Tình yêu sách của MCer

MCer không chỉ hát hay, múa đẹp, chơi thể thao cừ mà còn rất mê đọc sách. Chúng mình cùng lắng nghe các “cư dân” MC chia sẻ tình yêu dành cho những cuốn sách nhé! 

“Bạn càng đọc nhiều, bạn càng biết nhiều!, Dr.Seuss (Nhà văn, nhà thơ và họa sỹ biếm họa người Mỹ) đã khẳng định điều đó. Tớ đồng ý với quan điểm của ông. Đọc sách chính là hình thức du lịch bằng tâm hồn. Thông qua những trang sách, chúng ta có được những trải nghiệm đa dạng và phong phú. Ngược lại, những người không đọc sách chẳng khác nào tự nhốt mình trong hang động suốt cả cuộc đời.

Từ khi còn bập bẹ đánh vần, tớ đã có niềm hứng thú với những mẩu truyện ngắn trong các cuốn sách nhỏ đầy màu sắc, đong đầy kỷ niệm tuổi thơ mà mẹ mua cho như: Công chúa ngủ trong rừng, Người đẹp và quái thú, Ba chàng lính ngự lâm, Hoàng tử bé, Công chúa nhỏ, Con rồng và hoàng tử… Những ngày thơ bé của tớ luôn có những câu chuyện trong sáng và bình yên như vậy đồng hành.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Bố mẹ tớ có rất nhiều cuốn sách thuộc thể loại truyện ký, văn học cổ điển và kinh doanh như: Khu vườn bí mật, Matilda, Một mình ở châu Âu, Người đua diều… Tớ cứ thấy quyển sách nào mà bố mẹ đưa về là ngay lập tức “nhâm nhi” cuốn đó và đắm chìm vào trong những trang sách. Tớ nhớ sinh nhật vừa rồi, cô Thu Giang (GV Ngữ văn) đã tặng tớ cuốn “Người khổng lồ ngủ quên” của tác giả Kazuo Ishiguro. Những lời văn trong đó thận trọng, trang nghiêm và ẩn giấu những cảm xúc sâu sắc, những suy ngẫm thấm thía về sự lãng quên, tình yêu, cuộc sống. Cuốn sách cuốn hút đến mức tớ đã “cày” hết chỉ trong một tối, khiến hôm sau hai mắt thâm quầng, gật gà gật gù rồi bị mẹ mắng vì tội thức cả đêm đọc sách. Giờ nhìn lại, tớ chợt nhận ra, những lúc đọc sách là những khoảnh khắc bình yên nhất mà tớ từng có.

Vậy nên đọc sách như thế nào nhỉ? Cách đọc sách của tớ là cân bằng giữa hư cấu và phi hư cấu. Tớ đọc nhiều sách về triết lý, phát triển bản thân, rèn kỹ năng và truyền cảm hứng, thậm chí cả sách lịch sử, văn hoá, kinh doanh. Đối với thể loại hư cấu, tớ thường chọn các tác phẩm văn học kinh điển hoặc có chiều sâu, thể hiện nội tâm con người và phải được đánh giá cao, có giá trị qua độ bền của thời gian.

Theo tớ, cần đọc ít nhất 50 quyển sách/năm. Nghe có vẻ nhiều nhưng chia ra mỗi tuần đọc một quyển, dành 30 phút hay một tiếng/ngày để tập trung đọc 30 trang sách. Hình thành thói quen như vậy, sau một năm nhìn lại, tớ thấy kiến thức của mình tăng lên đáng kể. Tớ có mẹo nhỏ cho các bạn. Đó là khi đọc sách, hãy để một quyển sổ nhỏ ở bên cạnh, thấy câu nào tâm đắc thì ghi lại, kèm theo cả cảm nhận của mình về câu đó nữa! Nhà văn J.K Rowling từng khuyên những người viết trẻ rằng, nếu muốn viết tốt thì hãy đọc càng nhiều càng tốt!

Tớ cực kỳ thích cuốn sách “Nào, mình cùng đạp xe đến Paris” của tác giả Nguyễn Thị Kim Ngân - một cô gái có cá tính mạnh mẽ, tâm hồn sâu sắc cùng khát vọng được du lịch vòng quanh thế giới. “Làm sao có thể đạp xe đến Paris? Có chứ! Bởi cô gái ấy đi là để viết cuốn sách đời mình, bởi cô tự nhận mình là một chiến mã khao khát đồng hoang…”. Cuốn sách đã tái hiện một cách chân thật, đẹp đẽ và tinh tế cuộc phiêu lưu của tác giả trên con “chiến mã” rong ruổi từ Sài Gòn đến thành phố lãng mạn Paris bằng giọng văn bình dị, mộc mạc mà rung động lòng người. “Câu chuyện là một bài ca tươi xanh về tuổi trẻ với những khắc khoải, khát khao, niềm đam mê và lòng dám sống, rất hiện đại mà cũng rất con người”.

Tớ muốn nhắn nhủ với các bạn rằng, hãy đọc thật nhiều sách vì sách giúp chúng ta mở mang tầm nhìn; vì sách cho ta biết từ những thứ nhỏ nhặt nhất đến những thứ to lớn, vĩ đại nhất; vì sách cho ta kiến thức, lời khuyên đúng đắn để đi tới thành công… Bởi vậy, việc không rèn cho mình thói quen đọc sách mỗi ngày là một thiệt thòi lớn, chẳng khác nào tự nhốt mình trong hang động. Bởi chẳng ai muốn cả đời chỉ sống trong hang động tối mịt, phải không nào?

MỸ LINH

(7P2)

Sách như là một người bạn của mình. Sách gắn bó với mình từ khi còn nhỏ và đồng hành cùng mình lúc ở nhà, cũng như ở trường. Việc đọc sách giúp mình mở rộng vốn hiểu biết và trau dồi bản thân. Gia đình mình có truyền thống đọc sách từ rất lâu và mẹ thường giới thiệu cho mình những cuốn sách hay, bổ ích. Mẹ cũng chính là người truyền cảm hứng đọc sách cho mình nhiều nhất.

Mình luôn dành ra khoảng 1 tiếng/ngày để đọc sách. Ngày xưa, mình hay đọc truyện cổ tích bởi nó đưa mình vào thế giới thần tiên, khám phá những điều mới lạ. Nhưng bây giờ, với sở thích học các môn tự nhiên, mình dành nhiều thời gian hơn cho các cuốn sách khoa học. Ngoài ra, mình còn đọc các tác phẩm văn học Việt Nam, truyện dài… để biết thêm về đời sống của người dân trong xã hội cũ, hoàn cảnh và số phận của những người cùng khổ.

Mình đã tự xây dựng một tủ sách riêng cho bản thân, chia thành các ngăn khác nhau. Chẳng hạn như: những cuốn sách khoa học tự nhiên (Thế giới qua lăng kính hiển vi, 1.001 bí ẩn đáng kinh ngạc về khoa học…), sách văn học Việt Nam/truyện dài (Đất rừng phương Nam, Tắt đèn, Số đỏ, Tuổi thơ dữ dội…), sách đời sống xã hội (Hạt giống tâm hồn, Bài học cuộc sống...), truyện tranh (Doraemon, Conan…). Đặc biệt, mình thường vừa đọc vừa ghi chép lại những điều đã đọc vào một cuốn sổ tay riêng để suy ngẫm và chiêm nghiệm.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, đang ngồi

Mình nhớ sinh nhật năm 12 tuổi, cô Huyền Lương (GV Ngữ văn) đã tặng mình cuốn truyện “Chiếc lá cuối cùng”. Truyện kể về cuộc sống của hai nữ họa sỹ nghèo Giônxi và Xiu sống cùng căn hộ với người họa sỹ già Bơ-men. Suốt gần 40 năm trong nghề, cụ Bơ-men không có một kiệt tác nào. Nhưng vào mùa đông năm ấy, khi Giônxi bị sưng phổi, tưởng như không thể sống được nữa, chính cụ đã cứu cô thoát khỏi tử thần và những ý nghĩ hấp tấp. Cụ đã đánh đổi cả bản thân chỉ vì muốn Giônxi được sống và để lại cho mình kiệt tác đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời - chiếc lá cuối cùng. Truyện ngắn ca ngợi mục đích và ý nghĩa cao quý của nghệ thuật: hãy yêu thương con người, hãy hy sinh vì sự sống của con người! Và đó chính là cuốn sách mà mình tâm đắc nhất.

Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm đọc sách của bản thân. Đầu tiên, các bạn hãy lựa chọn cho mình một thể loại yêu thích. Nếu bạn muốn tìm hiểu thế giới thì hãy đọc những cuốn sách về khoa học, đời sống xã hội. Còn nếu bạn muốn trau dồi ngôn ngữ, hãy đọc các tác phẩm văn học! Còn những cuốn truyện tranh giúp bạn có thêm sự tưởng tượng phong phú, yêu hội họa hơn. Hãy đọc sách khi bạn cảm thấy thoải mái, chứ không nên gượng ép mình vào khuôn khổ! Ví dụ: nếu bạn đọc tác phẩm văn học, hãy chuẩn bị trước một cuốn sổ tay để ghi lại cách diễn đạt hay. Bạn cũng nên tìm hiểu trước nội dung và đọc phần phụ lục. Sau đó, hãy vừa đọc vừa suy ngẫm vừa tưởng tượng; không nên đọc qua loa, đại khái! Có như thế thì bạn mới ghi nhớ được nội dung của cuốn sách.

Một điều cần lưu ý là hãy giữ gìn những cuốn sách thật đẹp đẽ, đừng xé hay làm nhàu, quăn mép. Nếu không, bạn sẽ chẳng bao giờ muốn đọc lại những quyển sách đó nữa đâu!

BẢO NGỌC

(8G1)

Trước khi biết mặt chữ, mình đã rất yêu thích sách, truyện bởi những hình vẽ dễ thương trong đó. Khi bé, trước lúc đi ngủ, mẹ đều đọc cho mình nghe những mẩu truyện ngắn. Niềm háo hức muốn được tự mình đọc sách chính là động lực giúp mình học chữ rất nhanh trước khi vào lớp Một. Đã tám năm kể từ khi tự đọc hoàn chỉnh quyển sách đầu tiên nhưng tình yêu của mình với những cuốn sách vẫn lớn dần từng ngày.

Khi có tiền tiêu vặt, điều đầu tiên mình nghĩ đến là với số tiền ấy, mình sẽ mua được bao nhiêu cuốn sách. Từ ngày còn học Tiểu học, mình đã có khoảng 50 quyển sách về những câu chuyện đồng thoại, cổ tích. Thời gian trôi qua, những cuốn truyện tranh dần nhường chỗ cho những tác phẩm văn học cổ điển, tuỳ bút, hồi ký… Lớn dần, mình bắt đầu yêu thích việc thả trí tưởng tượng theo những dòng chữ, hơn là theo dõi câu chuyện qua những bức tranh minh họa trong cuốn sách. Số sách hiện tại trên giá sách nhà mình là 368 cuốn, rất nhiều trong số đó là do bố mẹ tặng mình vào các dịp đặc biệt. Có những cuốn mình chỉ cần đọc trong 15 - 30 phút nhưng có những cuốn mất 5 - 7 ngày mới đọc xong.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, điện thoại, kính mắt và trong nhà

Mình không thích thể loại sách nào hơn cả vì mình thấy mỗi thể loại có cái hay riêng và đem đến cho độc giả nhiều cảm xúc khác nhau. Mỗi cuốn sách đều để lại cho mình những ấn tượng mà mình nhớ rất rõ, một phần có lẽ là do mẹ mình thường yêu cầu mình viết cảm nhận về một cuốn sách đã đọc. Lúc đầu, mục đích của mình là chia sẻ với mẹ về một cuốn sách hay nhưng về sau, mình bắt đầu thích việc tóm tắt lại những gì đọc được. Khi đó, mình vừa có thể kể vắn tắt những gì đã diễn ra trong sách vừa được chia sẻ suy nghĩ, ý kiến cá nhân về câu chuyện. Việc phải viết thật chính xác, thật dễ hiểu để thuyết phục mẹ đọc sách cùng mình khiến mình phải đọc thật kỹ cuốn truyện. Nhờ vậy mà dần dần, những chi tiết, câu văn hay được lưu giữ vào trí nhớ của mình một cách tự nhiên.

Mình dành rất nhiều thời gian để đọc sách và có thể đọc ở bất cứ nơi đâu: trên ghế ở phòng khách, khi ngồi ở bàn học, trên xe buýt… Khi đọc sách, mình không thực sự quan tâm đến tiếng ồn xung quanh do mình thường bị cuốn hút vào câu chuyện.

Mình đặc biệt yêu thích nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài nổi tiếng như: Kính vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh… Văn phong thú vị, độc đáo và pha ít nhiều nét tinh nghịch của ông luôn có sức hấp dẫn với mình. Ngoài ra, mình cũng rất yêu thích sách của nhà văn Dương Thuỵ với phong cách viết trưởng thành nhưng vô cùng lôi cuốn nhờ những chia sẻ của cô về các chuyến du lịch, những trải nghiệm trong cuộc sống.

Mình khuyên các bạn nên tìm đọc những cuốn sách viết bằng tiếng nước ngoài. Hiện mình đã đọc khá nhiều quyển sách viết bằng tiếng Anh. Thông qua đó, mình vừa có thể học thêm từ mới vừa ôn tập những gì được học. Nhiều tác giả nước ngoài sử dụng từ lóng, cách chơi chữ… rất thú vị trong truyện của họ nhưng đáng tiếc là khi dịch sang tiếng Việt, chúng không còn giữ được ý nghĩa như ban đầu. Thế nên, nếu bạn đã đọc một vài câu chuyện hay được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt thì hãy tìm đọc cả bản gốc của chúng nữa nhé! Rất có thể bạn sẽ cảm nhận được câu chuyện đó theo cách hoàn toàn khác đấy!

Thế kỷ 21 chứng kiến những thay đổi vượt bậc về công nghệ. Nhưng mình luôn tin rằng, sách giấy sẽ không thể bị thay thế bởi những chiếc điện thoại thông minh, laptop hay thậm chí là e-book. Mình đã dùng rất nhiều thời gian để đọc sách nhưng không hề cảm thấy nuối tiếc quỹ thời gian ấy. Bởi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói: “Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra với bạn”.

PHƯƠNG THANH

(8P1)