nhóm những ý tưởng “start-up”, mình nghĩ nên được ủng hộ, hỗ trợ và định hướng. Trên thế giới, định hướng khởi nghiệp cho học sinh là chuyện không lạ. Học sinh tự làm các dự án kinh doanh để huy động tiền, đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện rất phổ biến. Nhiều bạn nhỏ còn sở hữu công ty riêng. Ví dụ: cô bé Mikaila Ulmer (13 tuổi) đã phát triển thương hiệu nước chanh riêng “Me & The Bees Lemonade” với công thức gia truyền từ bà ngoại, hiện sản phẩm được phân phối ở hơn 500 cửa hàng khắp nước Mỹ. Hay cô bé Samaira Mehta (10 tuổi) sáng lập và là CEO của công ty CoderBunnyz, được Google mời về làm việc. Mình nghĩ, nhà trường nên tạo môi trường để học sinh có những hoạt động sáng tạo, trải nghiệm không phải nhằm để các con mai kia tự khởi nghiệp mà điều quan trọng là thông qua đó, các con học được rất nhiều kỹ năng như: làm việc nhóm, lên kế hoạch, hiểu biết tài chính…”, cô Hương Ly (CHS I, 95 - 99; đồng sáng lập Học viện tư duy và kỹ năng IEG) cho biết. “Các bạn trẻ càng ngày càng giỏi và việc có những ý tưởng kinh doanh đột phá là rất tốt. Tuy nhiên, các bạn cần nhận thức được khởi nghiệp không phải chỉ để thoả mãn sở thích kinh doanh mà còn phải đứng từ những góc độ khác để nhìn nhận như: giá trị mang lại cho xã hội, ý tưởng đó có giải quyết vấn đề gì lớn không và nguồn lực đủ hay không. Mình nghĩ nên khuyến khích các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm những ý tưởng kinh doanh và tạo cho họ môi trường để có sự phản biện, từ đó tích luỹ nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, cần phân biệt được khái niệm kinh doanh và khởi nghiệp để tránh nhầm lẫn.
Theo mình, độ tuổi học sinh thì chưa phải thời điểm thích hợp để kinh doanh nhưng hoàn toàn có thể trở thành những “inventor”, tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội. Để biến một ý tưởng, một sản phẩm ra kinh doanh cần có thêm nhiều công đoạn và kiến thức, ví dụ như: tài chính, luật pháp, nhân sự - những điều mà các bạn học sinh sẽ không có lợi thế. Nhưng không vì vậy mà chúng ta không khuyến khích những ý tưởng hay. Chúng ta cần tạo ra những môi trường vừa đủ để các bạn thử sức, thử thất bại mà không quá đau đớn. Ví dụ, thay vì một thị trường rất lớn thì có thể mở ra những mô hình kinh doanh, những sản phẩm phục vụ cho ngôi trường đang theo học. Dù thành công có thể không quá lớn nhưng những kiến thức học được trong quá trình đó sẽ là vô giá”, Nguyễn Khôi (CHS, 02 - 06; đồng sáng lập và CEO của Wefit) bày tỏ. |
Theo MCer Link 38