Phòng Tham vấn học đường MC: Làm việc bằng cả trái tim

Sau 6 tháng thí điểm hoạt động, với chuyên môn, kinh nghiệm lâu năm cùng sự nỗ lực và tâm huyết của các chuyên gia, Phòng Tham vấn học đường đã để lại dấu ấn tốt đẹp và hiệu quả không nhỏ trong việc giúp MCer phát triển nhân cách toàn diện.

Tháng 12/2018, phòng Tham vấn học đường MC chính thức đi vào hoạt động. Dự án này được thí điểm trong vòng 6 tháng và đến hôm nay (17/8), phòng đã có những dấu ấn tốt đẹp, thành công khi trở thành những người bạn tâm giao, đồng hành với thầy cô, các bậc cha mẹ trong việc tháo gỡ tâm lý cho MCer.

Trong 6 tháng qua, phòng Tham vấn học đường đã hỗ trợ tham vấn 153/207 học sinh (trong đó, học sinh nữ chiếm 82%). Không chỉ tiến hành tư vấn riêng lẻ cho từng trường hợp, phòng còn tổ chức những hoạt động tư vấn, định hướng cho học sinh nhằm trang bị các kỹ năng sống cần thiết. Theo chuyên gia tâm lý Đỗ Trang (Trưởng phòng Tham vấn học đường), để thay đổi hành vi của một đứa trẻ không chỉ trong 1 - 2 buổi mà là cả quá trình, từ sàng lọc, đánh giá, đưa ra phác đồ điều trị, sau đó can thiệp, tác động. Chính vì thế, đội ngũ chuyên gia tư vấn không chỉ làm bằng kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, nỗ lực mà còn bằng tất cả tâm huyết và trái tim.

“Với phương châm luôn lắng nghe trẻ bằng cả trái tim yêu thương, đối thoại cởi mở với trẻ, chúng tôi đã rất hạnh phúc khi trở thành những người bạn mà các con có thể tin tưởng để tâm sự, tìm đến khi gặp vấn đề rối nhiễu tâm lý. Những điều chúng tôi làm được rất ít nhưng nhận lại được nhiều hơn thế. Đó chính là sự quan tâm của BGH nhà trường, thầy cô chủ nhiệm, các học sinh… Chúng tôi đã rất xúc động khi nhận được những lá thư cảm ơn từ cha mẹ học sinh. Chúng tôi nhận ra, hiếm có ngôi trường nào mà các bậc cha mẹ lại đồng hành và sẵn sàng thấu hiểu như vậy. 6 tháng qua, chúng tôi có vấp ngã, thất bại, khó khăn không ít, cũng như có lúc cảm thấy trăn trở, bất lực… nhưng rồi chúng tôi cũng đã vượt qua để cùng nhà trường, cha mẹ giáo dục các con toàn diện hơn”, cô cho biết.

Theo dõi sát sao quá trình thực hiện, nhận thấy những thành quả đạt được của phòng Tham vấn học đường, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang chia sẻ thẳng thắn: “Ai yêu thương con hơn cha mẹ? Ai thương yêu học trò hơn thầy cô? Hành vi của một đứa trẻ phụ thuộc vào hai yếu tố: trạng thái tâm lý và nhận thức. Qua môi trường giáo dục, các con được trau dồi phẩm chất và rèn luyện về năng lực. Vấn đề của nhà trường, cha mẹ đặt ra là làm sao để phát triển đứa trẻ một cách tốt đẹp. Kinh nghiệm làm thầy, làm cha mẹ là chưa đủ mà cần phải có biện pháp khoa học, đặc biệt là khoa học tâm lý. Mấy năm gần đây, Việt Nam chú trọng và khuyến khích áp dụng biện pháp này vào giáo dục để chăm sóc, giáo dục học sinh ngày một tốt hơn. Vì thế, chúng tôi đã liên kết với Trung tâm Phụ nữ và Phát triển để thành lập phòng Tham vấn học đường. Sau 6 tháng thí điểm, có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng nhà trường và phòng đều vượt qua, không bỏ cuộc, đặc biệt các chuyên gia tâm lý đã rất nỗ lực, cố gắng”.

Tại buổi tổng kết còn có sự góp mặt của các bậc cha mẹ học sinh. Họ xúc động kể câu chuyện của con họ và quá trình thay đổi tích cực sau khi được các chuyên gia của phòng Tham vấn học đường can thiệp, hỗ trợ. Có những bậc làm cha, làm mẹ đã không giấu nổi sự xúc động, rơi nước mắt khi bày tỏ sự biết ơn nhà trường và phòng Tham vấn học đường đã tháo gỡ kịp thời cho con họ. Từ những đứa trẻ chai lỳ, sống thu mình, thiếu tự tin, ít giao tiếp với mọi người, có những hành vi mất kiểm soát nhưng sau một thời gian trò chuyện thì trở nên chan hòa, hòa đồng hơn và có những thay đổi tích cực. Thật đáng quý khi những bậc cha mẹ MC dù bận rộn nhưng vẫn luôn đồng hành với chuyên gia, nhà trường để tìm ra các biện pháp giúp con tháo gỡ. “Thành lập phòng Tham vấn học đường là điều vô cùng cần thiết cho cha mẹ và học sinh. Đây là nơi giúp chúng tôi nhìn nhận nghiêm túc hơn về sức khỏe tinh thần của con ở mọi lứa tuổi”, các bậc CMHS cho hay.

Bà Bùi Thị Hòa (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) vui mừng cho biết: “Đặt mình là phụ huynh, đại diện của một tổ chức chính trị xã hội, tôi rất quan tâm và đánh giá rất cao mô hình phòng Tham vấn học đường MC. Nhà trường và phòng Tham vấn học đường đã, đang giúp chắp cánh ước mơ cho con trẻ. 6 tháng hoạt động thí điểm, qua sự đánh giá của nhà trường, trao đổi của cha mẹ học sinh, chúng ta đã đạt được kết quả. Đó là học sinh đã chọn và tìm đến phòng Tham vấn học đường để giãi bày, tâm sự những điều thầm kín mà không thể trao đổi với cha mẹ. Vì thế, tôi thấy vui mừng khi phòng đã trở thành cầu nối giữa CMHS - nhà trường - học sinh. Để đạt được thành công đó, không thể thiếu sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban giám hiệu, các thầy cô và sự đồng tình của CMHS. Tôi đánh giá cao đội ngũ chuyên gia có nghề, có phương pháp và trái tim nhiệt huyết, không kể ngày đêm để giúp đỡ, hỗ trợ các con. Xã hội phát triển, áp lực nhu cầu giải tỏa tâm lý được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tham vấn, phối hợp tốt hơn với giáo viên, cha mẹ để giúp đỡ các con”.

Cuối buổi tổng kết, thầy Khang khẳng định, từ năm học 2019 - 2020, phòng Tham vấn học đường MC sẽ đi vào hoạt động chính thức sau thời gian thí điểm. Thầy nói rằng, kết quả đạt được hôm nay đã trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta làm được thật!”. Thầy cũng tin tưởng rằng, với sự chuyên nghiệp, nỗ lực, tâm huyết bằng cả trái tim từ phía nhà trường và CMHS, phòng Tham vấn học đường sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công.