Thi THPT Quốc gia 2016: Rạng rỡ nụ cười MCer

MCer 12 vừa trải qua kỳ thi THPT Quốc gia. Cùng nghe các bạn kể về những kỷ niệm thú vị xoay quanh mùa thi cử nhé!

Phan Thảo Ngọc (CHS G3, 13 - 16)

Theo đánh giá của Thảo Ngọc, đề thi năm nay khó hơn năm ngoái, đặc biệt đề Toán từ câu 7 rất khó, phân loại học sinh rõ rệt, bất ngờ nhất câu đề cập đến kiến thức lăng trụ xiên.

Kỷ niệm nhớ nhất của cô bạn trong kỳ thi năm nay là sự cố quên máy tính ở buổi thi Toán. “Có lẽ do quá căng thẳng nên mình quên máy tính trong cặp, đến lúc vào phòng thi mới nhớ ra, hoảng ơi là hoảng. Mình chạy ra cổng trường, gọi nhờ điện thoại của anh chị tình nguyện. May mắn lúc ấy, bố mình đang ngồi ở quán cà phê gần đó và kịp thời mang đến”, Thảo Ngọc kể.

Những ngày thi, cô bạn được gia đình chăm sóc, quan tâm đặc biệt và tiếp thêm động lực hoàn thành kỳ thi. “Hiểu lực học của mình nên bố mẹ không tạo áp lực, không ép phải thi vào những trường top cao, chỉ động viên mình cố gắng hết sức. 3 ngày thi vừa qua, bố dậy sớm đưa mình đi thi. Ông bà ngày nào cũng hỏi thăm. Trước ngày thi, bà còn dúi vào tay mình lì xì để lấy may, còn ông nói sẽ tặng quà to nếu đạt kết quả tốt. Mẹ là người lo lắng nhất. Hôm đầu thi Toán, ở nhà, mẹ hồi hộp quá nên cứ 30 phút mẹ lại gọi cho bố hỏi han. Khi mình ra khỏi phòng thi, bố đưa điện thoại nói chuyện với mẹ. Mẹ khóc, bảo: “Con làm bài tốt không? Mẹ lo và nhớ con lắm! Về nhà ăn trưa với mẹ”. Dù nhà ở khá xa địa điểm thi nhưng nghe vậy, hai bố con về nhà và đã thấy mẹ chuẩn bị sẵn bát cháo cá to đùng”, Thảo Ngọc xúc động chia sẻ.

Gửi lời đến với MCer 99, cô bạn nói: “Với môn Văn, mình viết sơ đồ tư duy cho dễ nhớ rồi học thuộc các tác giả, tác phẩm, giá trị nội dung nghệ thuật. Môn Toán thì tổng kết các dạng bài tập để làm cho bài bản, chắc kiến thức. Các MCer 99 hãy học từ đầu năm nhé, học càng sớm thì giai đoạn cuối càng yên tâm về kiến thức và càng thoải mái tinh thần. Hãy lắng nghe những lời dặn dò, tâm huyết của các thầy cô - cực kỳ hữu ích đấy nhé!”.

Thời gian tới, Thảo Ngọc dự định tiếp tục công việc kinh doanh online, làm part - time để có thêm kinh nghiệm. Cô bạn cực thích ngành quản trị, marketing, ngân hàng, vì thế sau khi có kết quả sẽ nộp vào các trường có ngành đó hoặc ĐH Thăng Long với cơ sở vật chất tốt và nhiều hoạt động ngoại khóa.


Đào Minh Kiên (CHS E, 13 - 16) 

Minh Kiên có sự chuẩn bị tâm lý khá tốt trước khi bước vào ngày thi chính thức bởi khi còn ở trường, các bạn đã được thi thử một số lần để làm quen với các thủ tục. Các thầy cô ở trường luôn đưa ra những lời khuyên và động viên hữu ích, giúp Minh Kiên bình tĩnh khi vào phòng thi. Gia đình luôn tin rằng, bạn ấy đã có mọi sự chuẩn bị cần thiết nên không tạo quá nhiều áp lực mà để con đi thi một cách tự nhiên nhất và tâm lí không bị đè nặng.

Mặt khác, với phương pháp học phù hợp, kiến thức của chàng CHS 12E có thể dễ dàng đối phó với các loại câu hỏi đa dạng trong đề.

Ở môn Toán, Minh Kiên luôn đặt mục tiêu 7 điểm chắc chắn trong 7 câu đầu tiên rồi sau đó mới tính đến chuyện làm 3 câu còn lại do 3 câu cuối khá khó, đề cao sự sáng tạo và tỉ mỉ. Theo Minh Kiên, phần dễ nhất trong đề Toán luôn là số phức, các bài toán logarit, sau đó là khảo sát hàm số nên thí sinh cần đọc kĩ các bước làm, tránh mất điểm đáng tiếc. Phần hình học tọa độ phẳng sẽ là câu khó đầu tiên, đòi hỏi thí sinh nắm chắc kiến thức lớp 10 và 11. Tuy nhiên, các công thức sẽ không khác so với tọa độ không gian.

Chia sẻ kinh nghiệm học môn Văn, Minh Kiên cho biết: “Phần đọc hiểu cần nắm rõ các phương thức biểu đạt, các phép tu từ…, biết cách xác định câu chủ đề của một đoạn văn và luyện tập thêm cách viết đoạn văn ngắn. Bạn cần biết cách phân tích đề bài phần nghị luận xã hội. Bạn cần có sẵn 3 - 4 ví dụ thực tế và phổ biến để có thể sử dụng trong mọi đề bài, đồng thời cố gắng cập nhật các tin tức nổi bật trong cuộc sống hằng ngày. Phần nghị luận văn học thường khá khó dự đoán nên việc lấy được 2/4 điểm đòi hỏi thí sinh phải có dữ liệu thông tin về tác giả, tác phẩm để đưa vào mở và kết bài, sau đó mới đến việc học kỹ phần phân tích tác phẩm”.

Nhận xét về đề thi THPT Quốc gia năm 2016, Minh Kiên cho biết: “Với đề thi môn Toán, không quá khó để đạt điểm 7, thậm chí điểm 8 nhưng đề phân hóa khá rõ ràng ở 2 câu cuối, yêu cầu học sinh tỉnh táo trong việc tính toán. Còn với môn Văn, phần đọc hiểu là cứu điểm. Phần nghị luận văn học gây bối rối cho học sinh học tủ vì yêu cầu bàn luận về một ý kiến (học sinh thường quên bàn luận mà chỉ phân tích tình huống hoặc bài thơ). Đề thi môn Tiếng Anh năm nay khó cho những học sinh không học chuyên sâu và chỉ ôn một tháng trước thi nhưng lại rất vừa sức, thậm chí là dễ với những bạn có kiến thức nền tảng”.

Minh Kiên cho rằng, để vượt qua kỳ thi này một cách tốt nhất, bạn cần cố gắng hết mình ở những môn quan trọng, cần phải dốc sức học ở những môn không vững. Bạn cần phải biết đích đến của mình là bao nhiêu điểm, làm bài có sự tính toán một chút, không nhất thiết phải bù đầu vào những câu hỏi quá sức mình. Bạn nên dùng nháp thật nhiều để không cần phải gạch xóa trong bài bởi nháp miễn phí mà! Trước ngày thi, bạn nên ngủ sớm, tránh tình trạng hoảng loạn khi vào phòng thi, cần thiết hãy mang Redbull trong chai nhựa (đó là việc Minh Kiên đã làm). Bên cạnh đó, bạn hãy chuẩn bị tất cả dụng cụ học tập, giấy báo thi, thẻ dự thi, CMT từ hôm trước để hôm đi thi không xảy ra sự cố đáng tiếc.


Nguyễn Tùng Thiện (CHS I1, 13 - 16)

Thành tích học tập luôn ở trong top 5 của lớp và năm học vừa rồi đạt Thủ khoa 3 môn khối A, Tùng Thiện bước vào kỳ thi THPT Quốc gia với tâm lý thoải mái, tự tin. Với sở trường các môn tự nhiên, vào buổi thi môn Hóa, cậu bước ra khỏi phòng thi với nụ cười rạng rỡ.

Nhận xét về đề thi năm nay, Tùng Thiện bất ngờ về cấu trúc đề môn Toán. “Đề Toán năm nay mang tính phân loại tốt, câu 1 không phải câu khảo sát và mình làm được khoảng 80%. Đề Lý dễ hơn, Hóa thì lại khó nhằn hơn năm ngoái. Môn Văn không phải là sở trường thì mình đọc kỹ đề, viết đủ ý và trình bày cẩn thận. Mình thích câu hỏi nghị luận xã hội bàn về “được là chính mình”, mình liên hệ đến việc thay đổi kỳ thi đại học, học sinh có thể được lựa chọn ngành theo ý muốn, phù hợp với năng lực học, sở trường bản thân”, cậu nói.

Kể về kỷ niệm đi thi, cậu bạn chia sẻ: “Vào phòng thi, ban đầu, mình có chút căng thẳng, hồi hộp. Hơn nữa, là số báo danh đầu tiên nên buổi thi nào, mình cũng “mặt đối mặt” với giám thị. Để thoải mái tâm lý, trước lúc phát đề, mình nói chuyện với các bạn bên cạnh”.

Theo mẹ của Tùng Thiện, một tháng trước khi thi, cậu ăn - ngủ - học - chơi rất điều độ và có ý thức tự học. Cậu không thức quá khuya, thay vào đó là dậy sớm (6h30) để làm quen với giờ thi và giúp tập trung cao hơn. Đặc biệt, cậu không đi học thêm ngoài, ôn ở trung tâm vì có thể gây thêm căng thẳng, mệt mỏi. Ở nhà, cậu lập thời gian biểu ôn thi 4 môn cân đối, không đặt mục tiêu quá cao nhưng có tạo chút áp lực trong quá trình làm thử đề. Với 3 môn Toán, Lý, Hóa, cậu ôn chắc phần đạt điểm 7. Phần khó thì tập trung hơn vào thế mạnh, ví dụ như dao động và sóng cơ trong môn Lý.

Cậu bạn cũng cho biết, sau khi biết điểm sẽ lựa chọn trường phù hợp để nộp hồ sơ. Tùng Thiện dự định nộp vào khoa Vật liệu, ĐH Bách khoa vì cậu rất thích công nghệ, ngành nghiên cứu vật lý cơ học; còn nếu không, cậu sẽ học ĐH FPT.


Nguyễn Hồng Ngọc (CHS I2, 13 - 16)

Xác định được năng lực học của mình, từ đầu năm học, Hồng Ngọc tập trung ôn luyện nắm chắc phần kiến thức cơ bản để đạt khoảng 6 - 7 điểm. Với môn thi tốt nghiệp, cô bạn tập trung lắng nghe bài giảng của thầy cô trên lớp, ghi chú lại để dễ nhớ. Còn với các môn thi Đại học, Hồng Ngọc luyện thật nhiều bài tập trong khoảng điểm 6 - 7 theo cấu trúc của đề thi để quen tay, tránh mất điểm oan khi vào phòng thi. Thầy cô MC rất tâm huyết, luôn chia sẻ những kinh nghiệm làm bài quý báu và động viên học trò cố gắng học. Chính vì thế, các MCer cuối cấp học chắc kiến thức, cố gắng không để bị mất điểm dù là 0,25 và xác định rõ mục tiêu năng lực của bản thân để ôn luyện tốt nhất.

Một tháng ôn thi, mình ăn uống điều độ, không quá thức khuya, kết hợp học với giải trí để không bị căng thẳng. Mẹ rất quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của từng bữa ăn. Chính vì thế, mình rất yên tâm tập trung ôn luyện. Còn bố là người luôn đồng hành trong những ngày thi và luôn cho mình lời khuyên tốt nhất. Đặc biệt, bố mẹ luôn tôn trọng lựa chọn của con cái và giúp mình thoải mái tâm lý. Sau khi biết điểm, mình sẽ nộp vào ngành quản trị kinh doanh hoặc marketing để theo đuổi đam mê của bản thân”, Hồng Ngọc chia sẻ.

19

Tháng 4/2024

THÔNG BÁO SỐ 3 VỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10, NĂM HỌC 2024 - 2025

THÔNG BÁO SỐ 3 VỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10, NĂM HỌC 2024 - 2025

THÔNG BÁO SỐ 3 VỀ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10, NĂM HỌC 2024 - 2025

Thứ sáu, 19 Tháng 4 2024 09:04 Viết bởi TRUONG MARIE
Hệ thống giáo dục Marie Curie, Hà Nội thông báo về việc tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2024 - 2025.
Xem thêm

17

Tháng 4/2024

Đội bóng rổ MC "ẵm" cúp Vàng giải thanh niên quận Hà Đông

Đội bóng rổ MC "ẵm" cúp Vàng giải thanh niên quận Hà Đông

Đội bóng rổ MC "ẵm" cúp Vàng giải thanh niên quận Hà Đông

Thứ tư, 17 Tháng 4 2024 15:06 Viết bởi TRUONG MARIE
Tại Chung kết (CK) giải “Bóng rổ thanh niên quận Hà Đông 2024”, đội THPT Marie Curie đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ mạnh để giành cúp Vô địch.
Xem thêm

16

Tháng 4/2024

MCer 7G2, 7I4 thích thú với khảo cổ học

MCer 7G2, 7I4 thích thú với khảo cổ học

MCer 7G2, 7I4 thích thú với khảo cổ học

Thứ ba, 16 Tháng 4 2024 10:02 Viết bởi TRUONG MARIE
Các bạn đã có trải nghiệm ý nghĩa và đầy cảm xúc khi được “mục sở thị” tòa nhà Quốc hội Việt Nam.
Xem thêm

16

Tháng 4/2024

YÊU VĂN CHƯƠNG ĐỂ TRÁI TIM RUNG NHỊP RỘN RÀNG

YÊU VĂN CHƯƠNG ĐỂ TRÁI TIM RUNG NHỊP RỘN RÀNG

YÊU VĂN CHƯƠNG ĐỂ TRÁI TIM RUNG NHỊP RỘN RÀNG

Thứ ba, 16 Tháng 4 2024 08:30 Viết bởi TRUONG MARIE
Mình yêu văn đủ để cười nhiều hơn mỗi ngày lên lớp. Văn chương đã cho mình những điều tích cực, biết mình còn rung động và được yêu. Đáp lại những nụ cười ấy là sự tin yêu của học trò và đồng nghiệp.
Xem thêm

11

Tháng 4/2024

12M1 GIÚP ĐỠ BỆNH NHÂN XÓM CHẠY THẬN

12M1 GIÚP ĐỠ BỆNH NHÂN XÓM CHẠY THẬN

12M1 GIÚP ĐỠ BỆNH NHÂN XÓM CHẠY THẬN

Thứ năm, 11 Tháng 4 2024 16:07 Viết bởi TRUONG MARIE
Tập thể 12M1 đã tới trao quà cho các bệnh nhân ở xóm chạy thận Ngọc Hồi; cùng nhóm Sen Hồng nấu và phát hơn 300 suất cơm chay cho người nhà bệnh nhân ở viện Nhi Trung ương.
Xem thêm