Tâm sự của thầy Nguyễn Xuân Khang giữa "bão" dịch Covid-19

Thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie Hà Nội) chia sẻ: “Covid-19 đã làm xáo trộn cuộc sống của mọi người. Thế nên, việc giữ được nếp sống bình thường là một cách chiến thắng dịch bệnh”.

“Lương tháng trước như nào, tháng này lương vẫn vậy”
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều tuần nay, các trường học trên cả nước phải đóng cửa, thầy cô không được đi dạy, học sinh không được đi học. Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, chưa bao giờ các trường học phải tạm dừng hoạt động ngay giữa năm học và nhiều tuần như vậy.

Phun thuốc khử trùng tại trường Marie Curie.

Trong tình hình ấy, có không ít ý kiến thắc mắc rằng, giáo viên nghỉ dạy như thế thì có được hưởng lương hay không. Đó cũng là nỗi băn khoăn của các thầy cô vì chưa có một trường hợp tiền lệ nào như thế.

Chia sẻ với báo NNVN về vấn đề này, thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie Hà Nội) chia sẻ: “Theo tôi, việc phòng chống dịch bao gồm nhiều hoạt động trên nhiều phương diện. Bệnh dịch xảy ra làm xáo trộn cuộc sống của mọi người, ta càng giữ được nếp sống bình thường thì càng tốt. Việc giữ ổn định đời sống ấy bao gồm cả yếu tố tiền lương".

“Đối với ngôi trường của tôi, tôi đã quyết định, căn cứ theo kế hoạch phân công công việc, lương y nguyên. Tháng trước, lương thế nào; tháng này, lương vẫn vậy. Coi như không có sự tồn tại của dịch bệnh, không có việc giáo viên, cũng như học sinh phải nghỉ dạy, nghỉ học".

“Những người đến trường cũng phải làm những công tác vệ sinh, phòng chống dịch, các thầy cô ở nhà cũng phải lo bài vở, dạy học qua mạng Internet cho học sinh. Tất cả điều đó đều là bất thường, là bất đắc dĩ. Điều mà tôi giữ được bình thường cho mọi người chính là tiền lương. Đó là bổn phận của tôi. Làm được điều này, tôi thấy hạnh phúc", thầy Nguyễn Xuân Khang bày tỏ.

Nguyện làm "lão nông" cần mẫn
Theo quan niệm của thầy Khang, đã là một lãnh đạo thì phải biết chăm lo, vun vén cho đội ngũ của mình. Chăm sóc ở đây nghĩa là lo về mặt vật chất và tinh thần cho họ. Mà nhiều khi lo về mặt vật chất có cả thông điệp về tinh thần trong đó. Đối với thầy, yếu tố tinh thần luôn được đặt lên hàng đầu.

Trong ngôi trường Marie Curie, mục đích cuối cùng mà Hiệu trưởng muốn hướng đến chính là học sinh. Người thầy cần mẫn chăm lo cho đội ngũ nhân viên, giáo viên để rồi họ lại dành sự quan tâm, chăm sóc cho các học sinh.

Thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Curie, Hà Nội) cùng học trò trong lễ Khai giảng năm học mới.

Thầy Khang kể: “Tại Marie Curie, nhiều giáo viên cũng là cựu học sinh của trường. Khi họ quay lại giảng dạy, tôi chỉ nói một câu đơn giản: "Trước đây, các thầy cô đã dạy dỗ, chăm sóc, dành những tình cảm cho em như nào thì bây giờ, em chỉ cần làm được như thế là đã thành công. Chỉ cần như thế là thầy toại nguyện rồi"".

Trong suy nghĩ của người đàn ông đã đi qua nửa cuộc đời, luôn trăn trở hình ảnh một lão nông dân miền Tây hàng ngày cần mẫn cày cuốc, chăm bẵm cho khu vườn của mình. “Sự chăm chỉ, cần mẫn của ông đã nhiều lần làm tôi ứa nước mắt. Mục đích cuối cùng mà ông muốn hướng đến là một ngày khu vườn sẽ đơm hoa kết quả. Đối với tôi, mái trường Marie Curie cũng như khu vườn ấy. Các thầy cô chính là những tán cây và những bông hoa, quả ngọt chính là các em học sinh. Còn tôi, tôi nguyện làm lão nông hàng ngày chăm bẵm cho cây, cho hoa, cho quả. Cũng như lão nông già, điều tôi luôn mong mỏi là khu vườn của tôi được khỏe mạnh, đơm hoa thơm, kết trái ngọt”, vị Hiệu trưởng trường Marie Curie bày tỏ.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

(https://nongnghiep.vn/tam-su-cua-thay-nguyen-xuan-khang-giua-bao-dich-covid-19-d257941.html)

 

Xem thêm tại:

>> https://thanhnien.vn/giao-duc/giao-vien-truong-tu-co-linh-luong-khi-hoc-sinh-nghi-hoc-1184510.html

>> https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/khong-phai-viec-gi-cung-nham-nhe-thu-phi-phu-huynh-post207239.gd

    Please publish modules in offcanvas position.