Phong cách sống tối giản, tại sao không?

Đã bao giờ bạn thấy mệt mỏi khi phải dọn dẹp “núi” đồ đạc trong phòng mình? Món đồ nào đã hơn một năm bị bạn lãng quên và không sử dụng đến? Có khi nào đầu óc bạn quay cuồng vì bận tâm, suy nghĩ những chuyện vẩn vơ? Làm thế nào để giải quyết những vấn đề trên? Câu trả lời là hãy hướng đến lối sống tối giản. 

Tôi từng nghe đến lối sống tối giản, đặc biệt qua các bài báo về giới trẻ Nhật Bản. Hiện tôi cũng đi theo cách sống này.

Tôi không mang về nhà những vật dụng không cần thiết; vứt bỏ những thứ lỉnh kỉnh, vướng víu và tránh xa cám dỗ mua sắm. Tủ đồ của tôi có khoảng 10 bộ váy; không nhiều giày, dép. Thay vì phải đắn đo hôm nay mặc gì, đi gì thì tôi tốn ít thời gian suy nghĩ. Do không phải thử đi, thử lại một bộ đồ nên tôi có thể  nhanh chóng ra khỏi nhà. Với tôi, sống tối giản là loại bỏ những thứ không dùng đến để tạo nên một không gian gọn gàng, từ đó giải phóng bản thân khỏi việc lệ thuộc đồ vật. Theo đuổi phong cách sống này, tôi đã tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền của; giảm bớt được sự căng thẳng và thấy cuộc sống đơn giản, thư thả, nhẹ nhàng hơn.

Theo tôi, học sinh có thể áp dụng cách sống này. Các em hãy bắt đầu bằng việc sắp xếp lại tủ quần áo sao cho ngăn nắp theo từng loại đồ, khi cần đến sẽ không mất nhiều thời gian tìm kiếm. Lúc lựa chọn quần áo để mặc, các em mở tủ ra và lấy bộ đồ khiến mình thấy tự tin nhất là được. Đi theo cách sống tối giản, các em ít phải bận tâm đến nhiều điều không cần thiết trong cuộc sống, từ đó có nhiều thời giờ dành cho việc học hơn.

BẠCH TUYẾT

(GV Địa lý)

Sau quá trình tìm hiểu, tôi biết rằng, sống tối giản tức là có thật ít vật chất dư thừa xung quanh, hạn chế mua sắm đồ xa hoa.

Khi mới làm quen với lối sống này, tôi gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là cảm thấy hối hận khi loại bỏ một số món đồ yêu thích nhưng không sử dụng nhiều. Không ít lần bạn bè rủ đi mua sắm hay được ngỏ ý tặng quà, tôi thường từ chối. Đơn giản vì tôi không muốn có thêm những đồ đạc không thực sự hữu dụng với bản thân.

Khi sống tối giản, cuộc sống của tôi trở nên nhẹ nhàng hơn. Mọi món đồ đều có thể được tìm thấy dễ dàng vì tôi quản lý tốt chúng. Tôi còn tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.

Đặc biệt với công việc đứng lớp, lối sống tối giản giúp tôi có nhiều thời giờ hơn dành cho học sinh; đồng thời làm được nhiều việc ý nghĩa mà mình mong muốn thực hiện.

Tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm việc năng suất, hiệu quả hơn; sắp xếp được các công việc và biết ưu tiên cho những điều quan trọng trong cuộc sống.

PHƯƠNG ANH

(GV Tiểu học)

Năm lớp 9, khi đặt chân đến xứ sở “Hoa anh đào”, mình đã bị choáng ngợp bởi sự tối giản và tinh tế trong những căn nhà ở đất nước đẹp đẽ, yêu kiều này.

Để thật sự cảm nhận được cuộc sống nơi đây, mẹ mình đã đặt chỗ ở cho gia đình theo đúng kiểu nhà của người Nhật. Một căn phòng rộng dành cho năm người nhưng chỉ có một phòng tắm nhỏ, một nhà vệ sinh nhỏ, một phòng ngủ và một phòng khách rộng. Phòng ngủ không hề có giường bởi những tấm đệm và chăn được xếp ngay ngắn trong tủ quần áo. Phòng khách được trang bị một bàn sưởi để có thể giảm bớt chi phí lắp đặt ở mỗi phòng. Phòng tắm và nhà vệ sinh nhỏ hơn so với thông thường nhưng vẫn đầy đủ cho nhu cầu sử dụng của một người.

Trước đây, phòng của mình không ngăn nắp lắm và thường khi nào bố mẹ phàn nàn, mình mới dọn dẹp. Đến một ngày nhận ra căn phòng có quá nhiều đồ đạc, mình đã nghĩ đến việc áp dụng cách sống này.

Kể từ đó, mình bỏ được thói quen để đồ linh tinh ở nhiều nơi; giảm bớt lượng đồ trong phòng; học được tính ngăn nắp và căn phòng trở nên sạch sẽ, gọn gàng hơn nên bố mẹ chẳng phải phàn nàn nữa. Mỗi lần định mua một món đồ, mình có thể vượt qua được cám dỗ để cân nhắc xem nó có thực sự cần thiết với bản thân không.

Dù chưa phải là một người có lối sống tối giản hoàn toàn nhưng mình luôn cố gắng học tập lối sống này của người Nhật. Thường ngày, mình ăn mặc vô cùng giản dị. Nhưng theo mình, giản dị không có nghĩa là xuề xòa mà vẫn tạo được ấn tượng với mọi người về phong cách của bản thân. Mình thường kết hợp áo phông với chân váy; còn vào những dịp đặc biệt thì sẽ lựa chọn những bộ đồ thể hiện cá tính.

Theo đuổi lối sống này, mình nhận được sự ủng hộ rất lớn của gia đình bởi bố mẹ mình từng du học Nhật Bản. Bên cạnh đó, cả nhà mình nhận ra, cách sống đơn giản, tinh tế nhưng vẫn đầy đủ ấy khiến mọi người cảm thấy thuận tiện hơn, vui vẻ hơn. Càng ngày, mình càng nhận thấy nhiều ưu điểm của phong cách sống này. Mình quản lý thời gian tốt hơn và có thể làm được nhiều việc mỗi ngày như: học bài trên lớp, học thêm, tham gia hoạt động ngoại khóa, đi chơi cùng bạn bè, chơi thể thao hay nấu món ăn mới…

Nếu căn phòng của bạn bừa bộn, ngập tràn đồ dùng và sách vở để mỗi chỗ một cuốn, khó tìm kiếm thì hãy tìm hiểu lối sống này! Rất có ích đó! Có thể lúc đầu, bạn thấy không hề dễ dàng để thay đổi cách sống hiện tại nhưng hãy cố lên. Bởi khi có niềm tin và quyết tâm, bạn sẽ làm được. Chúc các bạn thành công!

MINH ANH

(CHS E0 - E1, 13 - 17)

Mình khá ngăn nắp và rõ ràng nên khó làm việc được khi ở trong “núi” đồ đạc bừa bãi. Bố mẹ mình cũng rất ủng hộ lối sống tối giản bởi đây là thói quen có ích, đặc biệt với những người muốn sống khoa học hơn.

Để làm được điều đó, bạn cần hiểu rõ những lợi ích mà cách sống này mang lại. Bạn cũng cần biết rằng, chủ nghĩa tối giản không chỉ dừng lại trong việc lược bỏ đồ đạc mà còn ở chuyện sắp xếp thứ tự công việc, dành thời gian cho những việc thiết yếu, quan trọng và gấp gáp trước. Ví dụ: học trước khi chơi, tập luyện thể thao trước khi nghỉ ngơi; mua sắm những thứ hữu dụng, dùng nhiều lần; có suy nghĩ, quan điểm mạch lạc, rõ ràng.

Phong cách sống này đã mang lại cho mình hiệu quả khi làm việc; không cảm thấy chán nản khi bắt tay vào việc; không mất thời gian chuẩn bị đồ đạc mà luôn biết tìm ở đâu; môi trường sống và làm việc cũng trở nên gọn gàng, sạch sẽ hơn. Nhiều người cho rằng, lối sống tối giản chỉ dành cho người giàu. Nhưng mình nghĩ, cách sống này là dành cho mọi người bởi nó quan tâm đến mức độ ưu tiên và hữu dụng, chứ không phải tối giản về số lượng.

PHƯƠNG ANH

(CHS P1, 15 - 19) 

Chủ nghĩa tối giản (Minmalism) là cụm từ không mới trong xã hội hiện đại. Rất nhiều người trên thế giới theo đuổi cách sống này; không chỉ tối giản trong nội thất, sắp xếp đồ đạc, phong cách ăn mặc mà còn ở cách làm việc, phương pháp học, suy nghĩ, quan điểm…

Vậy làm thế nào để có một lối sống tối giản? Dưới đây là những gợi ý dành cho bạn!

* Tiến hành cuộc “cách mạng” trong nhà:

Hãy bắt đầu từng phòng một để biến không gian sống của bạn trở nên rộng rãi, thoải mái và khiến bạn không bị phân tâm khi làm việc, học tập!

Bạn nên đặt câu hỏi: “Món đồ này có thực sự cần thiết không?”, “Bao lâu rồi mình chưa sử dụng nó?”... và hãy chỉ giữ lại những món đồ thiết yếu nhất trong từng phòng. Với những đồ không sử dụng, bạn hãy bán hoặc quyên góp.

* Lập danh sách ưu tiên cho những việc cần làm:

Bạn lược bỏ những điều không cần thiết và tập trung vào những việc quan trọng để hướng tới những mục đích mà mình theo đuổi. Điều này sẽ làm tăng giá trị cho cuộc sống của bản thân và bạn không bị ảnh hưởng, xao nhãng bởi những yếu tố bên ngoài hoặc ý kiến nhận xét của người khác.

* Hạn chế mua sắm:

Trước khi mua một món đồ như: bộ quần áo mới, chiếc váy hợp thời trang, thỏi son mới ra..., bạn hãy tự hỏi bản thân xem có thực sự cần đến nó không. Một người theo chủ nghĩa tối giản sẽ hạn chế số lượng đồ đạc và bỏ thói quen mua sắm không chủ đích.

Nếu thấy khó quá, bạn có thể sử dụng mẹo “chờ 72 giờ”. Nếu sau 72 giờ (3 ngày), bạn vẫn thấy do dự, phân vân về việc mua món đồ thì đó chỉ là ham muốn, cám dỗ nhất thời. Áp dụng cách này, bạn sẽ tiết kiệm được khoản tiền kha khá.

* Dành thời gian cho bản thân:

Hãy coi trọng bản thân và làm chủ thời gian của mình! Ví dụ, nếu mỗi ngày giảm 1 giờ vào mạng xã hội, bạn sẽ tiết kiệm được 2,5 tuần/năm để làm những việc ý nghĩa hơn.

* Giảm bớt các mối quan hệ xã hội:

Điều này có nghĩa là bạn hãy cắt bỏ những mối quan hệ không cần thiết để tránh lãng phí thời gian.

Ví dụ, nếu có quá nhiều “bạn” trên Facebook mà mình không quen biết hoặc chưa gặp mặt, bạn nên “unfriend” hoặc “unfollow” họ. Thay vào đó, bạn hãy quan tâm hơn đến những người thân và những mối quan hệ thực tế hàng ngày.