Bức tường lịch sử ở MC

Mỗi góc ở MC đều chứa đựng những thông điệp ý nghĩa. Và bức tường đá ghi tiểu sử bà Marie Curie - người phụ nữ đẹp nhất mọi thời đại là nơi mang đến nhiều cảm xúc, lòng biết ơn về tấm gương không ngừng nỗ lực cho cộng đồng MC. 

Ở trường Marie Curie, có rất nhiều địa điểm được đặt tên gắn liền với gia đình bà Marie Curie. Điều này đã góp phần khơi gợi và nhắc nhở cộng đồng MC về niềm tự hào, hãnh diện khi được sống, làm việc và học tập tại ngôi trường mang tên bà. Trong đó, bức tường đá ghi tiểu sử nhà bác học Marie Curie - người phụ nữ đẹp nhất mọi thời đại, tọa lạc tại quảng trường là một trong những nơi đẹp nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa về lòng biết ơn, sự trân trọng những nỗ lực, thành công của bà.

Bên cạnh tấm đá khắc tiểu sử là những dấu mốc quan trọng gắn liền với sự nghiệp của bà Marie Curie. Đó là: 1903 - Davy Medal, 1903 - Nobel Prize In Physics, 1904 - Matteucci Medal và 1911 - Nobel Prize Chemistry. Những dòng chữ này đều được tạc chìm trên nền đá marbel trắng một cách tỉ mẩn.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang là người trực tiếp lên ý tưởng, biên soạn nội dung khắc trên bức tường lịch sử ấy. Từ nhiều nguồn tư liệu, thầy cẩn thận lựa chọn các mốc thời gian nhằm nêu bật được những thành tựu trong cuộc đời bà Marie Curie. Thầy còn biên soạn công phu từng chữ để có được tiểu sử súc tích nhất, chính xác nhất và ấn tượng nhất về nhà khoa học này.

“Năm 2014, khi xây dựng trường, thầy đặt các nghệ nhân ở Đà Nẵng tạc chữ chìm trên đá để lưu lại cho muôn đời sau về thành tựu của bà Marie Curie. Vì tạc chữ chìm, để nguyên màu đá, không phết sơn xanh đỏ tím vàng nên ít người biết. Bởi thầy mong muốn, người đọc đứng thật gần bia đá, tay lần từng chữ, trân trọng tìm hiểu thân thế và sự nghiệp vẻ vang của bà. Và để 50 năm, 100 năm sau, các thế hệ học sinh Marie Curie đều biết những điều nho nhỏ như thế về ngôi trường này”, thầy Khang chia sẻ.

Là người “hiện thực hóa” ý tưởng của thầy Khang, KTS. Duy Khoa (Trưởng phòng Vận hành) cho biết, nơi đặt bức tường tiểu sử là không gian mở, thoáng đãng, rất phù hợp với quang cảnh xung quanh trường.

“Bức tường tiểu sử và các giải thưởng khoa học được đặt ở nơi công cộng để mọi người đi qua đều có thể biết được. Khi tiến hành thiết kế, vì không muốn tạo không gian quá trang nghiêm giống nơi tưởng niệm nên tôi quyết định chữ được khắc chìm trên nền đá trắng. Ban đầu, tôi tiến hành đặt khắc thử ngoài Hà Nội nhưng không đạt yêu cầu về mặt thẩm mỹ và kích thước. Vì thế, tôi đã liên hệ với các nghệ nhân lành nghề ở Đà Nẵng - nơi nổi tiếng về nghệ thuật khắc đá. Sau khi tìm hiểu, chất liệu đá mà tôi lựa chọn tạc chữ là marble (đá cẩm thạch). Đá marble trắng được ưa chuộng trong thiết kế với độ bền, đẹp tự nhiên, mang đến màu sắc tươi sáng, thanh lịch, tinh tế, sống động, hài hòa cho không gian. Việc thiết kế trên nền đá này cũng đòi hỏi nghệ nhân có kỹ thuật cao. Sau khi hoàn thiện, quá trình vận chuyển cũng hết sức cẩn thận, đòi hỏi đáp ứng nhiều yêu cầu”, KTS. Duy Khoa nói.

Để bức tường tiểu sử giữ được vẻ đẹp trường tồn với thời gian, các cô, chú phòng Vận hành tiến hành vệ sinh định kỳ. Cô Phạm Hiền (phòng Vận hành) cho biết, hàng tháng, các cô vệ sinh rất cẩn thận và chú ý tới từng chi tiết để bức tường luôn được sáng, đẹp.

Địa điểm này không chỉ mang thông điệp ý nghĩa mà còn là nơi “check in” yêu thích của cộng đồng MC. “Không chỉ tự hào khi được làm việc tại ngôi trường mang tên nhà bác học vĩ đại Marie Curie, tôi còn cảm thấy hãnh diện khi khoe với mọi người về lối kiến trúc đẹp, hiện đại, rất “Tây” của nơi đây. Để tạo ra một ngôi trường đẹp như vậy, thầy Hiệu trưởng đã chú ý đến từng chi tiết nhỏ khi xây dựng trường. Vì vậy, MC có rất nhiều địa điểm để cô trò chúng tôi có thể “check in” với những tấm hình đẹp. Ngay lối vào cổng khu Hiệu bộ, bức tường trắng khắc tiểu sử bà Marie Curie đã tạo ấn tượng với không gian thoáng đãng. Địa điểm này không chỉ giúp học trò có thêm hiểu biết về bà Marie Curie mà còn tạo động lực cho các con trau dồi sự kiên trì, bền bỉ, phấn đấu học tập để trở thành người có ích, noi gương nhà bác học vĩ đại”, cô Nguyễn Nhung (PCN 2P1) tâm sự.

Cô Lê Phương (mẹ của Lê Anh, 9P1; Phương Anh, 7I1) tâm sự rằng, ngôi trường Marie Curie gây ấn tượng mạnh với cô không chỉ vì được xây dựng khoa học, đáp ứng xu thế giáo dục hiện đại mà còn bởi chứa đựng nhiều thông điệp đáng quý, mang đậm tính nhân văn. Trong đó, bức tường tiểu sử bà Marie Curie là công trình khiến cô vô cùng yêu thích vì được thiết kế tỉ mỉ, cẩn thận và mang ý nghĩa sâu sắc. “Khi đến trường, bất kỳ ai cũng phải chú ý tới bức tường đá hoa cương lớn, được đặt ngay cổng trường với họa tiết đơn giản, hiện đại. Người xem phải để tâm thì mới nhận ra trên bức tường ấy có những dòng tiểu sử ngắn gọn, súc tích về cuộc đời bà Marie Curie được khắc chìm, do chính thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang trực tiếp biên soạn. Không chỉ vậy, người xem cũng phải kiên trì, tỉ mỉ lắm mới đọc được hết từng chữ nhưng khi đọc thì lập tức bị lôi cuốn”, cô Lê Phương cho biết.

“Đây là năm đầu tiên mình trở thành MCer. Mình đã đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác khi có cơ hội khám phá ngôi trường. Sự tinh tế cùng tình yêu dành cho nhà khoa học Marie Curie được thể hiện trong các thiết kế. Bức tường ghi tiểu sử và chạm khắc những cột mốc quan trọng trong cuộc đời bà được đặt ngoài cổng trường là một trong những nơi mình ấn tượng nhất. Tông vàng nhạt chủ đạo của bức tường đá được khắc tinh xảo đã mang lại không gian đầy tính nghệ thuật. Tấm đá khắc tiểu sử được in chìm khiến người đọc vừa tò mò vừa thích thú khi khám phá những thông tin ý nghĩa về bà Marie Curie. Cảm ơn thầy Hiệu trưởng vì đã đặt trọn tâm huyết vào ngôi trường này, dù chỉ là một bức tường, một cánh cổng! Cảm ơn thầy luôn mang đến cho MCer tình yêu thương, lời nhắn nhủ tâm huyết qua những việc làm nhỏ nhất!”, Phương Anh (11P) chia sẻ.

Ngày 7/11/2020 là kỷ niệm 153 năm ngày sinh của nữ bác học Marie Curie. Bức tường đá ghi lại tiểu sử bà Marie Curie chắc chắn sẽ luôn là một trong những địa điểm ấn tượng của ngôi trường mang tên bà. 

MARIE CURIE

1867 - 1934

Ngày 7/11/1867, đất nước Ba Lan đã sinh cho nhân loại Marya Sklodowska - Người phụ nữ đẹp nhất mọi thời đại.

Bà là người phụ nữ đầu tiên bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học, là nữ Giáo sư đại học đầu tiên, là nữ Viện sĩ hàn lâm khoa học đầu tiên và là nhà bác học hai lần được tặng Giải thưởng Noel.

Sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo, mẹ mất sớm, tốt nghiệp trung học xuất sắc, Marya đi làm gia sư để kiếm tiền nuôi ước mơ học tiếp đại học. Thuở đó, ở Ba Lan, ngưỡng cửa đại học không dành cho phụ nữ. Bởi thế, 24 tuổi, Marya sang Pháp, lấy tên là Marie, thi đỗ Đại học Sorbonne, một trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp. Sau hai năm, Marie đỗ thủ khoa Cử nhân Vật lý, thêm một năm nữa đỗ thứ nhì Cử nhân Toán học. Sự nghiệp vĩ đại của Bà bắt đầu từ đây.

Năm 28 tuổi, Marie thành hôn với nhà Vật lý nổi tiếng người Pháp Pierre Curie. Số phận đã trao cho họ sứ mệnh lịch sử: nghiên cứu hiện tượng phóng xạ, đặt nền móng cho một ngành khoa học mới vô cùng quan trọng của thế kỷ XX - khoa học nguyên tử.

Năm 1898, Ông Bà tìm ra và đặt tên cho hai nguyên tố phóng xạ mới là Poloni và Radi. Thành công này được ghi nhận bởi Giải thưởng Nobel Vật lý năm 1903.

Năm 1906, Pierre Curie đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông. Vượt qua đau thương và gian khổ, Marie dũng cảm bước tiếp con đường khoa học mà hai Ông Bà đã chọn. Với thành công phân tách được Radi kim loại và xác định được tính chất hóa lý của Radi, một lần nữa Bà được tặng Giải thưởng Nobel Hóa học năm 1911.

Theo đuổi sự nghiệp của cha mẹ, cô con gái lớn Iréne Curie và chồng là Frederic Joliot đã phát hiện hiện tượng phóng xạ nhân tạo. Thành công này đưa con gái và con rể của Ông Bà đến Giải thưởng Nobel Hóa học năm 1935.

Ngày 4/7/1934, Marie Curie qua đời ở tuổi 67 do nhiễm nặng phóng xạ. Bà đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp khoa học. Năm 1995, Chính phủ Pháp cử hành trọng thể Lễ đưa di hài hai nhà bác học vĩ đại Pierre Curie và Marie Curie vào điện Panthéon - Paris, nơi tôn vinh các vĩ nhân của nước Pháp.