Những tháng năm rực rỡ

Giống như MCer, các thầy cô MC cũng có rất nhiều câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn về những tháng năm rực rỡ của tuổi học trò. 

Nhóm bạn “cạ cứng”

Thầy Hồng Hoài (GV Mỹ thuật) say sưa kể lại thời hoàng kim cùng nhóm bạn “Tứ quái”: “Ngày đó, nhóm mình có bốn bạn nam, tự đặt tên là Tứ quái. Cái tên này bắt nguồn từ cuốn truyện trinh thám TKKG của tác giả Rolf Kalmuczak. Nhóm mình học chung với nhau từ cấp hai lên cấp ba. Tất cả đều là “soái ca” đẹp trai, cao to và nổi tiếng nghịch ngợm và là anh em “vào sinh, ra tử””.  

Ngày ngày đến trường, nhóm “Tứ quái” không thể ngồi yên mà luôn bày ra nhiều trò. Thầy Hồng Hoài nhớ như in hình ảnh cô chủ nhiệm mặt cắt không ra máu khi sờ vào trong cặp và lôi ra một con rắn… giả. Lúc ấy, hội con gái chạy tán loạn, một số còn nhảy lên bàn ngồi, chỉ có nhóm thầy là bụm miệng cười khoái chí. Thế nhưng, nụ cười của “Tứ quái” ngay lập tức vụt tắt khi cô đề nghị cả bốn lên phòng Hội đồng làm bản kiểm điểm và hôm sau bị cảnh cáo trước toàn trường. Chưa hết, vì nhà gần nhau nên nhóm thầy thường có những ám hiệu riêng để rủ nhau đi chơi. Thay vì gọi tên, các thầy sẽ vỗ tay ba lần hoặc huýt sao theo nhịp điệu. Nhờ những chiêu đó, các thầy có thể trốn bố mẹ, lẻn ra ngoài chơi…

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Nguyễn Văn Quỳnh, mọi người đang cười, mọi người đang chơi thể thao và ngoài trời

Chuyên bày trò là vậy nhưng nhóm “Tứ quái” vẫn luôn là những học sinh khá, giỏi của trường, nhất là ở các môn Tự nhiên. Mỗi người một thế mạnh nên họ thường xuyên đến nhà nhau học nhóm và cùng cố gắng thi đua. Hiện cả nhóm đều thành đạt và được làm công việc yêu thích. Thầy Hồng Hoài chia sẻ: “Việc có một nhóm bạn thân thời học trò rất tuyệt! Chúng ta sẽ có thêm những “đồng đội” để chia sẻ đắng cay, ngọt bùi và những trò vui mà chỉ “tụi quỷ thứ ba” mới nghĩ ra. Hơn nữa, chúng ta có thể thoải mái thổ lộ tâm tư, chuyện gia đình hay những rung động tuổi mới lớn. Mình không bao giờ thấy hối hận khi là thành viên của nhóm “Tứ quái””.

Thầy Văn Anh (Nhân viên phòng Tài vụ) cũng không thể quên nhóm bạn “Bất khuất”. Thầy vui vẻ kể: “Trong lớp, mình chơi thân với ba bạn nữ và bốn bạn nam; đi đâu, làm gì cũng có nhau, luôn sẵn sàng đứng ra bảo vệ nhau”.

Trong hình ảnh có thể có: 5 người, bao gồm Anh Trịnh, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và ngoài trời

Theo thầy, trong cuộc đời mỗi người, ai cũng cần có bạn. Họ chọn nhau làm bạn khi  tìm thấy sự hòa hợp về quan điểm sống, sở thích... Biết rõ tính cách của nhau nên hễ gặp là “tám” xuyên lục địa. Những người bạn tốt sẽ luôn có mặt khi chúng ta cần và chỉ khi bên cạnh họ, ta mới tìm thấy chính mình. Vì vậy, những người bạn thân trong nhóm “Bất khuất” giữ vị trí vô cùng quan trọng trong quãng đời học trò của thầy. Họ đã cùng thầy đạp xe rong ruổi trên khắp triền đê sau mỗi giờ tan học; về nhà thầy phụ giúp việc phơi thóc, gặt lúa hay trèo cây hái khế, ổi… “Giờ mỗi người mỗi nơi nên mình luôn thèm cảm giác trêu đùa nhau như thời thơ ấu, được bên nhau cười vui mà không đắn đo suy tư”, thầy Văn Anh bày tỏ.

Cô Hồng Ngọc (GVCN 2M2) nhớ lại những kỷ niệm với tập thể E1, 09 - 12: “Lớp mình đặc biệt lắm! Mọi người rất thân thiết, chứ không tách lẻ thành các nhóm. Hồi đó, bất cứ lúc nào cần, cả lớp đều tụ họp đông đủ. Mình nhớ như in câu nói của cô Hường (GV Ngữ văn): “E1 là tập thể “ngây thơ, kỳ quặc” nhất mà cô từng gặp”. Giờ phần lớn các thành viên đi du học, làm việc tại nước ngoài; chỉ còn bảy người sống ở Việt Nam nhưng chúng mình vẫn giữ liên lạc và rất thương nhau”.

Trong hình ảnh có thể có: 19 người, bao gồm Vũ Ngọc Mai, mọi người đang cười, trong nhà

Cô Hồng Ngọc cho biết thêm, việc có một nhóm bạn cùng sở thích, thấu hiểu nhau là điều tuyệt vời nhất. Lớp cô dường như “nằm lòng” tất tần tật sở ghét, sở thích, sở đoản, sở trường của nhau. Suốt bảy năm nay, từ khi tạm biệt mái trường MC, dù không nói chuyện, gặp gỡ thường xuyên như trước nhưng những thói quen, sở thích, câu chuyện thời đi học… vẫn luôn được mọi người nhắc lại mỗi dịp tụ họp.

Nhóm của cô Minh Thùy (GV Toán; CHS M, 93 - 96) cũng đặc biệt không kém. Là học sinh giỏi Quốc gia nên cô được tuyển thẳng vào MC. Chính những năm tháng ở nội trú trường đã giúp cô có nhóm bạn thân của cuộc đời. “Chúng mình đều là những học sinh tỉnh lẻ xuống Hà Nội học nên ngoài tình bạn còn là tình chị em. Mỗi lần ai đó về quê là hôm sau, cả phòng được bữa liên hoan. Thi thoảng, cả phòng lại đến nhà nhau chơi và được các bậc cha mẹ vô cùng quý mến. Đến giờ, tình cảm của nhóm và các gia đình vẫn rất bền vững”, cô Minh Thuỳ kể.

Trong hình ảnh có thể có: 7 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Nhắc đến kỷ niệm, cô Minh Thùy không thể quên những buổi tối, cả phòng sợ sệt khi các bạn nam dọa ma hay cả nhóm cặm cụi đọc sách trong phòng tự học. Ngày đó, trường MC đã có những hoạt động ngoại khóa lý thú như liên hoan bánh kẹo dịp Trung thu. Với những học trò tỉnh lẻ ngày đó, những chiếc kẹo nhỏ ấy lại là món quà lớn. Dù là dân chuyên Toán nhưng vì trong phòng có nhiều bạn học chuyên Văn nên cô đã được truyền cảm hứng văn chương, thích đọc sách hơn. Nhờ vậy, khả năng viết văn của cô được trau dồi hơn. “Đến giờ, dù người ở trong nước hay cách xa hàng nghìn cây số, thậm chí cả nửa vòng trái đất nhưng chúng mình vẫn thường xuyên trò chuyện, hỏi han. Mọi người rất vui khi biết những thành viên còn lại đang sống hạnh phúc với gia đình và thành công trong công việc”, cô Minh Thùy tâm sự.

“Crush” một ai đó

“… Mối tình đầu của tôi/ Nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi/ Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu/ Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ…”, thầy Hồng Hoài cất mấy câu hát trong bài “Phượng hồng” khi được hỏi từng “crush” ai chưa. Thầy hồi tưởng: “Lớp 11, nhóm mình “cảm nắng” một nhóm bốn bạn gái. Chẳng hiểu duyên số thế nào mà các bạn ấy học ngay dưới lớp mình. Để theo đuổi “gà bông”, cả nhóm treo bỏng, bim bim kèm những lá thư lãng mạn rồi thả xuống tầng dưới cho các bạn ấy vào giờ ra chơi. Trớ trêu thay, gió thổi mạnh quá nên món quà cứ bay lơ lửng mà không thể tới tay của các bạn, khiến tụi mình vừa buồn cười vừa đau lòng”.

Theo thầy Hồng Hoài, những rung động ngày ấy đơn giản chỉ là sự ngưỡng mộ dành cho bạn khác giới vì họ học giỏi và xinh gái. Dù sau này chẳng ai thành đôi nhưng mỗi lần gặp mặt đều vui vẻ kể lại. Đôi khi chỉ là chuyến đi chơi, đạp xe lòng vòng phố huyện hay quà tặng đơn giản là gói bim bim, cái kẹp tóc nhưng mọi người luôn trân quý như báu vật. “Thời học trò trở nên nhiều màu sắc hơn khi có những rung động trong sáng của tuổi mới lớn. Hơn nữa, khi chưa “cảm nắng” ai, nhóm mình chưa chăm học lắm! Nhưng lúc có ai đó để thầm thương, trộm nhớ mà người ta lại học giỏi thì mình tự nhiên có động lực học hơn hẳn”, thầy cho biết thêm.

Trong hình ảnh có thể có: 4 người, bao gồm Anh Trịnh, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và ngoài trời

Thầy Văn Anh cũng thích một người khá lâu thời học trò. Thầy bâng khuâng kể lại: “Cô ấy là lớp trưởng, cực kỳ cá tính, thông minh và học giỏi. Ngay lần đầu vào lớp, ánh mắt, nụ cười của cô bạn đã khiến tim mình xao động. Nhưng vì nhút nhát nên mình chỉ trò chuyện về chuyện học hành, ước mơ, lý tưởng sống. Giờ mỗi người một nơi nhưng mình vẫn luôn dành cho bạn ấy một ngăn trong tim để lưu giữ những kỷ niệm đẹp, ngọt ngào nhất của một thời áo trắng”.  

Với thầy Văn Anh, tuổi học trò là lứa tuổi mơ mộng, đầy cảm xúc xen lẫn một chút nông nổi, dại khờ. Đây còn là lứa tuổi của những thay đổi về thể chất và tâm lý. Thế nên, những gì xảy đến lần đầu đều mang lại những cảm xúc chân thành, mạnh mẽ nhất và chuyện tình cảm cũng không phải ngoại lệ. Sự rung động của tuổi học trò tuy ngây thơ, khờ dại nhưng lại rất thuần khiết, chẳng có tính toán thiệt hơn.

Khi “crush” ai đó, chắc hẳn bạn sẽ thay đổi tích cực để trở nên đẹp hơn trong mắt người ấy. Cô Hồng Ngọc từng có ý định nhịn ăn cho gầy đi để xinh hơn. Kế hoạch là thế nhưng thực tế, cô chỉ thực hiện được một ngày vì dạ dày ở “tuổi ăn, tuổi lớn” không chịu được. Cô bộc bạch: “Chuyện tình cảm tuổi học trò sẽ thật đẹp, thật ý nghĩa nếu bạn để mọi chuyện diễn ra tự nhiên. Mình cũng đã để trái tim rung lên và lấy đó làm động lực để phấn đấu học tập. Hơn thế, tình yêu tuổi mới lớn đã nuôi dưỡng cảm xúc, giúp mình trưởng thành hơn mỗi ngày”.

Cô Minh Thùy vẫn chưa thể gọi tên được xúc cảm của mình dành cho người bạn khác giới ấy. Cô xúc động nhớ lại: “Ngày ấy, mình có cảm tình với một bạn cùng lớp. Có lẽ do bạn ấy học xuất sắc môn Toán nên mình chuyển từ ngưỡng mộ sang “cảm nắng” nhưng chẳng dám nói gì. Mình thấy muốn đến lớp hơn vì bạn ấy, mong gặp bạn ấy hơn trong ký túc xá nhưng khi gặp thì lại ngại... Rồi bạn ấy chuyển trường, ít có cơ hội gặp nhau nhưng đến giờ, mình vẫn luôn trân trọng tình cảm đặc biệt đó”.

Buổi học cuối cùng

Buổi học cuối cùng là một trong những dấu mốc đáng nhớ trong trang lưu bút học trò. Thầy Hồng Hoài vẫn giữ cuốn lưu bút với những dòng viết tay nắn nót, đầy cảm xúc của các bạn trong lớp. Buổi học cuối cùng năm lớp 9 và lớp 12, thầy và nhóm bạn nam thường tặng hoa phượng cho cô chủ nhiệm và các bạn nữ. Những cánh phượng được ép thành cánh bướm, kèm theo những câu thơ hay lời chúc ngọt ngào. Trong khi hội con trai cười nói hàn huyên về dự định tương lai thì nhóm con gái ôm nhau, khóc sướt mướt. Ngày đó, thầy và bạn bè chưa biết đến khái niệm prom, chỉ có buổi tổng kết năm học trong tháng 5 oi ả, dưới tán phượng già và tiếng ve kêu râm ran.

Buổi học cuối cùng năm cấp ba cũng khiến thầy Văn Anh cảm thấy bâng khuâng, xao xuyến nhất. Lớp học hôm ấy bỗng trở nên thật lạ! Những gương mặt thân quen dù vẫn cười nói vui vẻ nhưng trong lòng, ai cũng mong hôm ấy chẳng bao giờ trôi qua để ôm nhau thật chặt, trao cho nhau những gì muốn nói; cùng nhau được khóc, được cười và lưu lại những hình ảnh đáng nhớ.

Trong hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người đang cười

Đối với cô Hồng Ngọc, ngày cuối cùng đi học thời cấp ba là ngày có nhiều cảm xúc nhất. Cô cùng các thành viên trong lớp đều kìm nén lại để không oà khóc. “Đó là lần đầu tiên mình sợ cảm giác chia tay bạn bè, thầy cô, trường lớp đến thế và chẳng muốn rời khỏi trường chút nào! Ngày ấy, trường MC3 ở cơ sở Trần Quốc Toản, chỉ cần bước ra hành lang là chúng mình thấy các lớp khác cũng đang quây quần viết lưu bút cho nhau. Mình nhớ nhất suốt một tuần sau khi chia tay, lớp mình vẫn đến trường và xin phép bác bảo vệ cho vào thăm lớp”, cô Hồng Ngọc bồi hồi nhớ lại.

Trong hình ảnh có thể có: 9 người, bao gồm Hong Ha Tran và Hồng Mai Nguyễn, mọi người đang cười, mọi người đang đứng

“Rồi mùa hè đã qua/ Trở lại mái trường xưa/ Nhìn lên phía hàng cây/ Xanh bao la nhớ nhung/ Giờ học sao khó quên/ Mối tình đầu thiết tha/ Chập chờn trong ánh mắt/ Ai thoáng nhìn qua…”, cô Minh Thùy khẽ hát lại ca khúc mà lớp cô đã nghêu ngao vào buổi học cuối cùng của khóa 96. Không lộng lẫy, rực rỡ như prom của hiện tại, buổi chia tay thời ấy dung dị và vô cùng sâu lắng để hôm nay, mỗi khi nhớ lại, cô vẫn cảm thấy bồi hồi, thổn thức trong tim.